Ngân hàng các nước ASEAN lo âu về lợi nhuận, cảnh giác nợ xấu
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Mẫu số chung của ngành ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á là tình trạng đang lặn ngụp trong nguy cơ nợ xấu khi dòng thanh khoản của các doanh nghiệp bị đảo lộn vì dịch Covid-19. Các ngân hàng đang thận trọng trong những tháng còn lại của năm với tâm trạng bất an về lợi nhuận của qúi 3 và qúi 4.
aa |
Nhà kinh tế Sung Eun Jung của Oxford Economics nói rằng lãi suất thấp và các khoản nợ xấu do tác động của dịch bệnh, đặc biệt ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sẽ tiếp tục gây sức ép lên lợi nhuận của các ngân hàng Đông Nam Á.
“Với làn sóng thứ hai và thứ ba của dịch bệnh trên toàn cầu, chúng tôi vẫn không lạc quan về triển vọng của ngành du lịch và khách sạn. Các khoản vay đối với khu vực này sẽ tiếp tục có rủi ro cao trong một thời gian nữa”, nhà phân tích kết luận.
Chia cổ tức cao nhất là 60% so với năm 2019
DBS Group Holdings đạt lợi nhuận ròng 1,25 tỉ đô la Singapore, khoảng 910 triệu đô la Mỹ, trong qúi 2 vừa rồi – giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, lợi nhuận ròng của DBS trong qúi 1 chỉ đạt 1,17 tỉ đô la Singapore, giảm 29% so với cùng kỳ. Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á này cảnh báo về “những tháng khó khăn còn lại trong năm” khi kết quả kinh doanh của qúi 3 dự kiến được công bố trong tháng 11 tới.
“Qúi 2 vừa rồi khá khó khăn. Chúng tôi tiếp tục cảnh giác và thận trọng. Chúng tôi đã bơm ra nguồn quỹ dự phòng khá lớn”, CEO DBS Piyush Gupta nói.
Tổng nguồn quỹ dự phòng được DBS sử dụng trong nửa đầu năm nay đã tăng năm lần so với năm trước, đạt 1,94 tỉ đô la Singapore. Khoảng 2/3 trong số này, 1,26 tỉ đô la Singapore, là từ nguồn quỹ dự phòng dành cho xử lý nợ xấu.
Đối thủ của DBS, United Overseas Bank đạt lợi nhuận 703 triệu đô la Singapore trong qúi 2 – thấp hơn 40% so với năm trước. UOB dùng đến 396 triệu đô từ quỹ dự phòng trong qúi 2 để cân đối kế toán, tăng 51 triệu đô la so với năm trước. UOB CEO Wee Ee Cheong nói rằng trên 50% các khoản vay của ngân hàng là ở Singapore.
“Chúng tôi chủ động nâng mức quỹ dự phòng để đối phó với tương lai bất định phía trước. Đây là bước đi khá bảo thủ để đề phòng rủi ro”, ông Wee nói.
Kết quả kinh doanh của hai ngân hàng này đều đúng như dự báo của các nhà phân tích. Bà Priyanka Kishore, người phụ trách các vấn đề kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á của Oxfords Economics, nói với Nikkei Asian rằng tổng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ tài chính Singapore trong năm nay chỉ đạt cao nhất là 50% tỷ lệ của năm 2019.
“Các ngân hàng Singapore được đánh giá cao về mặt chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của nhiều công ty, ảnh hưởng tiêu cực trở lại tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng”, bà Kishore phát biểu.
aa |
Các ngân hàng Singapore sẽ chịu nhiều tác động do các khoản nợ xấu từ lĩnh vực bất động sản – Pramod Shenoi, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của hãng CreditSights cảnh báo. Các khoản vay liên quan bất động sản chiếm 25% tổng số cho vay của các định chế tài chính ở đây.
“Lượng khách mua sắm ở các khu thương mại giảm mạnh. Dù là chỉ tạm thời, nhưng việc nhiều cửa hiệu đóng cửa và mọi người làm việc tại nhà đã ảnh hưởng đến nhu cầu thuê mướn mặt bằng. Các dự án bất động sản thương mại đang xây dựng cũng gặp áp lực. Tuy vậy, các bất động sản này được đem thế chấp, dĩ nhiên chất lượng tài sản sẽ có vấn đề”, nhà phân tích nhận định.
Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) – ngân hàng trung ương của đảo quốc này – trong quí 3 đã nhiều lần kêu gọi các ngân hàng giới hạn mức cổ tức chia cho cổ đông cao nhất là 60% so với năm trước. Biện pháp này nhằm tăng sức chịu đựng của ngân hàng và giúp họ tiếp tục bơm tiền cho doanh nghiệp và người dân vay mượn khi kinh tế yếu đi. Kinh tế Singapore đã suy giảm âm 12,6% trong quí 2 vừa rồi.
“Sự cẩn trọng trong sử dụng vốn hay cho vay vẫn trong mức độ cảnh báo toàn cầu của các cơ quan quản lý Singapore. Về mặt này, các ngân hàng Singapore tương đối ít bị kiểm soát hơn trong việc chia cổ tức và mua lại cổ phần, chẳng hạn so với các ngân hàng châu Âu”, báo cáo của hãng tư vấn OCBC Investment Resarch viết về hai ngân hàng của Singapore.
Nhà phân tích Thilan Wickramasinghe của ngân hàng Maybank Kim Eng ghi nhận rằng: MAS đã thuyết phục các ngân hàng thương mại có phạm vi hoạt động toàn cầu của Singapore xem xét mức chia cổ tức hợp lý giữa tình trạng bất định hiện nay.
“Chúng tôi tin rằng bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế không bị đứt đoạn là mục tiêu chính của lời kêu gọi này. Điều này giúp nguồn tín dụng trong nước tăng trưởng tốt và kềm chế nợ xấu gia tăng quá nhanh trong tương lai gần”, Wickramasinghe viết.
Hoãn nợ, tái tài chính để giảm nợ xấu
Tình hình tương tự ở Thái Lan khi ngân hàng trung ương khuyến cáo các ngân hàng thương mại khống chế việc chia cổ tức và mua lại cổ phiếu để dự trữ tiền mặt.
aaa |
Bốn ngân hàng thương mại lớn nhất nước này ghi nhận mức sụt giảm hai con số về mặt trong quý 2 vừa rồi. Kasikornbank đứng đầu trong nhóm với mức giảm đến 78%. Tiếp theo là Bangkok Bank 67%, Krungthai Bang 53% và Siam Commercial Bank 24%. Cả bốn ngân hàng này nói quỹ dự phòng gia tăng là lý do chính làm suy giảm lợi nhuận.
Giữa cảnh báo về nợ xấu gia tăng, tuy nhiên Bangkok Bank và Kasikornbank nói tỷ lệ nợ xấu của họ trong quý rồi lại giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Krungthai Bank và Siam Commercial Bank có mức nợ xấu tăng.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hoãn, giãn trả nợ vốn gốc và lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sáu tháng đối với các khoản vay đến 100 triệu baht, gần 3,2 triệu đô la Mỹ, nhằm ngăn chận nợ xấu tăng vọt.
Tại Indonesia, nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, khu vực tài chính ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.
Bank Central Asia, ngân hàng lớn nhất của nước này về mặt vốn hóa, cho biết lợi nhuận ròng giảm 4,8% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đó mức chi quỹ dự phòng “nổ phình” 167,3%.
Bank Danamon, chi nhánh của tập đoàn tài chính Mitsubish UFJ của Nhật Bản, có lợi nhuận ròng giảm 53% sau khi trừ đi mức tăng quỹ dự phòng 87%. CIMB Niaga có mức lợi nhuận ròng giảm 11,7%, quỹ tăng 34,8%. Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Indonesia cho biết, các khoản tái tín dụng đạt đến 779.000 tỉ rupiah, gần 53 tỉ đô la Mỹ, vào cuối tháng 7 vừa rồi. Gần một nửa trong số này dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xem thêm: lmth.uax-on-caig-hnac-nauhn-iol-ev-ua-ol-naesa-coun-cac-gnah-nagn/341903/nv.semitnogiaseht.www