vĐồng tin tức tài chính 365

Covid-19 cuốn phăng giấc mơ kinh tế của thế hệ trẻ châu Á

2020-10-07 15:21

Covid-19 cuốn phăng giấc mơ kinh tế của thế hệ trẻ châu Á

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều thập kỷ, các nền kinh tế châu Á mang lại cho hàng triệu thanh niên cơ hội việc làm xán lạn hơn các bậc cha mẹ của họ. Nhưng giờ đây con đường tiến lên nấc thang xã hội và kinh tế đó đang đối mặt rủi ro khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng vọt ở một khu vực, nơi chiếm đa số dân số trong độ tuổi 15-24 của thế giới.

Dù có bằng phi công, Pavisa Ketupanya, 26 tuổi, ở Bangkok, Thái Lan, đang làm nghề nối lông mi để kiếm sống qua ngày. Ảnh: Bloomberg

Theo một báo cáo chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (IMO), giới trẻ trong độ tuổi 14-25 ở châu Á đang mất việc với tốc độ nhanh hơn so với các thế hệ lớn tuổi hơn vì gần phân nửa trong số họ làm việc trong bốn lĩnh vực kinh tế chịu tổn thương lớn nhất do đại dịch Covid-19, gồm bán lẻ và bán sỉ; sản xuất; dịch vụ kinh doanh; dịch vụ thực phẩm và lưu trú.

Báo cáo cho biết phụ nữ trẻ ở châu Á và những nhóm lao động ở nấc thang thấp nhất trong công việc bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ phong tỏa

Báo cáo của ADB và IMO cảnh báo một thế hệ trẻ đang bị bỏ lại phía sau trong  thời kỳ phong tỏa. Pavisa Ketupanya, 26 tuổi, ở Bangkok, là một trong số họ. Cô đã có bằng lái máy bay và chuẩn bị tiếp bước sự nghiệp của cha mình để bay trên những chuyến bay thương mại. Nhưng đại dịch Covid-19 đột ngột làm tan vỡ kế hoạch của cô.

“Khi tôi nhận bằng lái máy bay để trở thành phi công thương mại, tôi nghĩ rằng đây là công việc suốt đời của tôi vì có mức thu nhập tốt”, Ketupanya nói. Nhưng giờ đây, trong khi chờ nền kinh tế cải thiện, cô phải dựa vào công việc nối lông mi để kiếm chút ít thu nhập. “Tôi chỉ kiếm được một khoản nhỏ so với mức lương của phi công nhưng vẫn tốt hơn là không có đồng thu nhập nào”, cô chia sẻ.

Những câu chuyện về giấc mơ việc làm bị chặn đứng như trường hợp của Pavisa xảy ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi có đến 15 triệu công việc dành cho thanh thiếu niên có thể bị mất mát ở 13 nước của khu vực này trong năm nay, theo dự báo của ADB và ILO. Trong nhiều thập kỷ gần đây, châu Á dựa vào lực lượng dân số tương đối trẻ và tầng lớp trung lưu đang mở rộng để thúc đẩy nhu cầu.

Châu Á-Thái Bình Dương đóng góp hơn 2/3 cho mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhưng năm 2019 nhưng năm nay, ADB dự báo khu vực châu Á đang phát triển sẽ trưởng âm 0,7%, đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ thập niên 1960.

Triển vọng đó không mang lại chút lạc quan nào cho Navisha Ali, 17 tuổi ở New Dehli, Ấn Độ. Trong sáu tháng qua, cô miệt mài đi tìm việc các công việc phổ thông. Khi đại dịch Covid-19 ập đến hồi đầu năm nay, cô mất công việc đính kim tuyến ở một nhà máy may mặc nhỏ. Cô phải bỏ học cách đây ba năm để trang trải chi tiêu cho gia đình sau khi một vụ tai nạn giao thông khiến cha cô không còn sức khỏe để đi làm nữa.

Cô chỉ kiếm được mức thu nhập bèo bọt 5.500 rupee (75 đô la Mỹ/tháng. Số tiền này dùng để nuôi cha mẹ và bốn đứa em nhỏ của cô. Giờ đây, hai em gái của cô, 16 và 14 tuổi, cũng đã nghỉ học để đi tìm việc.
Cô nói: “Chúng đang học thêu và tôi cũng dạy chúng công việc đính kim tuyến mà tôi đã từng làm”

Lớp người nghèo mới

Cú sốc Covid-19 đang tạo ra một lớp người nghèo mới khắp Đông Á và Thái Bình Dương với khoảng thêm 38 triệu người rơi vào cảnh sống nghèo khổ, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Wei-Jun Jean Yeung, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu dân số và gia đình ở Đại học quốc gia Singapore, cảnh báo cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay có thể nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng trước đây và sẽ gây căng thẳng mối quan hệ của giới trẻ với các thế hệ lớn tuổi, làm tổn thương sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

“Lần này, tác động tồi tệ hơn nhiều vì nhiều căng thẳng ập đến cùng một lúc. Lần này, cuộc khủng hoảng việc làm sẽ kéo dài lâu hơn, vì vậy, tác động cũng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều”, bà nói. Tác động lên các gia đình, theo như cảnh báo của Yeung, đã xảy ra ở mái nhà của JM Dimaunahan ở Manila, Philippines, 22 tuổi, người đang sống dựa vào đồng lương hưu còm cõi của cha mẹ do không xin việc được sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân xã hội học.

Thay vì kiếm tìm công việc tiếp thị như kỳ vọng, anh đang đặt mục tiêu thấp hơn là làm việc ở trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại (call center). “Một số công ty ngưng tuyển dụng do tác động của đại dịch. Tôi đang chịu áp lực vì không có ai kiếm thu nhập cho gia đình và chúng tôi không chỉ thể dựa vào đồng lương hưu của cha mẹ cho chi tiêu hàng ngày”, anh nói.

Để phá thế bế tắc giống như trường hợp của Dimaunahan cần sự hỗ trợ của chính phủ hoặc đà phục hồi kinh tế nhanh chóng nếu dịch bệnh được kiểm soát hoan toàn và thị trường việc làm khởi sắc trở lại

Mất nhiều năm để phục hồi

Một tia hy vọng cho thế hệ trẻ là các ngành như công nghệ vẫn đang săn lùng lao động trẻ. Tuy nhiên, các công việc trong lĩnh vực này đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn cao.

Winnie Tang, Chủ tịch Công ty Esri China (Hồng Kông), một đơn vị thành viên của hãng phần mềm Esri ở bang California, Mỹ, đang vận hành bảng theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đại học Johns Hopkins, cho biết 30% nhân viên của công ty bà là người trẻ dưới 30 tuổi. Bà nói: “Ngành công nghệ thông tin đang bùng nổ”.

Tuy nhiên, Tang ghi nhận tiến trình chữa lành tổn thương  việc làm ở giới trẻ sẽ mất nhiều năm trời.
“Lao động trẻ, ngay cả những người tốt nghiệp đại học, có thể kiếm thu nhập ít hơn trong một thập kỷ tới, thậm chí lâu hơn”, bà nói.

Sau khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19, thị trường lao động có thể tăng tốc hướng đến nền kinh tế tự do (gig economy). Các công việc không chính thức và không có hợp đồng đang dần phổ biến nhưng các tỷ lệ thất nghiệp theo thống kê của các nhà chức trách không nắm bắt đầy đủ tình trạng này.

Ngay cả ở Trung Quốc, nơi đà phục hồi kinh tế đang diễn ra nhanh nhất, chính phủ cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ vẫn ở mức cao.  Zhu Yue, 24 tuổi, gần đây, hoàn thành chương trình thực tập ở Công ty công nghệ ByteDance ở Bắc Kinh và cô đã quay trở lại Đại học Waseda ở Nhật Bản, nơi cô dự định hoàn thành các khóa đào tạo sau đại học ở lĩnh vực truyền thông và văn hóa quốc tế vào tháng 3-2021.

Khi cô nhận tấm bằng đại học ở Bắc Kinh vào năm 2018, có nhiều công việc chào đón cô nhưng lần này thì khác. Cô nói: “Tôi rất lo lắng. Rất khó tìm việc trong năm nay”.

Theo Bloomberg

Xem thêm: lmth.a-uahc-ert-eh-eht-auc-et-hnik-om-caig-gnahp-nouc-91-divoc/441903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Covid-19 cuốn phăng giấc mơ kinh tế của thế hệ trẻ châu Á”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools