Masan hưởng trọn gói cổ tức hơn 600 tỉ đồng từ Vinacafe Biên Hòa
V.Dũng
(TBKTSG Onine) - Tỷ lệ chia cổ tức của Vinacafe Biên Hòa đang ở mức hấp dẫn với 250%, nhưng với cơ cấu sở hữu cô đặc nên không có nhiều nhà đầu tư hưởng được lợi tức này ngoài cổ đông lớn Masan (chiếm 98,8%).
Cơ cấu cổ đông của Vinacafe Biên Hòa rất cô đặc nên khong nhiều nhà đầu tư nhận được mức cổ tức khủng của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: VCF |
Mới đây, HĐQT Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa vừa phê duyệt việc tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 250%. Mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 25.000 đồng. Thời gian chốt danh sách cổ đông và chi trả cổ tức chưa có kế hoạch cụ thể và sẽ do chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc quyết định.
Với 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Vinacafe Biên Hòa bỏ ra để chia cổ tức cho cổ đông sắp tới khoảng 664 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6, công ty này đang có hơn 1.200 tỉ đồng lợi nhuận chưa phân phối có thể dùng để chi trả cổ tức.
Đây không phải là lần đầu tiên Vinacafé Biên Hòa trả cổ tức cao. Vào năm 2017, doanh nghiệp cũng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 660% (66.000 đồng/cổ phiếu), năm 2018 tỷ lệ cổ tức tiền mặt là 240%.
Tuy nhiên, không nhiều nhà đầu tư sẽ được nhận phần cổ tức hấp dẫn sắp tới của Vinacafe Biên Hòa. Doanh nghiệp này có cơ cấu cổ đông cực kỳ cô đặc khi Công ty TNHH MTV Masan Beverage thuộc Tập đoàn Masan chiếm tới 98,8% cổ phần còn các cổ đông nhỏ sở hữu chỉ 1,2% vốn.
Như vậy, phía Masan dự kiến được nhận 654 tỉ đồng tiền cổ tức của Vinacafe Biên Hòa trong đợt tạm ứng sắp tới.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 7-10, cổ phiếu VCF đã tăng trần lên 223.000 đồng sau thông tin chia cổ tức "khủng", đây là mức giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại. Với cơ cấu cổ đông quá cô đặc cùng thị giá cao, thanh khoản của cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa rất thấp, bình quân chưa đến 550 đơn vị/phiên trong 12 tháng qua.
Vinacafe Biên Hòa tiền thân là Nhà máy Cà phê Coronel tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1) thành lập năm 1968. Đây là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trong toàn khu vực các nước Đông Dương.
Đến năm 2004, Nhà máy Cà phê Biên Hòa chuyển thành công ty cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM năm 2011 với vốn điều lệ 266 tỉ đồng. Tháng 9 cùng năm, Masan thâu tóm hơn 50% cổ phần và trở thành công ty mẹ của Vinacafe Biên Hòa.
Sau đó, tập đoàn Masan nhiều lần mua gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty cà phê này lên mức 98,8% hiện tại. Phần lớn thành viên ban lãnh đạo của Vinacafe Biên Hòa hiện nay đều là nhân sự đến từ Masan.
Với thị phần lớn nhất trên thị trường cà phê hòa tan, Vinacafe Biên Hòa năm 2019 đạt doanh thu thuần 3.100 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỉ. Năm nay, công ty kỳ vọng doanh thu dao động 3.150-3.300 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 725-780 tỉ.
Sáu tháng đầu năm, Vinacafe Biên Hòa đạt doanh thu thuần 1.152 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 259 tỉ đồng. Dù nền kinh tế bị tác đọng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn được duy trì ổn định so với cùng kỳ.
Xem thêm: lmth.aoh-neib-efacaniv-ut-gnod-it-006-noh-cut-oc-iog-nort-gnouh-nasam/371903/nv.semitnogiaseht.www