Hơn 150 sinh viên quốc tế đến tham dự chương trình Trải nghiệm lãnh đạo toàn cầu của Trường ĐH RMIT năm 2019 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Không ít trường ĐH Việt Nam mỗi năm thu hút hàng ngàn sinh viên quốc tế đến học tập theo nhiều chương trình khác nhau. Đang trên đà thành điểm đến du học cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhiều trường lại gặp "hòn đá tảng" mang tên COVID-19.
Hằng năm, khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đón hàng ngàn sinh viên nước ngoài đến học các chương trình về ngôn ngữ và văn hóa Việt.
PGS.TS Đoàn Lê Giang - trưởng khoa Việt Nam học - cho biết đến thời điểm hiện tại dù đã vào học kỳ mới, khoảng 50% sinh viên chính quy năm 2, năm 3 của khoa vẫn chưa sang Việt Nam nhập học. Các bạn chủ yếu là người Hàn, về nước từ tháng 2, 3-2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á.
Giảm một nửa
Với khóa mới 2020 - 2021, khoa Việt Nam học chỉ đón khoảng 45 tân sinh viên, hụt gần phân nửa so với mọi năm. Đa số sinh viên năm nhất nhập học đang sống dài hạn cùng gia đình ở Việt Nam, các bạn từ những nước lân cận đăng ký sang học gần như không có.
Ông Giang cho biết những con số trên chỉ là của các sinh viên chính quy, tức học toàn chương trình ở Việt Nam. Còn sinh viên quốc tế theo học chương trình 2+2, tức 2 năm ở nước ngoài, 2 năm ở Việt Nam, cũng gặp gián đoạn thời gian dài.
"Học kỳ 2 năm trước chưa đưa được các bạn sang đây, học kỳ 1 năm nay cũng vậy" - ông Giang nói. Những đoàn sinh viên sang trao đổi 2-3 tuần, các bạn đăng ký lớp tiếng Việt ngắn hạn hằng năm rất đông nhưng năm nay thiếu vắng trầm trọng.
TS Nguyễn Trung Hiển - trưởng phòng công tác sinh viên Khoa quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết thu hút sinh viên nước ngoài năm nay rất khó, đến giờ chỉ vỏn vẹn được khoảng 7 bạn.
"Dù Việt Nam khống chế dịch tốt nhưng nhiều đường bay quốc tế vẫn chưa được kết nối. Vì vậy, một số bạn có ý định từ trước vẫn mông lung chưa biết có thể sang trong học kỳ này hay không. Nhiều bạn tỏ ra không còn hào hứng như trước nữa" - ông Hiển nói.
Ông Hiển cho biết thêm năm 2019 trường đón 3 đoàn sinh viên trao đổi tín chỉ từ Mỹ, Úc và Canada với hơn 100 sinh viên. Năm nay, các hoạt động này đứng im, kể cả các chuyến học tập trải nghiệm (Study tours) hay trường hè (Summer schools).
"Một số sinh viên quốc tế còn ở Việt Nam đang gặp vài vấn đề về gia hạn visa. Nhà trường cũng đã hỗ trợ các bạn làm thủ tục xuất nhập cảnh theo yêu cầu" - ông Hiển nói.
Thuê máy bay đưa sinh viên về nước
Năm 2019, Trường ĐH FPT đón khoảng 1.000 sinh viên quốc tế, chủ yếu từ các ĐH có hợp tác với trường đến Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi tín chỉ. Du học sinh chủ yếu từ Nhật, Úc, Malaysia, Đài Loan... TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết năm nay mọi hoạt động hợp tác quốc tế tắc cả hai chiều.
Đầu năm 2020, nhiều sinh viên quốc tế trong các chương trình trao đổi đang học tại Trường ĐH FPT ở Việt Nam thì COVID-19 bùng phát. Cùng lúc, nhiều sinh viên trường này cũng đang trao đổi tại Nhật, Malaysia. Trước nguy cơ "kẹt" lại dài hạn, trường phải làm việc cùng đối tác, đưa ra các kịch bản và chốt kết thúc chương trình, cho sinh viên về nước sớm.
Để đưa sinh viên hồi hương, các trường ĐH quốc tế phải lo ngay thủ tục và chi phí. Riêng Trường ĐH FPT thuê hẳn một máy bay chở gần 100 sinh viên, giảng viên từ Nhật về lại Việt Nam vào tháng 4-2020, trước khi các lệnh "đóng cửa" hàng không quốc tế có hiệu lực.
Với ĐH RMIT Việt Nam, nhiều sinh viên, giảng viên bị "kẹt" ở Úc trong nhiều tháng. GS Peter Coloe, hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau thời gian dài lên kế hoạch, mới đây trường liên kết tổ chức một chuyến bay khởi hành từ Melbourne (Úc) chở 270 hành khách, gồm nhiều giảng viên và sinh viên RMIT muốn trở về Việt Nam sau thời gian trao đổi tại Melbourne. Toàn bộ hành khách đều âm tính virus corona từ 3-7 ngày trước khi bay. Sinh viên sau khi hạ cánh tại Vân Đồn (Quảng Ninh) được cách ly.
"ĐH RMIT đang phối hợp với các cơ quan chức năng để cán bộ giảng viên và sinh viên của trường có thể đáp các chuyến bay thương mại - trung chuyển qua các nước châu Á như Singapore và Hàn Quốc - trở về Việt Nam vào đầu tháng 10 trước khi học kỳ mới bắt đầu" - ông Peter Coloe nói.
Giải pháp tình thế: dạy học online
PGS.TS Đoàn Lê Giang cho biết với các sinh viên năm 2 - 3, trường buộc lòng tiếp tục dạy online toàn phần do chỉ phân nửa sinh viên quốc tế đang ở Việt Nam. Ông Giang cho biết dạy online tiện lợi nhưng chất lượng không thể bằng trực tiếp. Với ngôn ngữ khó như tiếng Việt, việc quan sát kỹ khẩu hình miệng của thầy cô khi giảng bài rất quan trọng, đặc biệt với những sinh viên còn yếu. Do vậy, nếu chỉ học qua màn hình máy tính thì chưa thật sự đủ. "Thầy cô thường phải gửi nhiều văn bản, tài liệu cho học sinh tự học, cho các bạn nghe và nghiên cứu thêm" - ông Giang nói.
TS Lê Trường Tùng cho biết nhà trường vẫn đang cung cấp các chương trình online cho sinh viên quốc tế không thể sang Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tùng thừa nhận cách thức này không đem lại nhiều ý nghĩa lớn do sinh viên không thể trải nghiệm về văn hóa, xã hội như một sinh viên trao đổi thường có được.
Thiếu giáo viên nước ngoài
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam đang "than" vì thiếu giáo viên nước ngoài khi không có nguồn nhân sự mới trong bối cảnh dịch COVID-19 nhiều tháng qua. Trưởng phòng truyền thông một hệ thống Anh ngữ lớn ở TP.HCM cho biết chỉ riêng hơn 10 trung tâm ở TP.HCM của họ đã thiếu hơn 50 giáo viên bản xứ. Nếu tính cả các trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng, trung tâm này thiếu gần 200 giáo viên nước ngoài. Nguyên do là nhiều giáo viên hết hạn đã có ký trước hợp đồng với trung tâm khác trong hoặc ngoài nước. Trong khi đó, "nguồn cung" không được bổ sung do những khó khăn về di chuyển vì đại dịch.
TTO - Khi gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới, ưu tiên đối nội hơn đối ngoại để chống dịch, sinh viên quốc tế, bao gồm sinh viên Việt Nam, khó tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo lắng vì bị "bỏ rơi".
Xem thêm: mth.20453332280010202-et-couq-neiv-hnis-gnort-mart-gnav-ueiht-teiv-coh-iad/nv.ertiout