Ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris - Ảnh: REUTERS
Bà Harris, người đang giữ ghế thượng nghị sĩ liên bang, là con của những người nhập cư. Cha bà đến từ Jamaica còn mẹ bà là người Ấn Độ. Bà là người da màu gốc Á đầu tiên trở thành ứng viên phó tổng thống của một đảng lớn như đảng Dân chủ Mỹ.
Bản thân bà không che giấu gốc gác châu Á trong cuộc tranh luận ngày 8-10 với phó tổng thống Mike Pence nhưng không đi sâu vào việc cha mẹ đến từ đâu.
Nói một chút về gốc gác để thấy bà Harris không có nguồn gốc Trung Quốc gì. Trên thực tế, theo báo South China Morning Post (SCMP), ứng viên của đảng Dân chủ cũng nằm trong số rất ít chính trị gia Mỹ không phải gốc Hoa nhưng lại sử dụng tên Trung Quốc.
Vì sao lại như vậy?
Để hỗ trợ những cử tri không thông thạo tiếng Anh, theo báo SCMP, một số nơi yêu cầu dịch tên của các ứng cử viên sang tiếng Trung tại các khu vực có đông người nói tiếng Trung Quốc. Điều đó có nghĩa cái tên "Hạ Cẩm Lệ" có thể sẽ xuất hiện trên những lá phiếu tại San Francisco, Los Angeles hay thành phố New York.
Julie D. Soo, một người bạn gốc Trung lâu năm của nữ nghị sĩ, là người đã khuyên bà Harris chọn tên tiếng Trung. Cả hai gặp nhau tại San Francisco khi còn làm luật sư cách đây 20 năm.
Soo tin rằng một cái tên Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi thế cho bạn mình khi tranh cử chức chưởng lý hạt. Thêm vào đó, tự chọn tên cho mình sẽ tránh được chuyện họ tên có thể gồm những từ không hay khi tự động chuyển sang tiếng Trung.
"Phiếu bầu ở San Francisco lúc đó được in bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Tây Ban Nha. Tôi bảo với cô ấy nên chọn cho mình cái tên tiếng Trung thật đẹp bởi cơ quan đăng ký bầu cử chỉ đưa ra những cái tên vô nghĩa dựa theo phiên âm thôi", bà Soo kể lại với SCMP.
Bảng hướng dẫn bỏ phiếu được ghi bằng 4 thứ tiếng Anh, Tây Ban Nha, Việt và Trung Quốc trong một cuộc bầu cử tại hạt Harris, bang Texas - Ảnh chụp màn hình Texas Tribune
Vậy là cái tên "Hạ Cẩm Lệ" ra đời khi Soo nhờ tới cha mình, một người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa.
"Hạ" có nghĩa là chúc mừng hoặc thành công còn "Cẩm Lệ" mang hàm ý đẹp như gấm. Theo bà Soo, rõ ràng Hạ Cẩm Lệ nghe hay hơn hẳn cái tên Tạp Mã Lạp Cáp Lí Tư tự động dịch từ phiên âm.
Quả thật, "Hạ Cẩm Lệ" đã giúp bà Harris khá nhiều khi bà đi vận động tranh cử ở Phố Tàu của San Francisco những năm 2000.
Tất nhiên, một cái tên Trung Quốc hay Ấn Độ là không đủ để giành được lá phiếu của người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử năm nay. Hồi năm ngoái, một quy định mới ở San Francisco cấm các ứng viên dùng tên tiếng Trung do mình tự chọn để in lên phiếu bầu, trừ khi họ đã dùng cái tên đó từ 2 năm trở lên.
Gốc gác của bà Harris có thể mang lại lợi thế lớn hơn cái tên. Sara Sadhwani, phó giáo sư khoa học chính trị (Mỹ), lưu ý trong cuộc bầu cử thượng viện năm 2016, bà Harris đã giành được phần lớn lá phiếu của người Mỹ gốc Ấn bang California.
2/3 người Mỹ gốc Á cũng bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống Hillary Clinton của Dân chủ trong cùng năm, theo SCMP.
Đạo luật quyền bỏ phiếu của Mỹ cho phép những cử tri không rành tiếng Anh được dẫn thêm một người hỗ trợ bỏ phiếu. Việc dịch toàn bộ phiếu bầu sang các ngôn ngữ khác tiếng Anh tùy thuộc vào chính quyền tiểu bang hoặc cấp hạt và không riêng gì tiếng Trung.
Quyết định dịch phiếu bầu hay chỉ cần nhân viên hỗ trợ tại điểm bỏ phiếu dựa trên các khảo sát về nhân khẩu học của chính quyền địa phương.
Ví dụ hạt Cook của bang Illinois, hạt Philadelphia (Pennsylvania) hay hạt Los Angeles (California) nhiều năm qua đã cung cấp phiếu bầu và tài liệu bầu cử được dịch sang những thứ tiếng khác tiếng Anh nhưng được nhiều người sử dụng, theo tờ Texas Tribune.
TTO - Người dân Ấn Độ ở bang Tamil Nadu, nơi bà Kamala Harris - liên danh tranh cử của ông Joe Biden - từng đến lúc còn bé, đã in hình bà Harris lên các tấm bảng và tổ chức cầu khấn để bà Harris thành công.
Xem thêm: mth.24212712001010202-el-mac-ah-al-net-nohc-nedib-gno-auc-gnout-ohp/nv.ertiout