Mũ bảo hiểm kém chất lượng đang là vấn nạn
Vân Ly
(TBKTSG Online) – Mặc dù người tham gia giao thông ở Việt Nam tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm, nhưng vấn nạn mũ kém chất lượng đã làm cho việc tuân thủ này trở nên mất tác dụng.
Khoảng 90% trong tổng số 540 người tham gia khảo sát đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được khỏi nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp không may gặp tai nạn giao thông, theo một nghiên cứu được công bố tại cuộc hội thảo hôm 7-19, do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) và Quỹ UPS tổ chức.
90% mũ bảo hiểm được sử dụng không an toàn. Ảnh: TTXVN |
Thông tin trên được cung cấp tại cuộc hội thảo đánh giá chương trình hành động về chất lượng mũ bảo hiểm trong khuôn khổ dự án “Hành trang An toàn” do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Quỹ UPS tổ chức vào ngày 7-10.
Tại hội thảo đã công bố kết quả một nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm do Quỹ AIP phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã thu thập ngẫu nhiên 540 mũ bảo hiểm đang được sử dụng của người lớn và trẻ em tại TPHCM và Thái Nguyên để tiến hành nghiên cứu.
Trong đó có gần 26% số mũ được chọn khảo sát là mũ lưỡi trai, lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô xe máy theo qui định (tại tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy).
Và chỉ có 10,5% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm là đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập theo quy trình thử nghiệm quy định (tại QCVN2: 2008/BKHCN). Như vậy, có 89,5% tổng số mũ được thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp không may gặp tai nạn giao thông.
Trong khi đó số liệu cung cấp ở hội thảo cho thấy nghiên cứu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chứng minh đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong từ 42% và giảm tỷ lệ thương tật nặng tới 69% trong trường hợp không may gặp tai nạn.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, nhận định: “Kết quả của nghiên cứu trên đây phản ánh một phần về thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng dẫn đến sự hạn chế trong nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ thương vong khi xảy ra va chạm.
Mặc dù lượng mẫu khảo sát còn ít, nhưng kết quả nghiên cứu cũng phần nào phản ảnh tình trạng chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm”.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng là loại mũ không đáp ứng yêu cầu về đảm bảo an toàn, thiếu những bộ phận quan trọng để bảo vệ an toàn cho người dùng. Ví dụ: lớp xốp là bộ phận rất quan trọng vì có thể hấp thụ lực xung động, giúp giảm tác động va đập giữa hộp sọ và não bộ khi xảy ra va chạm. Việc chọn nơi mua mũ thuận tiện, giá bán rẻ, và nhận thức chưa đúng của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng phổ biến loại mũ chưa đạt chất lượng trên thị trường.
Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm khá cao trên cả nước từ nhiều năm nay nhưng vấn nạn mũ bảo hiểm kém chất lượng là một trong những hạn chế lớn nhất trong việc thực hiện quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam.
Được biết dự án Hành trang an toàn trong năm học 2019 - 2020 đã trao tặng 10.942 mũ bảo hiểm và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục an toàn giao thông, cũng như những chương trình nâng cao nhận thức cho học sinh tại các trường tiểu học ở ngoại thành. Những hoạt động này đã góp phần nâng tỷ lệ đội mũ của học sinh tiểu học các trường tham gia dự án tại TPHCM từ 23% đến 77% và tại tỉnh Thái Nguyên từ 27% đến 82%.
Bà Mirjam Sidik, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ AIP, khẳng định: “Từ kết quả nghiên cứu và công tác vận động các bên đối tác, AIP đang cố gắng để việc sử dụng mũ bảo hiểm chất lượng cao được phổ biến tại Việt Nam, góp phần bảo vệ tất cả những người tham gia giao thông trên mọi cung đường họ đi.”
Xem thêm: lmth.nan-nav-al-gnad-gnoul-tahc-mek-meih-oab-um/351903/nv.semitnogiaseht.www