Nhưng kể từ đó, Cure.fit đã trở thành một trong những nền tảng sức khỏe hàng đầu của Ấn Độ, với dịch vụ giao bữa ăn và hàng tạp hóa, tập luyện trực tuyến, các lớp học chánh niệm, đặt hẹn trước để khám bệnh tại các trung tâm y tế và thậm chí là một cửa hàng dụng cụ thể dục trực tuyến.
Sự lây lan của virus corona đã thúc đẩy doanh nghiệp này đổi mới chính mình nhiều hơn nữa, từ một công ty chủ yếu dựa vào các phòng tập thể dục thành một nền tảng thể dục trực tuyến quốc tế.
Mùa hè này, Cure.fit đã công bố sự mở rộng của mình sang Mỹ, khi bắt đầu cung cấp các buổi tập thể dục và trị liệu trực tuyến ở đó.
"Sự phong tỏa đã làm cho những nỗ lực này diễn ra nhanh hơn. Khi nhận thấy nhu cầu về ứng dụng của mình ở Mỹ, chúng tôi đã nhanh chóng tung nó ra thị trường", Shamik Sharma, người đứng đầu bộ phận kinh doanh quốc tế của Cure.fit, nói với CNN Business.
Phản ứng nhanh với Covid-19
Giống như các doanh nghiệp trên toàn thế giới, Cure.fit buộc phải lập lại chiến lược để đối phó với đại dịch.
Đầu tiên, họ đóng cửa hơn 250 trung tâm thể dục và sức khỏe vào tháng 3, khi Ấn Độ ra lệnh phong tỏa các vùng của đất nước này. Cho đến nay, họ đã mở lại 30 trung tâm, tuân thủ các quy định của chính phủ, và dự kiến sẽ mở thêm trong những tháng tới. Tuy nhiên, một số trung tâm dự kiến sẽ đóng cửa vĩnh viễn, công ty cho biết.
Họ phải cắt giảm việc làm và tạm cho nhân viên nghỉ việc - Cure.fit từ chối bình luận về số lượng nhân viên bị ảnh hưởng, nhưng Reuters và TechCrunch đưa tin rằng ít nhất 800 nhân viên đã bị sa thải trong vài tháng qua. Trong một bản tin hồi tháng 5, Reuters đã chốt số lượng nhân viên của Cure.fit là 5.000 trên khắp Ấn Độ, sau khi trích dẫn một nguồn ẩn danh.
Tuy vậy, sự phong tỏa đã đẩy nhanh quá trình xoay trục của công ty sang trực tuyến.
"Khi các phòng tập thể dục của chúng tôi đóng cửa, chúng tôi ngay lập tức biết rằng khách hàng của mình sẽ bỏ lỡ những lớp học ngoài đời thật nên chúng tôi đã tạo các lớp học trực tuyến được phát trực tiếp thông qua ứng dụng của mình", Sharma cho biết.
Cure.fit tổ chức hơn 200.000 buổi tập hàng ngày ở Ấn Độ, với các lớp học trực tuyến có hướng dẫn viên, bao gồm nhiều thể loại như tăng cường sức mạnh, pilate, tim mạch và yoga.
Trong thời kỳ đại dịch, nền tảng này đã phát triển mạnh. Kể từ khi Ấn Độ bắt đầu tiến hành phong tỏa, công ty cho biết 1,5 triệu người dùng ở nước này đã đăng ký sử dụng và 100.000 người đăng ký có trả phí.
Ở Mỹ, công ty cho biết đã có 75.000 lượt tải xuống kể từ khi họ bắt đầu thử nghiệm ứng dụng này vào tháng 5. Cure.fit hiện cung cấp các buổi phát trực tiếp miễn phí ở quốc gia này, nhưng có kế hoạch giới thiệu mô hình đăng ký có thu phí vào cuối năm nay.
Các ứng dụng chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ
Mặc dù virus corona thúc đẩy nhiều người quan tâm hơn đến các ứng dụng chăm sóc sức khỏe, nhưng Ấn Độ đã có một thị trường phát triển tốt. Trước đại dịch, thị trường cho các ứng dụng như vậy được dự đoán sẽ tăng giá trị từ 27 tỷ rupee (360 triệu USD) vào năm 2018 lên 138 tỷ rupee (1,8 tỷ USD) vào năm 2024, theo báo cáo từ Netscripes, một công ty nghiên cứu thị trường và công nghệ có trụ sở tại Ấn Độ.
Lalatendu Sahoo, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Netscribe, cho biết điều này chủ yếu là nhờ những tiến bộ công nghệ, cộng với chi phí thiết bị và dữ liệu di động giảm.
"Mọi người ngày càng có ý thức về sức khỏe hơn, đặc biệt là những thế hệ trẻ sống ở các thành phố lớn. Họ quen thuộc hơn với Internet, thoải mái hơn với các thiết bị di động và đang thực sự cố gắng bổ sung yếu tố sức khỏe vào cuộc sống hàng ngày của mình", Sahoo cho biết.
Cure.fit muốn thu hút thị trường thế hệ Y này bằng cách bán "trọn gói" một lối sống, thông qua hàng loạt dịch vụ thực phẩm, trị liệu và thể dục.
"Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng một giải pháp trọn gói cho mọi thứ về sức khỏe và sức khỏe. Chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng những người đam mê thể dục, những người muốn có lối sống lành mạnh và thúc đẩy lối sống lành mạnh", Ankit Nagori, người đồng sáng lập Cure.fit với Mukesh Bansal, nói với CNN Business.