Nguy cơ chính quyền Tổng thống Trump áp đặt các biện pháp hạn chế lên 2 ông lớn thanh toán điện tử của Trung Quốc có thể gây ra những tác động vượt xa chính trị, ảnh hưởng đến các thương vụ làm ăn trị giá nhiều tỷ USD, làm chao đảo hệ thống thương mại quốc tế và thậm chí tạo tiền đề cho 1 cuộc cách mạng trên hệ thống tài chính toàn cầu.
Nếu như thành hiện thực, bên đầu tiên bị ảnh hưởng nặng sẽ là kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông của Ant Group (tập đoàn tài chính trực thuộc Alibaba) mà dự tính sẽ trở thành vụ IPO lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Một số tập đoàn quốc tế đang hợp tác với Alipay và WeChat Pay cũng sẽ bị ảnh hưởng khá mạnh. Và mặc dù trước mắt các biện pháp hạn chế có thể loại bỏ những đối thủ tiềm năng của các ngân hàng Mỹ và châu Âu, vụ việc này cũng sẽ "làm đóng băng" chính kế hoạch mở rộng hoạt động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới của họ, tùy thuộc vào phản ứng đáp trả của Trung Quốc ra sao.
Bloomberg chỉ ra dự định trừng phạt Alipay và WeChat Pay sẽ ảnh hưởng đến các công ty có liên quan như thế nào.
Vụ IPO của Ant
Các nhà đầu tư đã rất háo hức trước việc có thể đầu tư vào Ant Group của Jack Ma. Sau khi có những đánh giá sơ bộ về mức độ quan tâm của nhà đầu tư, Ant Group dự định sẽ huy động ít nhất 35 tỷ USD từ vụ IPO này, có nhiều khả năng vượt qua vụ IPO kỷ lục 29 tỷ USD của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco.
Mức giá mà Ant đưa ra dựa trên mức định giá rơi vào khoảng 250 tỷ USD, con số cao hơn cả giá trị vốn hóa của Bank of America, ngân hàng lớn thứ hai nước Mỹ.
Nnhững giới hạn của Mỹ sẽ "phủ bóng đen" lên vụ IPO của Alipay. Chưa rõ liệu các nhà đầu tư Mỹ có được phép mua cổ phần của Alipay hay không. Các quỹ đầu tư Mỹ như Silver Lake, Warburg Pincus và Carlyle đã rót ít nhất 500 triệu USD vào "gã khổng lồ" fintech này năm 2018. Lệnh trừng phạt cũng có thể ảnh hưởng đến những quỹ bên ngoài nước Mỹ như các quỹ đầu tư nhà nước của Singapore – Temasek và GIC.
Phần lớn doanh thu của Ant Group đén từ thị trường Trung Quốc, nhưng thái độ của chính quyền Trump ít nhất cũng sẽ khiến nhà đầu tư đặt dấu hỏi chấm về triển vọng tăng trưởng của các ứng dụng thanh toán này trên thị trường quốc tế.
Viễn cảnh một ngày nào đó Alipay và WeChat Pay cung cấp dịch vụ cho khách hàng Mỹ "là 1 lượng adrenaline lớn được tiêm vào trái tim của các doanh nghiệp này", David Menlow, chủ tịch và cũng là nhà sáng lập của IPOFinancial.com nhận xét. Giờ đây nhà đầu tư phải nghĩ lại về điều đó.
Các ngân hàng Mỹ Citigroup, JPMogran Chase và Morgan Stanley đang là những nhà tài trợ cho vụ IPO của Alipay ở Hồng Kông. Cho đến nay chưa rõ lệnh trừng phạt của Mỹ có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa các ngân hàng này với Ant.
Hệ thống thanh toán quốc tế
Đối với các quan chức Mỹ, họ lo lắng việc Alipay và WeChat Pay ngày càng phổ biến sẽ đem đến cho Trung Quốc khả năng tiếp cận 1 khối lượng lớn chưa từng thấy các dữ liệu về hoạt động ngân hàng và giao dịch tài chính của hàng trăm triệu người Mỹ. Nhưng giới chức Trung Quốc cũng có thể hoàn toàn đặt câu hỏi tương tự như vậy đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Ban đầu, tại thị trường Mỹ Alipay chỉ tập trung vào những nơi có đông người Trung Quốc đến thăm và mua sắm, ví dụ như các cửa hàng bán đồ hiệu ở New York hay các địa điểm du lịch ở California. Tuy nhiên năm ngoái Alipay bắt đầu tăng tốc sau khi hợp tác với các nhà bán lẻ như chuỗi bán thuốc Walgreens. Logo của Alipay xuất hiện trước mặt hàng triệu người Mỹ.
Cùng lúc đó các mạng lưới thanh toán của Mỹ cũng đẩy mạnh tấn công thị trường Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, Visa và Mastercard thông báo thỏa thuận cho phép những tấm thẻ của họ được thêm vào ví WeChat Pay và AliPay, giúp các chủ thẻ trên toàn thế giới có thể mua sắm ở đại lục – nơi 2 ứng dụng đang thống trị mọi hình thức thương mại.
Mở rộng ở thị trường Trung Quốc là mong ước bấy lâu nay của các mạng lưới thẻ này. "Tôi rất hưng phấn", CEO Al Kelly của Visa phát biểu trước các nhà đầu tư hồi tháng 5. Đến tháng 6 American Express cũng đã được cấp phép cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc.
Bất kỳ hành động nào chống lại AliPay và WeChat Pay cũng có thể đem lại rắc rối cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nhóm các ngân hàng đầu tư
Đối với các ngân hàng Mỹ, đây là thông tin vừa tiêu cực vừa tích cực. Các ngân hàng Mỹ lâu nay vẫn lo ngại rằng một ngày nào đó người tiêu dùng trong nước sẽ yêu thích các ứng dụng thanh toán theo kiểu Trung Quốc – tức cho phép mọi người làm mọi thứ từ mua sắm, gọi đồ về nhà, thanh toán hóa đơn, thậm chí quản lý tài khoản môi giới qua điện thoại di động. Rất nhiều ngân hàng và công ty công nghệ đã cố gắng nhưng thất bại, không thể có được sự thống trị hoàn toàn như các đối thủ bên ngoài.
Mặt khác, các ngân hàng Mỹ coi Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ để tăng doanh thu. Các ông lớn phố Wall như Goldman Sachs và JPMorgan đã chờ đợi hàng thập kỷ để bước vào thị trường tài chính trị giá 45.000 tỷ USD của Trung Quốc. Năm 2019 5 ngân hàng lớn nhất Mỹ có khoảng 70 tỷ USD liên quan đến Trung Quốc, nhưng con số đó là quá khiêm tốn so với tham vọng của họ.
Liên doanh của JPMogran ở Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư và bảo lãnh. Goldman cho biết hãng muốn sở hữu toàn bộ liên doanh ở Trung Quốc, dự tính tăng gấp đôi lượng nhân viên ở đây.
Nếu như các công ty dịch vụ tài chính bị lôi vào cuộc chiến trả đũa giữa 2 quốc gia, những chiến lược này sẽ trở nên phức tạp và mối quan hệ mà các ngân hàng Mỹ đã phải mất nhiều năm để xây dựng sẽ bị đe dọa.
Liên doanh với Mỹ
Khi hoạt động ở Trung Quốc, các thương hiệu như khách sạn Marriott và chuỗi nhà hàng ăn nhanh KFC sử dụng siêu ứng dụng AliPay. Quỹ quản lý tài sản Vanguard Group cũng có liên doanh với Ant để cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính tự động ở Trung Quốc (mà tính đến tháng 6 vừa qua đã thu hút được hơn 100.000 khách hàng).
Tuy nhiên thái độ của chính quyền Trump đối ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent có thể là chỉ báo cho chính sách đối xử của Mỹ với các ứng dụng thanh toán. Mỹ vẫn cho phép các công ty Mỹ tiếp tục làm việc với WeChat ở bên ngoài nước Mỹ.
Thu Hương
Nhịp sống kinh tế