Ngày 6-10 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết dù nước này đang hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo cung cấp đủ vaccine ngừa COVID-19 cho công dân của mình, nhưng việc này sẽ không làm thay đổi lập trường của Jakarta về Biển Đông, kênh Channel News Asia (CNA) đưa tin.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: ANTARA
Khi được hỏi liệu việc phát triển vaccine có ảnh hưởng đến quan điểm của Indonesia trên vùng biển tranh chấp hay không, bà Retno khẳng định là không.
"Tôi có thể chắc chắn là không. Đây là hai việc khác nhau, chúng tôi hợp tác bình đẳng và cùng có lợi chứ không phải chỉ có Jakarta được hưởng lợi từ việc này” - bà Retno cho biết.
"Trung Quốc và cả các công ty Trung Quốc cũng được hưởng thành quả hoặc lợi ích của sự hợp tác này" - bà nói với phóng viên CNA trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện đang tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối trên người đối với vaccine COVID-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển - một trong số ít vaccine trên thế giới đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Ngoài ra, nước này cũng đang làm việc cùng với một công ty Trung Quốc khác - công ty Sinopharm để đảm bảo rằng 260 triệu người Indonesia có thể được tiêm chủng.
Indonesia không phải là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nước này đã nhiều lần trao công hàm phản đối Trung Quốc về quyền đánh bắt xung quanh quần đảo Natuna ở phía nam của vùng biển rộng lớn này.
Nhiều lần trong năm nay, bà Retno đã khẳng định Indonesia không phải là một bên có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và bản đồ đường chín đoạn mà Trung Quốc sử dụng làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của họ ở vùng biển chiến lược này là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế.