Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (giữa) và ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc trong cuộc gặp ở Tokyo ngày 6-10 - Ảnh: Reuters
Hôm 6-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến đi Tokyo (Nhật Bản), nơi ông có cuộc gặp cùng Thủ tướng Suga và dự họp với ngoại trưởng các nước Ấn Độ, Úc và chủ nhà Nhật Bản.
Đây là cuộc họp cấp ngoại trưởng thứ hai của một nhóm không chính thức có tên gọi "Đối thoại an ninh bốn bên" - thường được gọi là "QUAD" hay "Bộ tứ kim cương", "Tứ giác kim cương" hoặc "Tứ giác an ninh" - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
"NATO châu Á" còn xa vời
Có thể nói, đến nay ý tưởng biến QUAD thành một liên minh quân sự kiểu "NATO châu Á" vẫn còn khá xa vời. Điều này xuất phát một phần từ việc các nước có ưu tiên, đường hướng cụ thể khác nhau vào thời điểm hiện tại.
Đối với Mỹ, chuyến đi của ông Pompeo vẫn không nhằm mục đích nào khác ngoài tìm kiếm và muốn xác nhận sự ủng hộ của các thành viên QUAD còn lại, đặc biệt Nhật Bản, trong các kế hoạch ứng phó Trung Quốc. Yêu cầu của Washington vì vậy đặt nặng vào Nhật Bản, còn nội dung hợp tác thì không chỉ dừng lại ở quốc phòng bởi hiện nay nhiều vấn đề như an ninh mạng, kế hoạch kinh tế không Trung Quốc... cũng là ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Đối với phần còn lại, các nước như Nhật và Úc cũng không thể hiện ra mặt khi nói tới khả năng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc hoặc sử dụng QUAD như một cơ chế chỉ để đối đầu với Trung Quốc. Đài NPR (Mỹ) dẫn lời giáo sư danh dự Hugh White tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng ở ĐH Quốc gia Úc nhận định rằng thậm chí với một nước như Úc, vốn đang trong giai đoạn căng thẳng đặc biệt với Trung Quốc gần đây, cũng lưỡng lự trong việc nghiêm túc đặt vấn đề về mục đích thực sự của QUAD.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 6-10, người phát ngôn Chính phủ Nhật Katsunobu Kato cũng nêu rõ: "Cuộc họp QUAD này không được tổ chức trong tư thế đối phó với bất kỳ quốc gia cụ thể nào".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS John Blaxland (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, ĐH Quốc gia Úc) khẳng định QUAD là cơ chế quan trọng nhưng không nên thổi phồng quá mức. "Đây là một khuôn khổ đối thoại, một diễn đàn, nơi các nước thảo luận các vấn đề họ cùng quan tâm, và qua đó có thể khai phá cách thức phối hợp gần gũi với nhau hơn cũng như thúc đẩy năng lực của các bên" - ông nói.
Ông Pompeo thu được gì?
Trước chuyến đi của ông Pompeo, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề chính trị - quân sự R. Clarke Cooper. Ông nói: "Khi chúng ta nhìn vào hàng loạt vấn đề, lợi ích chung của chúng tôi là hợp tác an ninh và gánh nặng quốc phòng mà chúng tôi chia sẻ, cũng như thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra. Nhưng ngoài quốc phòng, chúng tôi cũng còn đó lợi ích chung xét về thương mại, lợi ích kinh tế với Nhật".
Trên thực tế, chuyến đi bị cắt ngắn của Ngoại trưởng Pompeo ở Tokyo đã kết thúc mà không kèm theo một sáng kiến lớn nào cụ thể. Nhưng trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, ông Pompeo nhấn mạnh QUAD đã và sẽ tiếp tục thể hiện đây là một cơ chế hữu ích, hiệu quả, nhằm mang lại thịnh vượng và tự do trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Tổng thống Donald Trump đã nói rõ không phải tổ chức đa phương nào cũng không tốt, mà vấn đề là tổ chức nào mang tới lợi ích, có kết quả thành công, có thỏa thuận tốt cho mọi bên. Đây chỉ là lần thứ hai bốn bộ trưởng ngoại giao chúng tôi gặp gỡ, nhưng tôi tin rằng hôm nay chúng ta sẽ tiến tới những cách thức thực tiễn để khởi động việc thực thi những gì chúng ta có thể làm cùng nhau" - ông Pompeo nói.
Như vậy, dù chưa đi tới những kết quả mang tính bước ngoặt, các bộ trưởng QUAD vẫn tiếp tục đặt nền tảng cho đối thoại trong tương lai về việc định hình khuôn khổ hợp tác này.
Hướng về Đông Nam Á?
Điểm đặc biệt trong sự kiện vừa qua là việc Nhật Bản đề xuất sự tham gia rộng lớn hơn so với suy nghĩ thông thường về QUAD. Ngoại trưởng Nhật Motegi Toshimitsu bóng gió về khả năng làm việc sâu sát hơn với các nước láng giềng của Nhật cũng như nước khác khi nói về thách thức Trung Quốc tạo ra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
"Nhằm giải quyết những căng thẳng này, đối thoại đa phương là rất quan trọng. Vì vậy, những gì Nhật Bản đang đề xuất là một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở - đó là tự do, dân chủ, thượng tôn luật pháp và tự do hàng hải. Các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị này có thể tham gia vào tầm nhìn này" - ông Motegi nói tại họp báo.
Theo Japan Times, đề cập riêng tới QUAD, ông Motegi nói rằng các quốc gia châu Âu như Pháp và Đức cũng đang thúc đẩy cam kết đối với khu vực: "Điều quan trọng là phối hợp với càng nhiều nước nhất có thể, những nước chia sẻ giá trị chung và cơ bản này".
Giới quan sát nhìn nhận rằng Nhật Bản đang có ý vừa gắn kết QUAD, vừa "pha loãng" phần nào vai trò của mình trong QUAD. Nhưng điều này có nghĩa là Nhật Bản mong muốn biến ý tưởng QUAD thành cơ chế phù hợp với chiến lược rộng hơn về "tầm nhìn" Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn được cựu thủ tướng Abe Shinzo thúc đẩy. Trong tầm nhìn ấy, vai trò của Nhật Bản ở Đông Nam Á mới là ưu tiên.
J. Berkshire Miller, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Nhật Bản, nhận xét: "Sự tiếp cận có điều chỉnh này không có nghĩa Nhật Bản không quan tâm tới một QUAD mạnh mẽ, nhưng thay vào đó là ý định kết hợp các hợp tác an ninh này với một sự tham gia rộng lớn hơn trong khu vực và lấy trung tâm là mối liên kết giữa Tokyo với Đông Nam Á".
Theo ông Miller, đây là một chi tiết quan trọng vì nó cho phép Tokyo thể hiện lập trường với các đối tác trong khu vực, đặc biệt các đối tác Đông Nam Á. Ông Miller cho rằng xét mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, hiện nay một số nước còn lo ngại việc tham gia của mình sẽ tạo cảm giác không hay về việc họ đang nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh, nên việc sử dụng uyển ngữ của Nhật Bản sẽ giúp tác động tích cực, khuyến khích các quốc gia này hơn.
Thủ tướng Suga sắp thăm Việt Nam
Khi đề cập tới việc Nhật Bản muốn xây dựng một tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lấy trọng tâm là quan hệ giữa nước này với Đông Nam Á, Japan Times đã đề cập tới chuyến thăm của Thủ tướng Suga tới Việt Nam và Indonesia.
Các nguồn tin truyền thông Nhật Bản xác nhận với Tuổi Trẻ rằng ông Suga sẽ thăm Việt Nam và Indonesia từ ngày 18 tới 21-10. Nếu đúng kế hoạch, đây sẽ là những địa điểm đầu tiên ông Suga thăm với tư cách thủ tướng Nhật Bản. Theo Japan Times, chuyến thăm tháng này sẽ là lúc ông Suga "có cơ hội đầu tiên trực tiếp thử nghiệm lý thuyết của mình".
TTO - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã được bầu là chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) với số phiếu áp đảo hôm 14-9. Ông Suga là cố vấn thân cận, trung thành suốt gần 8 năm qua của Thủ tướng Abe Shinzo.
Xem thêm: mth.79643358080010202-a-man-gnod-neit-uu-gnouc-mik-ut-ob/nv.ertiout