“Trong 10 ngày tới, khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ sẽ có mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa ở một số khu vực miền Trung có thể đạt 500-1.000 mm, có nơi lớn hơn”. ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), cho biết như trên tại cuộc họp ứng phó với vùng áp thấp đang mạnh lên của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức sáng 6-10.
Đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ, tỉnh lộ
Theo giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cao điểm của đợt mưa đầu tiên kéo dài từ nay đến ngày 11-10, sau ngày 11-10 tiếp tục đợt mưa lớn lần hai. Trong 10 ngày tới, tổng lượng mưa ở Trung bộ có thể lên tới 1.000 mm, có nơi đến 1.500 mm. Đáng chú ý, từ ngày 11 đến 13-10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện một đợt áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khác nữa.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, đánh giá đây là đợt thiên tai rất nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng nên cần sẵn sàng phương án ứng phó.
Chiều 6-10, thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định có công văn đề nghị các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài, có nguy cơ gây lũ. cụ thể là kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập, khu vực hạ du, nhất là 15 hồ xung yếu, các công trình đang thi công, xây dựng. Đồng thời, rà soát phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng, ngập lụt, chia cắt, các khu vực người dân sống ven núi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng triển khai thực hiện.
Tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. Kiểm tra việc vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du theo quy trình vận hành.
Theo Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến chiều 6-10 tỉnh này có 152 tàu cá đang hoạt động ở vùng nguy hiểm. Các tàu này đã nhận thông tin vùng áp thấp và đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tàu thuyền neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC
Sẵn sàng phương án sơ tán dân
Cùng ngày, UBND tỉnh Phú Yên có công văn hỏa tốc yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Theo đó, chủ động phối hợp triển khai các phương án ứng phó với diễn biến áp thấp, ATNĐ, mưa lớn trên diện rộng theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tỉnh Phú Yên sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp, ngập lụt, chia cắt, đề phòng mưa lớn kéo dài và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh, có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương chủ động bố trí lực lượng đối với các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối.
Theo ông Võ Xuân Hòa, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, dự báo từ ngày 6 đến 9-10 tỉnh này có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng.
Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với vùng áp thấp, đợt mưa lớn kéo dài. Các cơ quan chức năng tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền…
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đến chiều 6-10 tỉnh này có hơn 1.100 tàu cá với 5.500 lao động đang hoạt động đánh bắt trên các vùng biển. Hiện tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm được thông tin về vùng áp thấp và có kế hoạch chủ động phòng tránh an toàn.
Mưa lớn, gió giật cấp 9 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến sáng 7-10, vị trí tâm ATNĐ cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 180 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Ngày 7-10, thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp vùng Nam Trung bộ. Đặc biệt, khi kết hợp với không khí lạnh sẽ tạo nên đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Trong ngày mai, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về PCTT sẽ tổ chức hai đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ và tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. • Với lượng mưa lớn, kéo dài và có diễn biến phức tạp, vào chiều tối 6-10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết vừa có công văn gửi Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung về việc điều tiết nước tại hồ Thủy điện A Lưới. Cụ thể, sẽ điều tiết về hạ du huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, khoảng 100-1.000 m3/giây từ 8 giờ ngày 9-10. A.HIỀN - N.DO |