Lượng huy động trái phiếu doanh nghiệp của nhóm bất động sản chỉ đứng sau ngân hàng
Đa dạng chiêu huy động vốn
Hiện rất nhiều doanh nghiệp bất động sản thực hiện chu kỳ phát hành trái phiếu với tốc độ nhanh và dày. Điển hình như hai đơn vị cùng thuộc Tập đoàn đầu tư TNG là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam đã thực hiện tới 60 đợt phát hành với lượng vốn huy động hơn 2.938 tỷ đồng/tổng lượng vốn huy động toàn thị trường là 8.703 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL cũng thực hiện tới 62 đợt phát hành trái phiếu.
Hay như ông lớn bất động sản tại TP.HCM cũng đã phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất 12%/năm; Công ty cổ phần BCG Land huy động 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm.
Theo thống kê của CTCP chứng khoán SSI, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phát hành 45.590 tỷ đồng trái phiếu, tương đương khoảng 2 tỷ USD. Trong khi đó tính cả năm 2019, khối doanh nghiệp này chỉ huy động 57.000 tỷ đồng bằng trái phiếu.
Bên cạnh đó, các hình thức mới như gói sở hữu kỳ nghỉ (timeshare) có cam kết lợi nhuận trên cơ sở "timeshare" cũng gây chú ý với các nhà đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ được nghỉ dưỡng tại chuỗi khách sạn trong danh sách hợp tác. Họ có thể chia nhỏ kỳ nghỉ này thành các kỳ nghỉ ngắn trong năm hoặc cam kết kinh doanh cho khách hàng với mức giá cao.
Nhan nhản các gói đầu tư với lợi nhuận cao đến khó tin
Một số loại hình huy động vốn "mơ hồ" hình thành nữa đó là kiểu "hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận theo ngày". Một số doanh nghiệp còn đưa ra các gói hợp tác với mức cam kết lợi nhuận lên đến 44% /18 tháng và các món quà "trong mơ" như xe ô tô... cho khách hàng.
Thận trọng khi "xuống tiền"
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE cho biết, trước đây các chủ đầu tư phụ thuộc gần như toàn bộ vào ngân hàng để vay vốn thực hiện dự án bất động sản. Nhưng như vậy cũng sẽ mang đến rất nhiều rủi ro bởi phụ thuộc hoàn toàn vào một nguồn, nếu có rủi ro thì cả 2 bên đều gặp những khó khăn, làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên đáng kể còn doanh nghiệp sẽ không còn cách nào khác đối phó với khoản nợ.
Thời gian vừa qua, mặc dù lãi suất ngân hàng rất thấp tuy nhiên các doanh nghiệp không muốn vay ngân hàng mà lựa chọn các loại hình huy động vốn như phát hành trái phiếu, hay thậm chí là bán sản phẩm sở hữu kỳ nghỉ...
Tuy nhiên, cái lo chính là nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn khi mà trong số này không ít doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền âm liên tiếp qua nhiều năm, nguy cơ mất thanh khoản gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang "bế tắc" về thanh khoản như hiện nay nhưng lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản đưa ra lại khá cao.
"Do đó, trước khi ra quyết định đầu tư, các nhà đầu tư cần có một đơn vị trung gian thứ 3 đứng ra đánh giá doanh nghiệp hay đánh giá dự án, sau đó mới quyết định nên đầu tư hay không" - bà An cho biết.
Cũng theo bà An, với các hình thức " timeshare ", hiện nay cả hai văn bản Luật Thương mại và Luật Du lịch đều bỏ trống cho mô hình này. Quy định về cung ứng dịch vụ trong Luật Thương mại cho đến thời điểm hiện nay chỉ có thể áp dụng đối với các giao dịch cung ứng dịch vụ lần đầu, còn giao dịch "bán lại" kỳ nghỉ (hay là cung ứng lại dịch vụ) vẫn chưa có dữ liệu.
"Khách hàng chỉ còn cách phải thật tỉnh táo khi đặt bút ký hợp đồng, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án thì quyền lợi của khách hàng sẽ không có gì đảm bảo" - bà An nhấn mạnh.
Diệu Hoa
Diễn đàn doanh nghiệp
Xem thêm: nhc.172908090010202-91-divoc-ioht-nas-gnod-tab-nov-gnod-yuh-ueihc-gnort-nac/nv.zibefac