Học sinh qua sông đi học - Ảnh: THÀNH NHƠN
“Con cách ly được 4 ngày, chỉ thêm 10 ngày nữa là đi học lại rồi. Hổm rày con chỉ mong được gặp lại bạn bè, thầy cô” - em Phan Thị Thùy Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Thường Lạc (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), tâm sự chuyện học hành thời dịch giã.
Trang là một trong các học sinh đang thực hiện cách ly theo quy định tại Khu trung tâm hành chính cũ huyện Hồng Ngự để có thể tiếp tục con đường học vấn.
“Vài bữa về Việt Nam dựng nhà xong, tui với bả sẽ đi mần thuê kiếm tiền lo cho mấy đứa nhỏ. Thấy tụi nó ham học quá nên cũng cố gắng lo cho chúng về nước học đến nơi đến chốn. Đời ba mẹ nghèo rồi, giờ chẳng lẽ để tụi nó thất chữ.
Anh PHAN VĂN CẨN
Gian nan tìm chữ
Con đường biên giới dọc sông Sở Thượng ngăn Việt Nam với Campuchia mùa này vắng lặng khác thường. Do con nước không đổ về, cá mắm khan hiếm nên người dân vẫn lặng lẽ với nhịp sống ngày thường.
Anh Phan Văn Cẩn (38 tuổi) và chị Lê Thị Là (36 tuổi) đang tất bật chuẩn bị đưa gia đình về Việt Nam sinh sống hẳn.
"Mấy năm trước, tụi tui mang theo con cái qua Campuchia thuê đất trồng lúa kiếm sống. Dạo này, lúa thóc mần hết ăn vì dịch bệnh khiến buôn bán khó khăn, nên tụi tui về Việt Nam sống luôn" - anh Cẩn trải lòng.
Mấy năm gần đây, do đói lũ nên người dân vùng biên thiếu sinh kế. Người Việt ở Campuchia cũng thở dài, không chịu được cảnh "ăn không ngồi rồi" nên bảo nhau về lại Việt Nam, để "đi Bình Dương bán nước tương". Nhiều người sống dọc tuyến biên giới đổ sang TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để làm phụ hồ, công nhân xí nghiệp...
Hồ Ngọc Nhi, học sinh lớp 8 Trường THCS Thường Lạc, sinh sống với bà nội bên Campuchia khi cha mẹ bỏ lên TP.HCM làm ăn. Cha làm phụ hồ, còn mẹ làm công nhân may, hằng tháng đều tằn tiện gửi tiền cho người bà lớn tuổi nuôi dạy Nhi khôn lớn.
Mỗi ngày em đón đò sang sông để đi học đặng biết chữ nghĩa. Hết buổi học em lại phải lủi thủi trở về do không có họ hàng thân thích bên Việt Nam.
Cứ vậy, hành trình học 8 năm của cô học trò nhỏ cứ chơi vơi theo con nước lớn, nước ròng. Hiện hằng ngày em lên mạng vào các trang tự học để nạp kiến thức do chưa thể về Việt Nam vì dịch. "Thầy cô gọi điện hỏi thăm em mỗi ngày, tận tình giải thích mấy bài tập em chưa hiểu" - Nhi chia sẻ.
May mắn hơn, em Phạm Văn Triệu, lớp 9 Trường THCS Thường Lạc, ở nhờ nhà người thân khi bắt đầu năm học. Hoàn thành cách ly, em kịp nhập học cùng các bạn, tu bổ kiến thức cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng cuối năm học. Cha mẹ Triệu chung cảnh đi Bình Dương làm công nhân như nhiều người dân vùng biên.
Triệu tâm sự trước đây gia đình em ở Phnom Penh, sau đó chuyển về tỉnh biên giới Prey Veng. Nguồn sống gia đình phụ thuộc chủ yếu vào tiền cho thuê đất trồng lúa. Cha mẹ Triệu chấp nhận đi làm ăn xa để lo chi phí học hành cho Triệu và mấy người em.
"Bên Campuchia, suốt ngày con chỉ ở trong phòng thôi. Về đây, con mới được chơi đùa, nói chuyện với bạn bè. Con thích ở bên đây hơn nhiều. Con sẽ cố gắng học để không phải làm công nhân" - Triệu hớn hở cười nói.
Tại khu cách ly, em Phan Thị Thùy Trang tâm sự lúc đầu nghe cách ly em rất sợ nhưng sau đó được thầy cô, cha mẹ động viên nên em đã "khăn gói" vào trung tâm cách ly với bạn bè.
"Con vào đây được vài ngày rồi, thấy mấy chú bộ đội rất dễ thương, lo lắng cơm nước cho tụi con rất chu đáo. Giờ con chỉ mong sớm hoàn thành cách ly để được đi học với bạn bè thôi" - Trang chia sẻ.
Theo thầy Lê Đức Dũng - hiệu trưởng Trường THCS Thường Lạc, Trang là một trong số ít học sinh nhập học muộn do lấn cấn trong chuyện cách ly. Lý do là nhiều phụ huynh sợ con mình còn nhỏ chưa thể đi cách ly một mình, nên bắt buộc phải có cha mẹ theo, và từ đó ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.
"Sau khi được giải thích cặn kẽ, Trang điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm xin được cách ly để đi học lại. Nhà trường cũng cố gắng tạo điều kiện để em có thể tiếp tục học bởi ý chí học của em đáng khâm phục lắm" - thầy Dũng trải lòng.
Học sinh người Việt ở Campuchia được về nước vui học với bạn bè ở Trường tiểu học Thường Lạc 2 - Ảnh: THÀNH NHƠN
Thầy cô yêu thương dạy dỗ
Thầy Dũng cho biết do giáp ranh biên giới Campuchia, nên lượng học sinh là con em Việt kiều qua Việt Nam học rất đông. Hằng năm, trường đều đón hàng chục học sinh nhập học.
"Hầu hết cha mẹ các em đều cất nhà buôn bán nơi bến lúa biên giới hoặc thuê ruộng của người dân nước bạn để canh tác. Với mong muốn con cái biết chữ cha sinh mẹ đẻ nên hằng ngày các em đều được đưa qua bờ bên đây để học. Có trường hợp ở lại nhà người thân, cũng có trường hợp sáng đi chiều về. Các em cũng ngoan ngoãn, chịu khó học hành lắm" - thầy Dũng chia sẻ.
Năm nay, trong số 37 em học sinh từ bên kia biên giới qua Việt Nam theo học, hiện trường đã tiếp nhận 33 em. "Hiện còn 4 em không ra lớp vì gia đình thấy các em còn nhỏ nên sợ cách ly" - thầy Dũng chia sẻ lý do.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của học trò bên kia biên giới, hằng năm nhà trường đều vận động mạnh thường quân tài trợ đồng phục, cặp, sách vở cho các em.
"Của cho không bằng cách cho, nhà trường không phát trực tiếp trước toàn trường mà để vào một phòng nào đó rồi nhắn các em đến lấy. Tụi nhỏ cũng lớn rồi, làm như vậy các em sẽ không cảm thấy mặc cảm với các bạn khác cùng trường" - thầy Dũng bộc bạch.
Thầy Nguyễn Hữu Tiến - trưởng Phòng giáo dục huyện Hồng Ngự - cho biết toàn huyện có 201 em là học sinh Việt Nam ở Campuchia. Hiện còn khoảng 60 em chưa thể về nước nhập học do nhiều nguyên nhân khác nhau.
"Một số thì mình không liên lạc được để kêu phụ huynh đưa các em đến lớp, số khác thì do tâm lý cha mẹ ngại cách ly. Ngoài ra do không có họ hàng bên Việt Nam nên các em sợ không có chỗ ở" - thầy Tiến chia sẻ.
Những năm gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chính sách miễn giảm chi phí học tập cho con em người Việt sinh sống tại Campuchia. Các em được hỗ trợ tối đa để có thể tiếp cận kiến thức.
"Nhà trường luôn để tâm sát đến các em, phát hiện khó khăn là giải quyết liền chứ không đợi các em nghỉ rồi mới lo. Những năm qua, phòng luôn hỗ trợ tối đa, thực hiện nhiều chính sách an sinh nhằm giúp các em yên tâm học hành" - thầy Tiến trải lòng.
Con nước Sở Thượng mùa này vẫn thấp. Ở bên kia biên giới, nhiều cha mẹ nhớ con, nhưng họ cũng an lòng vì biết con mình đang được học chữ và lễ nghĩa làm người trong tình yêu thương ở quê hương...
271
Đó là số học sinh Việt Nam sinh sống ở Campuchia theo học tại các trường biên giới tại huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
“Càng lên cấp lớn thì sĩ số các em càng giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù vậy, nhiều em rất chăm học, đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi” - thầy Lê Đức Dũng tự hào chia sẻ.
TTO - Những ngày cách ly trong các doanh trại quân đội, hình ảnh làm 'rụng tim' nhiều chị em và người cách ly nhất có lẽ là những người lính hậu cần chuyên lo chuyện bếp núc, cơm nước. Họ được gọi thân mật là 'anh nuôi'.
Xem thêm: mth.57515601121010202-em-tad-ion-uhc-mit/nv.ertiout