Mặt hàng đa dạng
Thị sát tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới An Giang vào những ngày này, dễ nhận thấy nạn buôn lậu vẫn rất "nóng". Hàng hóa được các đối tượng đưa qua biên giới phong phú từ thuốc lá điếu, đường cát, heo hơi, khẩu trang y tế đến bia, rượu, nước ngọt; quần áo, mỹ phẩm, dược phẩm; hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng và có cả phế liệu.
Nếu ở TX. Tân Châu có ấp 1, 2, 5 thuộc xã Vĩnh Xương (nơi có Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương) thì TP.Châu Đốc có rạch Chắc Ri, Cây Gáo (P.Vĩnh Nguơn), mương Năm Lùn (xã Vĩnh Tế); ở H.Tịnh Biên có rạch Lâm Vồ, đường Trường Cá, chợ Đường Xứ... là những địa điểm đối tượng buôn lậu thường xuyên tập kết hàng hóa, tìm cách đưa qua biên giới để vào sâu nội địa tiêu thụ. Trong tháng 4-2020, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, nguồn cung thuốc lá khan hiếm, các đối tượng buôn lậu vẫn tìm cách hoạt động.
Trong vai người đi tìm mua thuốc lá Hero, Jet tại xã Vĩnh Xương (TX.Tân Châu), chúng tôi quen anh Nguyễn Văn Thi, chuyên đai vác thuốc cho các đầu nậu. Chở tôi đi một vòng khu vực biên giới, Thi chỉ tay về các túp lều giữa đồng nói đây là những chốt gác của lực lượng liên ngành, vừa chống dịch vừa chống buôn lậu. Tình hình kiểm soát của các cơ quan chức năng khu vực biên giới gắt gao nên thuốc lá khi qua được biên giới giá rất cao.
"Buôn lậu trong giai đoạn này khó khăn bởi thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, tuyến biên giới được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ tính riêng khu vực các xã Vĩnh Xương, Phú Lộc thuộc TX.Tân Châu, chiều dài biên giới khoảng 6,2km nhưng các lực lượng chức năng đóng đến 13 chốt kiểm soát người và hàng hóa, vì vậy tụi em muốn đưa hàng qua phải tìm lúc đêm tối hoặc lực lượng chức năng họp giao ban, thay ca thì mới đi được", anh Thi chia sẻ.
Sự chênh lệch về giá quá lớn đã làm tình hình buôn lậu thuốc lá ở biên giới An Giang nói riêng, Tây Nam bộ nói chung chưa một ngày yên ả.
Thủ đoạn tinh vi
An Giang có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia gần 100km đi qua TX.Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn; có 5 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ). Tại các cửa khẩu, hàng hóa qua lại được kiểm soát chặt nên các đối tượng buôn lậu dạt qua 2 cánh gà, các đường mòn, lối mở để đi.
Tại các địa danh Cầu mương số 2 của xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu hay rạch Chắc Ri, Cây Gáo, mương Năm Lùn, TP.Châu Đốc, hàng lậu được tập kết sát biên giới để khi có thời cơ thuận lợi, các đối tượng sử dụng vỏ lãi, xuồng máy, môtô hoặc thuê người đai vác, vận chuyển bằng cách chia nhỏ hàng ra rồi đưa qua biên giới theo đường mòn, lối mở, dòng sông chung, cánh đồng giáp biên để đưa qua biên giới.
Sau khi đưa được hàng qua biên giới, các đối tượng buôn lậu tập kết hàng hóa rồi dùng các phương tiện như xe máy, ôtô tải, ôtô khách (đang chờ sẵn) để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Hàng lậu được ngụy trang tinh vi, các đường dây vận chuyển tổ chức và hoạt động rất chuyên nghiệp, thời gian hoạt động thường vào đêm khuya để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Có khi đường cát, hàng điện tử, điện lạnh được cất giấu bên đường, rồi họ đậy bạt để khi không có cơ quan chức năng thì nhanh chóng đưa đi tiêu thụ.
"Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu cử người theo dõi sát sao hoạt động của các lực lượng chức năng để thông báo cho nhau, lợi dụng thời gian giao ca sẽ đưa hàng qua biên giới. Cá biệt, một số đối tượng buôn lậu ở khu vực biên giới thuộc TP.Châu Đốc thuê đất ruộng của người dân để mở đường vận chuyển hàng qua biên giới" - ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang - chia sẻ.
Biên giới An Giang nói riêng, phía Tây Nam nói chung, khi hàng hóa có sự chênh lệch về giá giữa hàng ngoài biên giới với hàng trong nội địa thì tình hình buôn lậu diễn ra. Sự chênh lệch về giá cả càng cao thì tình hình buôn lậu càng "nóng". Còn nhớ trước thời điểm ngày 1-1-2020, khi Hiệp định về hàng hóa giữa các nước ASEAN (ATIGA) chưa có hiệu lực, ở các địa danh như rạch Chắc Ri, Cây Gáo, mương Năm Lùn, TP.Châu Đốc, đối tượng buôn lậu dùng vỏ lãi chuyên dụng để đưa các bao đường cát Thái Lan từ bên kia biên giới qua kênh Vĩnh Tế rồi đưa lên xe tải chở đi tiêu thụ. Tại địa điểm này, dân buôn lậu dùng các loại máy ôtô (có mã lực lớn) đặt xuống các loại vỏ lãi để chở đường cát, thuốc lá điếu qua biên giới.
"Tốc độ di chuyển của các loại phương tiện "chuyên dùng" này rất nhanh, có thể đạt từ 50-60 km/giờ và có thể chạy được trên địa hình đồng cỏ nhờ có 2 miếng sắt phía trên và phía dưới chân vịt, nhằm hạn chế không cho chân vịt quấn cỏ hoặc lưới giăng trên đồng. Vì vậy, phương tiện này được đối tượng tận dụng triệt để đối với địa hình mùa nước nổi" - Phó chủ tịch UBND TP.Châu Đốc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP.Châu Đốc Trần Quốc Tuấn - chia sẻ.
Từ thực tế của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu ở An Giang cho thấy, dù đối tượng buôn lậu có manh động, xảo quyệt đến đâu cũng không qua mắt được các lực lượng chức năng. Ông Hồ cho biết, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.236 vụ (tăng 4,4% so với cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng giá trị hàng hóa bắt giữ trên 30 tỷ đồng. Trong đó, thuốc lá nhập lậu là 523.284 gói (giảm 10,2% so với cùng kỳ); đường cát nhập lậu 166.280kg (giảm 40% so với cùng kỳ). Ngoài việc bắt giữ, xử lý hàng hóa vi phạm, cơ quan chức năng còn khởi tố 25 vụ với 30 đối tượng có liên quan về hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.
Giải pháp ngăn chặn
Cứ đến hẹn lại lên, đối tượng buôn lậu trong mùa nước nổi đã tìm cách tránh né lực lượng chức năng để hoạt động. "Một bên thì quyết tâm đưa hàng hóa qua biên giới để kiếm lời, một bên quyết tâm truy bắt cho nên khi thấy lực lượng chức năng đi ít người thì tụi em phải cố tình chống trả, bởi chủ hàng có đặt ra điều kiện: trong quá trình vận chuyển, nếu để hàng bị tịch thu thì tụi em phải bồi thường" - anh Thi cho biết thêm.
An Giang là một trong những địa bàn trọng điểm của buôn lậu ở biên giới Tây Nam, nên thời gian qua Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao. Cụ thể, từ cuối năm 2018, tỉnh đã bắt tay xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất hàng trong tỉnh, trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, tính toán lại giá thành sản xuất cũng như giá bán để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh công tác giáo dục, dạy nghề, vận động các đối tượng chuyên đi đai, vác thuốc, đường cát chuyển nghề.
Các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường đã ký quy chế phối hợp trong hoạt động chống buôn lậu, đồng thời tổ chức tổng kết hàng năm để bổ sung, hoàn thiện quy chế, kế hoạch. "Tất cả các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo 389 từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đều công bố số điện thoại đường dây nóng, nhằm khuyến khích người dân trên địa bàn tham gia phát hiện, tố giác buôn lậu. Với cách làm này, các lực lượng chức năng đã thu được nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống rất hiệu quả” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang - thông tin.
Xem thêm: lmth.901101_man-yat-ioig-neib-o-gnon-nav-ual-noub/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc