Có một thời, cái tên Daewoo từng là niềm kêu hãnh của Hàn Quốc, là một trong những công ty hàng đầu của đất nước này, bên cạnh Samsung, Hyundai, LG... Nhắc đến cái tên này là nhắc đến một doanh nghiệp khổng lồ góp công lớn trong quá trình đi lên của xứ sở Kim Chi, một nhà sản xuất xe ô tô nổi tiếng trong những năm 80 – 90 của thế kỷ trước.
Đến trước khủng hoàng tài chính châu Á 1997, Daewoo là chaebol (tập đoàn đa ngành) lớn thứ 2 của Hàn Quốc chỉ sau Hyundai. Nhưng những sai lầm không thể tha thứ của đội ngũ lãnh đạo công ty đã gần như làm thương hiệu Daewoo biến mất trên bản đồ thế giới. Dù vậy, cho tới ngày nay, người ta vẫn biết đến Daewoo thông qua những công ty con còn sót lại của họ, gợi nhớ về ký ức hào hùng ngày nào của doanh nghiệp này trong quá khứ.
Tập đoàn Daewoo được thành lập bởi chủ tịch Kim Woo-jung – con trai của thống đốc tỉnh Daegu, Hàn Quốc. Chủ tịch Kim là một người vô cùng tài năng khi ông đã tốt nghiệp trường trung học Kyunggi danh tiếng, sau đó lấy bằng Kinh tế tại Đại học Yonsei ở Seoul. Với sự giúp đỡ cả về tài chính và định hướng kinh doanh của người cha – vốn là cố vấn của Tổng thống Park Chung hee (người sau này đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Hàn Quốc), Kim Woo-jung đã thành lập nên Daewoo – dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Vũ trụ vĩ đại" vào năm 1967.
Dưới thời tổng thống Park Chung Hee, các doanh nghiệp tư nhân lớn được trọng dụng thay vì các công ty thuộc nhà nước, mà sau này được gọi là chaebol. Các chaebol hưởng rất nhiều ưu đãi để có thể phát triển: được nhà nước bảo hộ độc quyền trong nước, vay vốn với mức lãi suất rất thấp đồng thời cũng nhận tài trợ từ chính phủ. Đổi lại, các công ty này phải đạt được những thành tựu nhất định, đồng thời ủng hộ cho chính phủ của ông Park Chung hee. Những doanh nghiệp được coi là khởi đầu cho triều đại của các chaebol là Samsung – công ty kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, Hyundai – công ty sửa chữa và đóng các loại xe ô tô cho Mỹ và Daewoo, doanh nghiệp tập trung vào ngành công nghiệp dệt may.
Vào thời điểm đó, ngành dệt may tại Hàn Quốc đem lại tỷ suất lợi nhuận cao nhờ nguồn nhân công giá rẻ và dồi dào. Do đó, Daewoo – khi đó mới chỉ là một doanh nghiệp nhỏ - được chính phủ lựa chọn làm một trong những công ty chủ chốt nhờ tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm quần áo rất lớn. Nhờ mối quan hệ của người cha với tổng thống, chủ tịch Kim đã mua lại hàng loại doanh nghiệp dệt may tại Hàn Quốc, tạo nên tập đoàn Daewoo.
Sau thời kỳ đầu phát triển với ngành dệt may, Daewoo dần dần phát triển qua những ngành kinh doanh khác. Trong giai đoạn từ năm 1973 – 1981, tập đoàn này tạo dựng được danh tiếng thông qua hoạt động đóng tàu cũng như các dàn khoan dầu của mình, nhờ vào mức giá tương đối cạnh tranh. Sau đó, Daewoo mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra toàn cầu khi liên kết với một số doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.
Daewoo bắt đầu sản xuất các loại máy móc và sản phẩm quốc phòng, cùng với đó là chế tạo máy bay trực thăng và máy bay dân sự. Các loại máy móc và máy bay của hãng có chất lượng tốt và mức giá cạnh tranh với các sản phẩm tương tự từ Mỹ, do đó đem lại lợi thế cực lớn trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của thương hiệu Daewoo ở tầm thế giới. Không chỉ dừng lại ở đó, Daewoo còn mở rộng sang ngành sản xuất ô tô và đạt được những thành công vang dội. Tập đoàn này là hãng sản xuất ô tô lớn thứ bảy và là nhà sản xuất ô tô lớn thứ sáu thế giới vào thời điểm những năm 80 – 90 của thế kỷ trước.
Daewoo Racer 1993 – một trong những chiếc xe nổi tiếng của Daewoo (Ảnh: Hamari Autos)
Mặc dù thành công như vậy, nhưng những sai lầm trong quản lý tài chính đã khiến cho tập đoàn này sa lầy. Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ Thái Lan đã diễn ra và lan rộng cho toàn khu vực; Hàn Quốc cũng là một trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ nợ / GDP tăng gấp đôi (từ 13% lên 30%).
Điều này buộc chính phủ nước này phải cắt giảm các ưu đãi về những khoản vay giá rẻ cho các chaebol, khi mà ngành ngân hàng phải chịu gánh nặng từ các khoản nợ xấu của những tập đoàn lớn gây ra do việc mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu. Các chaebol, thay vì tìm kiếm lợi nhuận, lại cố gắng mở rộng nhiều nhất có thể nhờ vào nguồn vốn giá rẻ có được từ các mối quan hệ chính trị, đã gây ra những khoản nợ khổng lồ này và đưa đất nước Hàn Quốc vào thời kỳ đen tối.
Năm 1998, khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, hầu hết các chaebol đều phải cắt giảm khi mà bốn doanh nghiệp lớn nhất thời đó (Samsung, LG, Hyundai và Daewoo) có tổng nợ phải trả gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.
Daewoo lại làm ngược lại khi tiếp tục gia tăng số lượng công ty con của mình thêm 14, đồng thời tăng thêm lượng nợ vay lên tới 40%. Trong một năm mà tập đoàn này thua lỗ tới 550 tỷ won (458 triệu USD), việc mở rộng và tiếp tục vay mượn là sai lầm không thể tha thứ. Một năm sau, tập đoàn lớn thứ hai ở Hàn Quốc chính thức phá sản với khoản nợ khoảng 50 tỷ USD (tương đương 77 tỷ USD theo tỷ giá vào năm 2019). Vào thời điểm này, Daewoo vẫn đang hiện diện ở 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Khủng hoảng kinh tế tại châu Á là một trong những tác nhân gây ra việc phá sản của Daewoo năm 1999 (Ảnh: Korea Times)
Ngay sau khi Daewoo phá sản, chủ tịch Kim đã chạy trốn khỏi Hàn Quốc và chỉ quay lại vào tháng 6/2005. Vị chủ tịch này bị buộc tội chủ mưu gian lận kế toán 41 nghìn tỷ won (43,4 tỷ USD), vay bất hợp pháp 9,8 nghìn tỷ won (10,3 tỷ USD) và đưa 3,2 tỷ USD ra nước ngoài. Cuối tháng 6 năm đó, Kim Woo-jung bị kết tội tham ô và gian lận với án phạt là 10 năm tù.
Cuối năm 2019, vị chủ tịch của Daewoo qua đời ở tuổi 83; ông đã xây dựng thành công Daewoo trở thành một đế chế hàng đầu ở Hàn Quốc nhưng cũng đồng thời làm sụp đổ thành quả cả đời mình.
Ngày nay, thương hiệu Daewoo được biết đến với 3 công ty: Daewoo Corporation, Daewoo Engineering & Construction và Daewoo International Corporation, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và chế biến các sản phẩm về thép, đóng tàu và dịch vụ tài chính. Thương hiệu xe ô tô nổi tiếng ngày nào của Daewoo đã bị thay thế bằng Chevrolet tại Hàn Quốc, còn công ty sản xuất xe thương mại của họ bị mua lại bởi Tata Motor của Ấn Độ.
Trong khi đó, Engineering & Construction (Daewoo E&C) hiện nay vẫn là một trong những công ty xây dựng mạnh trên thế giới, có mặt trên 47 quốc gia với hơn 300 dự án toàn cầu. Tại Việt Nam, Daewoo E&C đã từng đầu tư xây dựng khách sạn Daewoo, một trong những khách sạn 5 sao hàng đầu tại Hà Nội và một số công trình khác. Doanh nghiệp này cũng chính là một trong những nhà đầu tư chính của dự án Starlake tại khu vực Tây Hồ Tây thông qua Công ty TNHH Phát triển T.H.T với tổng vốn đầu tư là 1.3 tỷ USD.
: 2 khu đô thị đắc địa nhất Hồ Tây Starlake và Ciputra đều đặn thu lãi vài nghìn tỷ đồng mỗi năm
Khách sạn 5 sao Daewoo tại Hà Nội, một trong những công trình nổi tiếng của Daewoo E&C. (Ảnh: Booking)
Đã từng là một trong những công ty biểu tượng tại Hàn Quốc, tuy nhiên việc mở rộng và vay nợ không kiểm soát cùng những gian lận tài chính tới từ vị chủ tịch đã khiến Daewoo lâm vào cảnh phá sản. Chaebol số hai một thời đã trở thành dĩ vãng; ngày nay, những gì còn lại của Daewoo là các công ty con vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng và những đóng góp của tập đoàn này cho đất nước Hàn Quốc trong công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế; họ xứng đáng được ghi nhận như là một trong những tập đoàn đã đưa đất nước Kim Chi có được vị thế như ngày hôm nay.
Phạm Tiến Đạt
Nhịp sống kinh tế