Âu thuyền mở cửa để tàu bè qua lại chiều 11-10. Khi có mặn, âu thuyền sẽ đóng để giữ ngọt cho vùng sản xuất của 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiều 11-10, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành gắn biển, bàn giao và chính thức đưa dự án cống âu thuyền Ninh Quới (thuộc địa bàn tỉnh Bạc Liêu) vào vận hành.
Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, đây là công trình cống âu thuyền lớn nhất Việt Nam hiện nay. Âu thuyền này đã được vận hành tạm thời khoảng 1 năm qua để ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020.
Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 360 tỉ đồng, giúp ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ vùng sản xuất lúa - tôm hàng trăm ngàn hecta thuộc các tỉnh phía Tây sông Hậu như Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Tại buổi bàn giao, chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng mô hình quản lý, khai thác hợp lý và bố trí đủ kinh phí để vận hành, bảo trì công trình nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả dự án.
Ông Dương Thành Trung, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết công trình này rất có ý nghĩa trong việc kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng Tây sông Hậu nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Theo ông Trung, ngoài công trình nêu trên, Bộ NNN&PTNT đã nhất trí làm thêm 2 cống âu thuyền khác ở Hộ Phòng (thị xã Giá Rai) và TP Bạc Liêu để vận chuyển nước ngọt từ bắc quốc lộ 1 qua vùng nam quốc lộ 1, khi đó tỉnh sẽ chủ động hoàn toàn việc mang nước ngọt qua vùng mặn để nuôi tôm.
TTO - Chiều 15-7, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Kiên Giang, Công ty INSEE Việt Nam khánh thành công trình đường ống dẫn nước sạch cho bà con vùng bị hạn, mặn tại ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang.