Quay ngược dòng lịch sử vào thập niên 1830, tầng lớp doanh nhân trí thức tại thành phố Boston bắt đầu thịnh hành việc nói tắt những từ đã quá quen thuộc trong các cuộc nói chuyện. Ví dụ "OW" đại biểu cho "Oll Wright-All right" (được thôi), "KY" đại biểu cho "Know Yuse-Know Use" (biết cách sử dụng) và đặc biệt là "OK" đại biểu cho "Oll Korrect- All Correct" (tất cả đều ổn).
Kể từ thập niên 1800, cụm từ "All Correct" vốn được dùng để miêu tả mọi việc đều ổn theo yêu cầu đặt ra và việc sử dụng "OK" nhanh chóng được mọi người ưa dùng bởi tính thuận tiện và thời thượng. Suy cho cùng, chẳng có ai muốn lạc hậu khi nói chuyện với giới thương nhân và trí thức khi họ đều dùng từ tắt này.
Đến ngày 23/3/1839, cụm từ "OK" chính thức được công nhận trên mặt báo của tờ Boston Morning Post. Bắt đầu từ đó, hàng loạt tờ báo bắt đầu sử dụng "OK" và chúng trở nên phổ biến trên toàn nước Mỹ.
Thậm chí, Tổng thống thứ 8 của Mỹ là Martin Van Buren cũng đã dùng từ "OK" làm khẩu hiệu cho chiến dịch tranh cử lần 2 của mình vào năm 1841. Do sinh ra tại thị trấn Kinderhook thuộc New York nên Tổng thống Buren đã dùng khẩu hiệu: "Old Kinderhook was ‘oll korrect’".
Martin Van Buren (1782-1862) là Tổng thống Mỹ thứ 8 từ năm 1837 đến năm 1841. Ông là một trong những người sáng lập nên Đảng Dân Chủ và còn là Thống Đốc thứ 9 của tiểu bang New York. Trước khi trở thành tổng thống, ông là Ngoại Trưởng thứ 10 và là Phó tổng thống thứ 8 của Mỹ.
Van Buren giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1836 nhờ sự ủng hộ hết mình của vị Tổng thống đáng kính Andrew Jackson và sự lớn mạnh trong tổ chức của Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, ông đã không may mắn trong cuộc tái tranh cử vào năm 1840 mà một phần là do sự trì trệ của nền kinh tế quốc gia trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1837.
Dù khẩu hiệu này được quảng bá rộng rãi nhưng hiệu quả nó đem lại khá thảm họa. Do khủng hoảng kinh tế năm 1837 mà danh tiếng của Tổng thống Buren bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt tờ báo đăng tải các bài châm biếm về khẩu hiệu "OK" và vô tình khiến từ viết tắt này trở nên ngày càng phổ biến hơn nữa.
Trong khi những từ viết tắt khác của tầng lớp tinh anh Boston dần biến mất theo thời gian thì "OK" lại phát triển mạnh, nhất là sau khi máy điện tín ra đời vào năm 1844, chỉ 5 năm sau khi báo chí sử dụng từ "OK".
Những chiếc máy điện tín ban đầu sử dụng mã Morse để gửi những bức thông điệp ngắn trong khoảng cách xa. Chúng là một tập hợp những âm ngắn và dài để phân biệt các bảng chữ cái và "OK" trở thành ký tự được mọi người ưa thích sử dụng bởi ngắn gọn và không bị nhầm lẫn với những nội dung khác.
Với sự mở rộng của hệ thống đường sắt và điện tín, "OK" nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng Mỹ. Thậm chí trong bản hướng dẫn điện tín phát hành năm 1865 còn quy định bất kỳ tin nhắn nào sẽ không được coi là chấm dứt nếu không có "OK" ở cuối câu.
Tác động từ marketing
Với "OK" hay chính xác hơn là chữ "K", chúng rất khó xuất hiện trong các văn bản quy phạm tiếng Anh. Nghiên cứu năm 1961 cho thấy chữ "K" chỉ đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng những chữ cái hay xuất hiện nhất ở văn viết.
Như một hệ quả tất yếu, việc xuất hiện chữ "K" sẽ bắt mắt và thu hút sự chú ý của người xem hơn và đây là lý do nhiều công ty có xu hướng thay thế chữ "C" bằng chữ "K" để quảng cáo. Ví dụ như "Catch-Katch" (Bắt), "Crush-Krush", "Crazy-Krazy"…
Ngày nay, nhiều thương hiệu như Kool Aid hay Kraft Heinz đều là biến thể của phong trào trên.
Nhầm lẫn xuất xứ
Vào thập niên 1890, xuất xứ "OK" từ Boston đã bị quên lãng và nhiều tờ báo bắt đầu nhầm lẫn khi cho rằng từ này xuất phát bởi bộ tộc da đỏ Choctaw. Từ "Okeh" trong tiếng Choctaw có nghĩa là "như vậy đó".
Tuy nhiên theo các nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ của người Choctaw không thể ảnh hưởng quá nhiều đến giao lưu cộng đồng Mỹ và do xuất xứ của nó quá xa xôi nên việc tác động đến văn hóa xã hội Mỹ thập niên 1830 là điều không thể.
"OK" lần đầu xuất hiện trên tờ Boston Morning Post vào năm 1839
Ngày nay, "OK" không còn để chỉ tất cả đều ổn nữa mà mang ý nghĩa khẳng định chung nhiều hơn, chấp nhận vấn đề mà không mang cảm xúc nào. Chúng được dùng thường xuyên đến mức chẳng ai đếm cũng như tự hỏi mình đã dùng bao nhiêu "OK" trong ngày.
Với sự bành trướng sức mạnh của Mỹ, "OK" dần trở thành từ thông dụng cho cả những nước chẳng sử dụng tiếng Anh. Thậm chí chúng còn trở thành biển hiệu thông dụng cho nhiều chương trình, hướng dẫn hay văn bản dù chúng có được viết bằng tiếng Anh hay không.
AB
Theo Tổ Quốc/Tổng hợp