vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp không thể tiếp cận gói vay 16.000 tỉ đồng: Điều kiện được vay xa rời thực tiễn

2020-10-12 19:46

Thông tin từ (NHNN) cho biết, đến nay, gói tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 0% để doanh nghiệp (DN) và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn chưa cho DN nào vay được. Một chính sách ra đời nhằm hỗ trợ khó khăn nhưng nửa năm trời không thể tìm đến đối tượng, nói như ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - là điều kiện hưởng chính sách xa rời thực tiễn.

Dự kiến cho vay 16.000 tỉ đồng, hỗ trợ 3 triệu người

Trước đó, với gói hỗ trợ này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16.000 tỉ đồng, với tổng số người lao động (NLĐ) được hỗ trợ là 3 triệu người.

Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Bộ LĐTBXH cho hay, theo phản ánh của nhiều địa phương, chính sách hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ đang có vướng mắc liên quan đến việc xác định gặp khó khăn về tài chính theo quy định.

Ngoài ra, nhiều NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương thuộc các trường tư thục gặp khó khăn nhưng không được hỗ trợ do không thuộc đối tượng hoặc không đủ điều kiện hỗ trợ.

Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các đơn vị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, sửa đổi điều kiện vay vốn phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay, giảm bớt thủ tục chứng minh tình hình tài chính, giúp người sử dụng lao động (NSDLĐ) tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn tín dụng để thực hiện hỗ trợ đối tượng trên trả lương ngừng việc cho NLĐ. Từ đó, NLĐ sẽ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giúp NSDLĐ (doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình...) nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ đã quy định NSDLĐ có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4-6.2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế, nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.

Doanh nghiệp ngán ngẩm với các điều kiện

Hoạt động trong lĩnh vực du lịch hơn 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ công ty (Cty) của bà Lan Hương gặp khó khăn như hiện nay.

“Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cty đã dừng hết các tour đi nước ngoài, còn các tour trong nước rất ít khách do đó dẫn đến tình trạng tài chính kiệt quệ. Cty đã phải cắt giảm một số nhân sự, giảm lương nhân viên - mặc dù điều này rất đau xót. Để có thêm thu nhập, chúng tôi phải bán thêm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… nhưng cũng ế. Qua tìm hiểu, tôi được biết, Cty nằm trong diện được hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (Quỹ hưu trí và tử tuất). Tuy nhiên, khi Cty tới đăng ký thì gặp phải những rào cản rất khắt khe như số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trở lên tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11.11.2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29.12.2015 của Bộ LĐTBXH… Vì vậy, Cty không “vượt” qua những điều kiện trên nên vẫn phải đóng BHXH cho nhân viên” - bà Hương cho biết.

Khi được hỏi Cty rất khó khăn về tài chính, tại sao lại không vay vốn trong gói 16.000 tỉ đồng? Bà Hương lắc đầu ngán ngẩm: “Đến xin hoãn đóng BHXH còn không được, nên khi đọc những điều kiện để DN vay vốn như phải có từ 20%, hoặc từ 30% NLĐ trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31.12.2019… Chúng tôi đã “không dám” làm hồ sơ xin vay”.

Chung hoàn cảnh, một Cty dệt tại tỉnh Hà Nam đã phải cho tất cả hơn 200 NLĐ tạm thời nghỉ việc trong 2 tháng (vẫn được hưởng lương tối thiểu vùng). Gần đây, Cty có lại đơn hàng nên NLĐ đã quay trở lại làm việc. Khi chúng tôi nêu vấn đề tại sao DN không vay gói 16.000 tỉ đồng của Chính phủ, đại diện lãnh đạo Cty cho rằng, để vay được thì phải chứng minh khó khăn về tài chính và điều này tương đối khó vì DN còn hoạt động là còn tạo ra doanh thu… Hiện tại, để duy trì hoạt động, bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ, công ty phải tự xoay xở, tận dụng các nguồn vốn bên ngoài… cho nhanh.

Trao đổi với Lao Động chiều 11.10 xung quanh vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay: Điều kiện quy định quá chặt chẽ, DN không thể tiếp cận và đáp ứng được.

Trả lời câu hỏi nếu chờ sửa điều kiện thì có còn ý nghĩa đối với DN nữa không và DN có đủ sức để chờ đợi không, ông Lợi nói rằng, Chính phủ đang đề nghị chỉ còn 1 điều kiện là đối tượng các DN giảm sút 20% doanh thu. Tuy nhiên, nếu chỉ áp giảm 20% doanh thu thì rất nhiều DN trong diện được vay, Nhà nước liệu có tiền để trang trải hay không.

“Việc chọn 1 điều kiện giảm sút doanh thu là rất đúng, nhưng nên chọn 1 trong 2 phương án: Một là giải quyết đối tượng suy giảm doanh thu cao nhất, cứ như thế từ trên xuống dưới, khi nào hết thì thôi. Hai là có thể nâng mức đối tượng DN suy giảm doanh thu, lên 50% thì mới xử lý được” - ông Lợi nhấn mạnh.

Dù lần đầu đối diện đại dịch và nhiều cơ quan, ban ngành lúng túng, nhưng việc đề xuất chính sách hỗ trợ trong suốt nửa năm trời không đối tượng nào tiếp cận được, ông Lợi cho rằng phải tính toán, xem xét lại. “Ra chính sách không vào được đối tượng thì rõ ràng chính sách xa rời thực tiễn” - ông Lợi nói.

Hoan nghênh sự điều chỉnh, doanh nghiệp đang rất cần

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tại Đà Nẵng - cho rằng, việc Chính phủ điều chính các điều kiện để DN tiếp cận được gói vay 16.000 tỉ đồng là rất đáng hoan nghênh. Bởi thực tế, nếu không điều chỉnh thì sẽ không có DN nào tiếp cận được gói vốn vay ưu đãi này và chính sách nhân văn của Chính phủ cũng sẽ không đi vào thực tiễn cuộc sống. Hiện chưa có DN nào vay được nguồn vốn ưu đãi nói trên, dù khó khăn đã chồng chất.

“Vì vậy, chính sách hỗ trợ DN mà trực tiếp là giữ chân lao động với gói vay không lãi suất 16.000 tỉ đồng được gia hạn thêm thời gian đến tháng 12.2020, đồng thời bỏ bớt các thủ tục, yêu cầu là điều rất cần thiết, giúp các DN dễ dàng tiếp cận, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, những sự thay đổi trên cho thấy sự nhìn nhận thực tế của các cơ quan quản lý nhà nước để các chính sách có hiệu quả” - ông Quang trao đổi. Thuỳ Trang

Cần nới lỏng, xóa bỏ các quy định kiểu “đánh đố”

* Đại biểu QH Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: Với gói chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Quốc hội cũng như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các ĐBQH cũng đã trao đổi mong muốn làm sao Chính phủ triển khai nhanh gói này để người dân, DN được tháo gỡ khó khăn dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong ngắn hạn, điều này có thể giúp các DN và NLĐ đối mặt, ứng phó với khó khăn do dịch bệnh, duy trì được các hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai, có những khó khăn, vướng mắc mà chính sách không đến được người dân, DN thì cần xem lại những điều kiện đưa ra, xem xét tháo gỡ, nới lỏng những rào cản. Đồng thời, trong thời gian thực hiện, các đối tượng trong diện thụ hưởng mà chưa được nhận hỗ trợ thì cũng cần kéo dài thời gian triển khai.

* Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Chủ trương của gói chính sách hỗ trợ DN và NLĐ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là chủ trương rất đúng để có thể thực hiện được mục tiêu “kép”, vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Để triển khai được gói chính sách này đi vào thực tế một cách có hiệu quả thì các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu và đề xuất lại các thủ tục sát với tình hình thực tế, tháo gỡ những khó khăn hiện nay mà chính sách chưa tiếp cận được. Điều này để đảm bảo đúng đối tượng được hưởng gói hỗ trợ nhưng cũng không để xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách để trục lợi.

* TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), VCCI đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát để có cơ sở đề xuất Chính phủ các giải pháp hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hơn. Chính phủ đã tiếp nhận các ý kiến cộng đồng DN và ban hành chính sách rất kịp thời. Tuy nhiên, 31 nhóm vấn đề mà VCCI đã kiến nghị so với nội dung cần hỗ trợ DN còn ít so với mong muốn của cộng đồng DN. Qua các gói hỗ trợ của làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, mức độ triển khai trong thực tế còn rất thấp.

Về những gói hỗ trợ liên quan đến vấn đề nguồn vốn, chính sách tiền tệ hỗ trợ DN về phía các ngân hàng là rất lớn, lên đến 300.000 tỉ đồng, nhưng hầu như DN không tiếp cận được nguồn vốn vay này bởi nhiều quy định quá khắt khe, gần như là “đánh đố” DN.

Vốn vay hỗ trợ về an sinh xã hội, trong đó có liên quan đến vấn đề vay để trả lương cho người lao động (NLĐ) có thủ tục khó khăn, điều kiện để các DN tiếp cận cũng rất khó và tỉ lệ thực tế giải ngân thực hiện được là rất thấp. Gói về tài khóa, thuế, miễn thuế, giãn thuế, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế đất cũng có mức độ giải ngân thấp... Mặc dù quỹ lên đến 180.000 tỉ đồng nhưng giải ngân chỉ đạt được trên 50.000 tỉ đồng.

* PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân): Việc quy định quá khắt khe cũng là cách để tránh DN ỷ lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gói hỗ trợ trước rất khó tiếp cận, nên giảm điều kiện cho vay là cần thiết. Việc tăng gói hỗ trợ cùng hạ thấp điều kiện tiếp cận là cấp bách và chấp nhận rủi ro để Chính phủ cùng đồng hành với DN để vượt khó khăn.

* Đại diện cộng đồng DN nhỏ và vừa, anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt, một DN đặc thù với 100% NLĐ là người khuyết tật: Chúng tôi đã phải sử dụng cả lợi nhuận của các năm trước đó để chi cho NLĐ. Do đó, chúng tôi mong Chính phủ nới lỏng các điều kiện vay để phần lớn các DN đều được tiếp cận với nguồn vốn, bởi COVID-19 đã tác động lên hầu hết DN nhỏ và vừa vốn có sức chống chọi yếu. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với các DN mang tính đặc thù như DN có nhiều LĐ khuyết tật, DN của đối tượng thương binh, bệnh binh, hoặc các DN có nhiều LĐ trong diện giáo dưỡng.

* TS Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: Tôi đồng tình với quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải sửa các điều kiện, tháo bỏ những rào cản bất hợp lý thực tế đã chỉ rõ thì DN mới vay được, có vay được thì gói hỗ trợ mới có ý nghĩa.

Khánh Vũ - Trần Vương

Xem thêm: odl.360448-neit-cuht-ior-ax-yav-coud-neik-ueid-gnod-it-00061-yav-iog-nac-peit-eht-gnohk-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags: vay

“Doanh nghiệp không thể tiếp cận gói vay 16.000 tỉ đồng: Điều kiện được vay xa rời thực tiễn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools