Theo cáo trạng của VKSND tỉnh T, giữa anh Hoàng C. (ngụ thị trấn K.T, huyện N.Đ, tỉnh T) và Trần Ngọc Hiệp (SN 1979, trú tổ dân phố 1, thị trấn K.T, huyện N.Đ) nhiều lần xảy ra mâu thuẫn, cãi vã vì món nợ 425.000 đồng mà C. nợ của Hiệp. Hiệp nhiều lần đòi mà C. chưa chịu trả.
17h mùng 1/10, anh C. gọi điện báo cho Hiệp chạy qua nhà mình để trả tiền. Khi Hiệp đến nhà, nạn nhân tiếp tục hẹn “chờ đến rằm trả”, nên 2 người xảy ra mâu thuẫn.
Trong lúc xô xát, Trần Ngọc Hiệp bất ngờ rút dao thủ sẵn trong người đâm vào anh C. khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Mặc dù được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, ngày 2/10, anh C. đã tử vong. Sau đó, Hiệp đến cơ quan công an đầu thú.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố Trần Ngọc Hiệp về tội Giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.
Ngày 9/10, TAND tỉnh T mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Anh. Đại diện VKS, kiểm sát viên Hoàng Oanh. Luật sư Trần Hùng Thuận, đoàn luật sư tỉnh T bào chữa cho bị cáo Hiệp. Vợ bị hại có mặt tại tòa và không thuê luật sư.
VKS: Bị cáo quá coi thường pháp luật
Tại cơ quan điều tra, bị cáo khai nhận ngày 15/6/2020, anh C. hỏi vay bị cáo 425.000 đồng, hẹn 1 tuần sau sẽ trả. Tuy nhiên, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sau, C. vẫn không đả động gì đến khoản nợ này. Vì chuyện này mà bị cáo với anh C. đã nhiều lần xảy ra to tiếng. Sáng hôm xảy ra vụ án, anh C. gọi điện cho bị cáo, bảo chạy qua nhà để C. trả tiền. Tưởng thật, bị cáo vội điều khiển xe máy chạy đến nhà C.. Tuy nhiên, sau khi gặp nhau, thay vì trả tiền, C. tiếp tục hẹn “chờ đến rằm trả”. Nghe vậy, bị cáo vô cùng tức giận, cãi nhau với C.. Trong lúc cãi vã, C. tỏ thái độ thách thức nên bị cáo không kiềm chế được nóng giận đã rút dao (lúc đi bị cáo đã giắt theo 1 con dao để phòng thân) ra đâm loạn xạ và trúng vào người C.. Bản thân bị cáo cũng không biết mình đã đâm vào đâu. Chỉ đến khi nhận được tin C. đã chết, bị cáo mới biết mình đã gây ra án mạng nên ra đầu thú.
Chỉ vì 425.000 đồng mà bị cáo đã cướp đi sinh mạng của 1 con người. Hành vi đó thể hiện sự côn đồ, coi thường pháp luật, cần phải xử nghiêm để làm gương. Tuy nhiên, xét thấy nạn nhân cũng có một phần lỗi khi vay tiền mà không trả đúng hạn, lại còn có những lời lẽ thách thức khiến bị cáo bị kích động. Do vậy VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trần Ngọc Hiệp 20 năm tù về tội Giết người.
Bị cáo: Lúc đó bị cáo quá giận, không ý thức được việc mình làm
Thưa quý tòa, hôm xảy ra vụ án không phải là lần đầu tiên bị cáo đến đòi tiền. Nhiều tháng qua, anh C. lấy hết lý do này đến lý do khác để không trả nợ. Tuy số tiền không lớn nhưng bị cáo đang trong giai đoạn khó khăn nên cũng rất cần. Chính vì thế khi nhận được điện thoại của anh C., bị cáo rất mừng, nghĩ mình sẽ lấy được tiền. Ai ngờ vừa nhìn thấy mặt bị cáo, anh C. đã cười nhăn nhở nói bị cáo về đi, “đến rằm mới trả tiền”. Hôm đó cũng chính là rằm Trung thu, nghe anh C. nói vậy, bị cáo biết ngay là anh ta lại kiếm cớ khất lần. Nghĩ mình bị C. cho “ăn quả lừa”, bị cáo vô cùng tức giận. Nhưng vừa nói mấy câu thì C. lại gào lên thách thức, nói bị cáo “thích gì cũng chiều”. Giận quá, bị cáo đã rút dao ra…Nếu như hôm đó anh C. trả bị cáo tiền hoặc nói những lời tử tế thì chắn chắn bị cáo đã không hành xử như vậy và cũng không phải đứng ở đây ngày hôm nay.
Đại diện gia đình bị hại: Đấy chỉ là lời khai của bị cáo
Kính thưa HĐXX, là người trực tiếp có mặt lúc bị cáo gây án, tôi thấy những gì bị cáo nói chỉ là ngụy biện, hòng chối tội. Hôm đó anh C. đã uống ít rượu nên không tỉnh táo mới gọi điện cho bị cáo. Khi bị cáo đến, anh C. mới ý thức được là mình say nên bảo bị cáo về đi, rằm tháng sau sẽ trả tiền. Thế nhưng bị cáo gào lên cho là anh C. cố ý lừa đảo, có tiền nhưng không chịu trả. Hai bên đôi co và bị cáo rút dao ra tấn công anh C. với thái độ vô cùng hung hãn. Dù chứng kiến sự việc nhưng vì bị cáo hành động quá nhanh nên không ai kịp vào can ngăn. Chỉ khi anh C. gục xuống, bị cáo mới bỏ đi. Không phải là anh C. không chịu trả nợ mà vì thời gian vừa rồi do dịch bệnh nên thu nhập không có, anh ấy không làm thế nào để thực hiện đúng cam kết được. Nay anh ấy mất đi, gia đình tôi mất đi trụ cột kinh tế. Tôi không có việc làm, cũng không có thu nhập, giờ mẹ già, con nhỏ, ai sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng đây? Ngoài việc xử phạt bị cáo thật nặng, tôi đề nghị tòa buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình tôi 500 triệu đồng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo:
Nếu nạn nhân giữ lời hứa, thân chủ của tôi cũng không phạm tội
Kính thưa HĐXX, 425.000 đồng không phải là lớn nhưng vay thì phải trả. Huống chi bị hại đã khất lần quá nhiều lần. Không chỉ bực tức vì anh C. thất hứa, thân chủ của tôi còn giận vì thái độ thiếu tôn trọng của anh ấy. Bị cáo đi đòi tiền mà lần nào cũng như đi xin, nhưng anh C. vẫn không chịu trả. Chính vì quá nhiều lần bị “hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều” nên bị cáo mới bức xúc. Nếu hôm đó anh C. không thách thức, bị cáo cũng không rút dao ra. Mong HĐXX xem xét.
HĐXX: Nạn nhân cũng có một phần lỗi
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, lời khai nhận tội của bị cáo, nhân chứng và diễn biến phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận thấy có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo đã phạm tội Giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS. Chỉ vì 425.000 đồng, bị cáo đã khiến mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất bố, làm mất trật tự trị an, gây dư luận xấu trong nhân dân. Hành vi côn đồ, coi thường pháp luật này cần phải xử lý nghiêm để làm gương. Tuy nhiên xét thấy bị hại cũng có một phần lỗi khi vay tiền mà không trả đúng hẹn, lại có những lời lẽ thách thức khiến bị cáo không kiềm chế được hành vi. Ngoài ra bị cáo còn thành khẩn khai báo, thể hiện thái độ ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo.
Vì các lẽ trên, áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS, phạt bị cáo 18 năm tù về tội Giết người. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 250 triệu đồng tiền mai táng phí, tiền tổn thất tinh thần. Ngoài ra, bị cáo còn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của bị cáo 1 triệu đồng/tháng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Bị cáo, gia đình bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương