Một máy bay tuần tra và chống ngầm P-8 Poseidon của Mỹ đã hạ cánh xuống quần đảo Andaman và Nicobar (một trong bảy lãnh thổ liên bang của Ấn Độ) để tiếp nhiên liệu. Động thái này thể hiện sự gắn kết giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc cùng đối đầu với Trung Quốc, tờ The EurAsian Times hôm 5-10 đưa tin.
Máy bay P-8 Poseidon có trang bị vũ khí đã hạ cánh xuống cảng Blair (quần đảo Andaman và Nicobar, Ấn Độ) để tiếp nhiên liệu và tiếp tế hậu cần vào hôm 25-9. Đây là máy bay tuần tra hàng hải đầu tiên của Mỹ tiếp nhiên liệu tại quần đảo Andaman và Nicobar.
Ấn Độ và Mỹ hiện đang cùng đối đầu với Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc đang căng thẳng ở vùng biên giới Ladakh còn Mỹ và Trung Quốc có mâu thuẫn ở khu vực Biển Đông và Đài Loan.
Hiện tại, Hải quân Ấn Độ sở hữu tám máy bay quân sự P-8I (I là viết tắt của từ India - Ấn Độ) do Mỹ sản xuất. Trước mối đe dọa của Trung Quốc ở biên giới, New Delhi đã đặt hàng thêm nhiều máy bay này vào hồi tháng 7.
Máy bay chống ngầm tuần tra thế hệ mới P-8 có trang bị tên lửa tên lửa chống hạm Harpoon Block II và ngư lôi hạng nhẹ. Với khả năng xác định chính xác mục tiêu, P-8 được mệnh danh là “sát thủ” diệt tàu ngầm.
P-8 do hãng máy bay Boeing sản xuất với mục đích là chống tàu ngầm ở tầm xa và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát. Vận tốc tối đa của nó là 490 hải lý/giờ (789 km/giờ).
Máy bay săn ngầm P-8I Poseidon của Ấn Độ. Ảnh: DEFPOST
Theo tờ The EurAsian Times, năm 2016, Ấn Độ và Mỹ đã ký Bản ghi nhớ về trao đổi hậu cần (LEMOA). Theo đó, hai bên có thể tiếp cận căn cứ hải quân của nhau để tiếp nhiên liệu và hỗ trợ hậu cần.
Trước đây, Ấn Độ đã hỗ trợ hậu cần cho nhiều tàu hải quân Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên nước này hỗ trợ đối với máy bay Mỹ.
Bên cạnh đó, thoả thuận LEMOA còn bao gồm cam kết về việc tập trận chung, đào tạo, hỗ trợ và cứu trợ nhân đạo. Ngoài ra, Ấn Độ còn có quyền tiếp cận các căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti, Diego Garcia, Guam và Vịnh Subic.
Theo The EurAsian Times, lo ngại sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên biển, hải quân Ấn Độ luôn ở trong tinh thần cảnh giác cao độ. Ấn Độ hiện đang nỗ lực đẩy nhanh các kế hoạch triển khai thêm quân lính ở quần đảo Andaman và Nicobar, đồng thời cải thiện cơ sở vật chất để chống lại sự hiện diện ngày càng nhiều của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương.
Vào tháng 7 vừa qua, Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chung gần quần đảo Andaman và Nicobar. Trong cuộc tập trận đó có sự hiện diện của hai tàu sân bay Mỹ - USS Nimitz và USS Ronald Reagan.
Chuẩn đô đốc George M. Wikoff cho biết mục đích của cuộc tập trận này là “phát đi tín hiệu rõ ràng cho các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực”.
Mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa New Delhi và Washington có lợi cho cả hai bên trong việc chống lại sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Bàn luận về mối quan hệ này, nhà nghiên cứu Ling Shengli thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) rằng mục đích mà Mỹ muốn lôi kéo Ấn Độ vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là để xây dựng một lực lượng chung gây sức ép với Trung Quốc.