Ảnh: L.ĐIỀN
Với hàng trăm câu chuyện kể, Văn học Sài Gòn 1954 - 1975: Những chuyện bên lề đã làm toát lên được bầu không khí sinh hoạt văn chương nghệ thuật tự do phóng khoáng sống động, nhiều màu sắc, thuộc nhiều trường phái thể loại khác nhau của miền Nam trước 1975.
Cuốn sách mới nhất của Lê Văn Nghĩa không phải một tập chuyên khảo về văn học miền Nam được biên soạn một cách hệ thống như một cuốn văn học sử cận - hiện đại.
Như tên sách đã chỉ rõ, đó là những chuyện bên lề liên quan cả tính cách, lối sống, tình cảnh sống, thói quen sinh hoạt riêng tư lẫn những hoạt động sáng tác nghiên cứu công khai rất phong phú đa dạng của hầu hết văn nhân thi sĩ, nhà biên khảo tiêu biểu ở miền Nam, mà đất Sài Gòn là nơi thu hút đông đảo anh hào tứ xứ, trong giai đoạn phân ly của đất nước 1954 - 1975.
Đây cũng không phải một bộ sưu tập giai thoại văn chương thuần túy, vì giai thoại thường xuất phát từ những câu chuyện truyền miệng hấp dẫn nhưng có thể không có bằng cớ đích xác.
Ở đây, nhà báo - nhà văn Lê Văn Nghĩa đã có hứng thú như một người ham thích văn chương bỏ công góp nhặt những câu chuyện "hữu tín hữu trưng", nói có sách mách có chứng, dẫn nguồn khá đầy đủ, rị mọ từ tốn lấy ra từ trong mớ sách báo, tập hồi ký của rất nhiều tác giả, phần nhiều xuất bản trước 1975, pha trộn với một phần kiến thức văn chương bụi đời "ngồi lê đôi mách" của bản thân ông.
Hầu như không một tác giả tiêu biểu nào mà không được điểm qua nhắc đến, cũng như những tờ báo, tạp chí mà các tác giả có bài cộng tác nhiều hoặc ít.
Vài tác giả chuyên về sách dịch cũng được đưa vào. Không thể kể xiết! Bên cạnh sự kiện được ghi chép còn kèm theo vài câu nhận xét, bình luận ngắn gọn theo kiểu dí dỏm tếu tếu đặc thù rất quen thuộc của người góp nhặt Lê Văn Nghĩa.
Gần cuối cuốn sách 500 trang có một phụ lục rất bổ ích cho việc tham khảo là sơ lược vài dòng tiểu sử của những tác giả đã đề cập trong sách. Phải chi soạn giả hoặc nhà xuất bản bỏ chút công phu cho thêm một bảng tra cứu (index) tên tác giả, tác phẩm nữa thì hay cho người sử dụng sách biết mấy.
Một cuốn sách đọc vui mà bổ ích, thuộc loại xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn Việt Nam hiện tại, có tác dụng bổ sung kiến thức, đặc biệt đối với thế hệ độc giả trẻ lớn lên sau 1975 và những người yêu thích văn nghệ gốc Bắc, về một mảng hoạt động văn học sôi nổi của miền Nam mà có thời gian gần như bị lãng quên và chưa được nhắc đến nhiều trên những tác phẩm nghiên cứu văn học "chính thống".
Ngoài một số chuyện là lạ có thể gây tò mò người đọc, như “Một vụ đạo văn đáo tụng đình”, “Những cặp vợ chồng nhà văn”, “Nơi tàng trữ thơ tình”, “Tự tử trên chồng sách“, “Ba nhà văn quen của dưỡng trí viện Biên Hòa”, “Duyên Anh gửi thân xóm điếm”, “Bình Nguyên Lộc nhậu cùng Thanh Nam”, “Cây sáo bên thi hài Nhất Linh”..., cuốn sách còn có một vài câu chuyện có thể hữu ích cho những người trẻ lớp sau muốn theo nghiệp viết văn, như “Ai quyết định tác phẩm của nhà văn?”, “Duyên Anh và kỹ thuật viết truyện thiếu nhi”, “Hoàng Hải Thủy nói về feuilleton”, “Kinh nghiệm viết văn của Bình Nguyên Lộc”, “Nhà văn phải chịu trách nhiệm với bạn đọc”...
TT - Ai là tác giả mở đầu cho văn học Hán Nôm Gia Ðịnh? Bài Hiếu trung hoài cô vịnh của Võ Trường Toản có gì đặc biệt? "Tự hình" Hán Nôm là gì? Vì sao Lục Vân Tiên được nhân dân Nam bộ ưa thích?
Xem thêm: mth.96091219021010202-nog-ias-coh-nav-auc-el-neb-neyuhc-gnuhn/nv.ertiout