Trên thị trường thế giới, giá vàng lình xình quanh ngưỡng 1.924 USD/ounce. So với giá đóng cửa cuối tuần qua, giá vàng thế giới giảm nhẹ khoảng 7 USD/ounce, tương đương 200.000 đồng/lượng. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện ở mức 53,9 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu tháng 9 tới nay, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã tiến hành mua vào 44,11 tấn, trong khi bán ra chỉ có 12,41 tấn, nâng lượng vàng nắm giữ của quỹ này lên 1.271,52 tấn.
Trong khi thị trường vàng đang gần như “đóng băng”, thị trường chứng khoán thế giới lại tràn ngập sắc xanh sau khi Nhà Trắng thông báo về gói hỗ trợ kích thích phục hồi kinh tế lên đến 1,8 nghìn tỷ USD và sẽ đưa lời đề nghị này ra trước các thành viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội. “Tổng thống đã phê duyệt gói hỗ trợ. Ông ấy muốn tiến đến một cuộc thỏa thuận”, Cố vấn kinh tế Larry Kudlow trả lời phỏng vấn của Fox Business.
Bên cạnh đó, các thành viên Đảng Đân Chủ tại Hạ viện cũng đã thông qua gói 2,2 nghìn tỷ USD. “Các cuộc đàm phán nhằm đối phó tác động của COVID-19 đang tiến triển”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter vào cuối tuần qua.
Tại thị trường vàng trong nước, giá niêm yết khá thất thường. Có nơi đẩy giá vàng miếng SJC lên sát 57 triệu đồng/lượng, có nơi lại giảm niêm yết giá bán về sát vùng 56 triệu đồng/lượng.
Cuối ngày 12-10, giá vàng miếng SJC tại TP.HCM tăng giảm khá thất thường. Đơn cử như tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá mua bán hiện ở mức 55,95 – 56,47 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với giá đóng cửa chiều qua. Còn Maritime bank điều chỉnh tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, đẩy giá mua bán lên mức 55,65 – 56,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC tại một số tổ chức lớn như Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Ngọc Hải đồng loạt điều chỉnh giảm 50.000 – 100.000 đồng/lượng, hạ giá bán ra về sát vùng 56 triệu đồng/lượng. Hiện, hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng thuộc doanh nghiệp Mi Hồng giá mua bán vàng miếng SJC chỉ còn 56 – 56,25 triệu đồng/lượng.