TBKTSG số 41-2020: Động lực kinh tế cuối năm
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Bước vào quí cuối cùng của năm 2020, một chuyên đề nội dung về động lực kinh tế cuối năm sẽ xuất hiện trên TBKTSG phát hành sáng mai (8-10) với các bài viết:
Kinh tế Việt Nam quí 3-2020: Thắp lên hy vọng đã thoát đáy (TS. Trần Toàn Thắng – TS. Phạm Sỹ Thành): Đại dịch Covid-19 để lại những tác động tiêu cực cho nền kinh tế, đặc biệt trong quí 2-2020. Song các chỉ số “tươi sáng” hơn ở quí 3 đã giúp thắp lên niềm hy vọng, dù vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước.
Tăng trưởng GDP: động lực nào trong quí cuối năm? (Linh Trang): Trong kịch bản dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, tăng trưởng GDP quí 4 nhiều khả năng sẽ cao hơn ba quí đầu năm nhờ yếu tố mùa vụ và nỗ lực kích cầu của Chính phủ.
Mấu chốt là khơi thông "đầu ra' cho dòng vốn (Triêu Dương): Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã giảm các loại lãi suất điều hành lần thứ ba trong năm nay. Nhưng vấn đề cốt lõi là phải giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp trước khi thúc đẩy nhu cầu vay tăng trở lại.
Xuất khẩu chín tháng: nửa mừng nửa lo (Nguyễn Đình Bích): Giá hàng nhập khẩu giảm rất mạnh, giúp Việt Nam hưởng lợi gần 7,5 tỉ đô la Mỹ, lớn hơn gấp đôi so với khoản thiệt 3,1 tỉ đô la do giá xuất khẩu giảm. Đây là yếu tố quan trọng giúp kiềm chế lạm phát. Song hoài nghi về việc nhập siêu hàng công nghiệp chế biến từ Trung Quốc đẫn đến gia tăng xuất khẩu mạnh sang Mỹ là có cơ sở.
Cơ hội cho thương mại Việt Nam khi Mỹ dỡ bỏ “lệnh ở nhà” (Nguyễn Quốc Bảo): Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Khi lệnh ở nhà (để phòng dịch bệnh) được Mỹ dỡ bỏ, hàng hóa Việt Nam sẽ lập tức lên đường.
Các đề tài theo dòng thời sự khác:
Gói hỗ trợ phải thiết thực và trực tiếp (mục Ý kiến): Một trong những bài học rút ra từ gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng vừa qua đó là: nếu mục tiêu là hỗ trợ công nhân thì tiêu chí chỉ cần là công nhân thật sự bị mất việc, bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, và không cần ấn định các tiêu chí phía doanh nghiệp phải đáp ứng.
Nên “biện hộ” thế nào về chuyện tiền đồng bị định giá thấp? (Phan Minh Ngọc): Với mức chênh lệch lạm phát tương đối nhỏ giữa Việt Nam và Mỹ, tương ứng là 2,8% và 2,3% năm 2019, trong khi tỷ giá danh nghĩa hầu như không thay đổi thì việc Mỹ cho rằng tiền đồng bị định giá thấp 4,7% là điều khá bất ngờ và khó hiểu.
TPHCM cần “cao tốc” để phát triển (TS. Võ Đình Trí): TPHCM như một chiếc ô tô có dung tích xi lanh lớn chạy trong khu vực đông dân cư.
Trái chiều giữa các dòng vốn ngoại (Đăng Linh): Trong khi dòng vốn từ các quỹ chủ động có xu hướng rời khỏi thị trường chứng khoán thì dòng vốn thụ động chảy qua các quỹ ETF tại Việt Nam đang có xu hướng mạnh lên.
Giảm lãi suất - mục tiêu còn là tỷ giá? (Thụy Lê): Việc NHNN giảm các loại lãi suất điều hành, ngoài mục tiêu kéo thấp chi phí vốn trong nền kinh tế, không loại trừ khả năng còn nhắm đến yếu tố tỷ giá.
Hạ lãi suất điều hành: Chỉ là cú hích cho tài khóa (Phạm Long): Việc hạ lãi suất điều hành giúp thị trường trái phiếu chính phủ sôi động hơn, gián tiếp hỗ trợ chính sách tài khóa.
Cần có thị trường mua bán nợ chính thức (Trang Nguyễn): Nợ xấu trước, trong và sau dịch Covid-19 có thể được xử lý nhanh và gọn hơn nếu sớm hình thành một thị trường mua bán nợ có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Khi nhà đầu tư “mua gì cũng thắng” (Thành Nam): Thị trường chứng khoán đang trong những ngày mà nhà đầu tư “mua gì cũng thắng” bất kể cổ phiếu tốt hay xấu, thị giá cao hay thấp, kết quả kinh doanh triển vọng hay thua lỗ.
Chứng khoán tuần qua: VN-Index có thể đối mặt với áp lực chốt lời (Thanh Thủy).
Con sóng bất động sản logistics đang tràn đến (Trần Thanh Hải): Đình Vũ (Hải Phòng giờ đã kín các kho bãi, kho ngoại quan…, hàng ngày tấp nập các chuyến xe container. Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cũng đang ở trong tầm ngắm của các nhà đầu tư logistics.
Luật lệ cũng phải có... ngoại lệ (Trương Trọng Hiểu): Covid-19 là nguyên cớ cho nhiều ngoại lệ mới của luật hình thành. Như Singapore đã đưa ra bản hướng dẫn “hợp tác ngoại lệ” bao gồm các hoạt động liên kết sản xuất, liên kết phân phối-tiếp thị, liên kết mua. Hoặc hơn lúc nào hết, điều kiện về doanh nghiệp có nguy cơ phá sản được các bên khai thác để phản biện những cáo buộc vi phạm về sáp nhập doanh nghiệp.
Điều chỉnh thước đo về kinh tế: Thước đo ảo và thước đo thật (Bùi Trinh): Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất những chỉ tiêu không mấy ý nghĩa trong thực tế vào các chỉ tiêu pháp lệnh kinh tế, thì cái cần đưa vào hơn là các chỉ tiêu đo lường sức khỏe thực sự của nền kinh tế.
Cuộc “chiến” Donald Trump - Joe Biden có ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam? (Đông Hà): Không loại trừ khả năng kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu như đã từng diễn ra vào năm 2016. Doanh nghiệp Việt Nam cần có những biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Tập trung kinh tế theo quy định pháp luật cạnh tranh - một số vấn đề cần quan tâm (ThS.Trần Châu Hoài Hận - Cao Duy Khôi): Luật Cạnh tranh 2018 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó có thể cạnh tranh.
Cuộc chơi mới trên thị trường bán lẻ từ Covid-19 (Minh Tâm): Môi trường kinh doanh mới đang mở ra cho các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh khi khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng vì giãn cách xã hội, vì mất việc do dịch bệnh.
Năng lực sản xuất - yếu tố thu hút FDI chất lượng cao (Vũ Tuấn Anh): Một số gợi ý cho doanh nghiệp sử dụng khung giá trị (value), năng suất (productivity) và hệ thống (system) nhằm đánh giá năng lực sản xuất của mình.
Làm việc linh hoạt có được bảo hiểm tai nạn lao động? (LS. Dương Tiếng Thu - Nguyễn Ngọc Thanh Phương): Ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn áp dụng chính sách linh hoạt thời giờ và địa điểm làm việc cho nhân viên. Nhưng điều này cũng đặt ra vấn đề về thanh toán bảo hiểm tai nạn lao động xảy ra tại địa điểm làm việc linh hoạt và trong thời giờ làm việc linh hoạt. Hiện pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng tới đâu trong vấn đề này?
Thay đổi để khách yên tâm quay lại (Đào Loan): Nhiều doanh nghiệp du lịch đã triển khai các biện pháp an toàn, tập trung phòng chống lây nhiễm dịch bệnh cho du khách và nhân viên để có thể hoạt động tốt hơn trong dại dịch.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cơ hội lại vuột? (Quốc Hùng): Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia dường như lại trôi qua lần nữa khi nhà sản xuất nước ngoài và nhà cung cấp trong nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Hai lần và một ngàn lần (Quỳnh Thư): Ngoài chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người 5.000 đô la Mỹ vào năm 2025, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra mục tiêu cụ thể nhắm tới giảm bớt khoảng cách giàu nghèo.
Mở đầu vào, còn đầu ra thì sao? (Lê Minh Tiến): Kiểu đào tạo đại học “mở đầu vào, siết đầu ra” không mới mẻ. Nhưng liệu vế thứ hai, tức “siết đầu ra”, có được đảm bảo?
Nhãn quan của nam giới (Phạm Hải Chung): 58% phụ nữ báo cáo từng bị lạm dụng thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc – theo một kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ thực hiện năm 2010.
Nông thôn mới: đích vẫn còn xa (Đặng Hoài Giang): Mức sống của các hộ gia đình nông thôn đã được nâng lên rõ rệt, nhưng căn nguyên không đến từ ruộng đồng, từ nông nghiệp mà đến từ kiều hối.
Gìn giữ những giống cây bản địa quý (Thanh Thảo): Những quả cây bản địa thơm ngon là vốn quý, là tinh hoa của một vùng đất, không thể để mai một.
Trang Kinh tế thế giới:
Doanh nghiệp Mỹ và bài toán tách chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc (Song Thanh): Cho dù kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ra sao thì việc ra đi hay ở lại Trung Quốc vẫn là vấn đề làm đau đầu nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Internet từ không gian? (Nguyễn Vũ): Kết nối Internet toàn cầu trong một hệ thống của riêng mình là giấc mơ của nhiều “đại gia” công nghệ. Thế nhưng cho đến nay chỉ có Elon Musk biến một phần giấc mơ ấy thành hiện thực.
Khi hôn nhân giữa hai thương hiệu tan vỡ (Thư Kỳ): Thương vụ LVMH mua lại Tiffany không những đổ vỡ mà hai bên lại còn đem nhau ra tòa.
Mời bạn đọc đón xem!
Xem thêm: lmth.man-iouc-et-hnik-cul-gnod-0202-14-os-gstkbt/931903/nv.semitnogiaseht.www