Kênh tiêu thụ online cứu 'vua tôm' Minh Phú vượt qua bão Covid-19
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Trong khi kênh tiêu thụ truyền thống là nhà hàng, khách sạn bị đứt gãy, thì online chính là kênh tiêu thụ đã giúp “vua” tôm Minh Phú vượt qua cơn bão dịch bệnh Covid-19, theo ông Chu Văn An, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Phú Hậu Giang thuộc Tập đoàn thủy sản Minh Phú.
"Vua tôm" Minh Phú chuyển đổi số để giành thị phần thế giới
Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh minh họa: Trung Chánh |
Ông An của Công ty thủy sản Minh Phú Hậu Giang thuộc Tập đoàn thủy sản Minh Phú- đơn vị được mệnh danh là “vua” tôm của Việt Nam bên lề hội thảo “Bản lĩnh doanh nhân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau đại dịch Covid-19” diễn ra vào chiều nay, 12-10, tại TP Cần Thơ cho biết, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện từ tháng 12-2019 đã có những tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo ông An, đối với con tôm, chuỗi ngành cơ bản, bao gồm nguồn cung cấp nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu. “Về ảnh hưởng đối với bà con nuôi tôm (cung cấp nguyên liệu- PV), thì không nhiều vì nước ta kiểm soát dịch bệnh Covid-19 rất tốt, trong khi những vùng nuôi tôm cũng ít người, cho nên, sản lượng tôm nuôi vẫn đảm bảo được cho nhà máy chế biến”, ông An cho biết.
Còn với nhà máy chế biến, theo ông An, doanh nghiệp cũng tổ chức giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng, bảo đảm an toàn trong phòng dịch Covid-19, cho nên, hoạt động chế biến vẫn đảm bảo, không bị mất lực lượng sản xuất.
Trong khi đó, với thị trường tiêu thụ, ông An cho rằng, cái khó là những kênh tiêu thụ truyền thống như nhà hàng, khách sạn và khu du lịch hầu như không bán được bởi các nước cũng thực hiện lệnh cấm do Covid- 19. “Tuy nhiên, trong khi kênh nhà hàng, khách sạn gặp khó, thì kênh tiêu thụ online lại bán tốt, tiêu thụ được nhiều, chính vì thế, nguồn cung cấp đầu ra của mình (doanh nghiệp- PV) cũng thuận lợi”, ông An cho biết.
Việc tiêu thụ tốt ở kênh online (dù vẫn còn giảm trong tăng trưởng), theo ông An, đã giúp giải quyết được vấn đề tồn kho hồi đầu năm. “Đầu năm, chúng tôi kẹt trong vấn đề tồn kho vì sản xuất để cho công nhân có công ăn việc làm, trong khi tiêu thụ hàng không được. Tuy nhiên, trong quí 2 và 3, tình hình dần ổn định, tiêu thụ tương đối khởi sắc trở lại (thông qua kênh online- PV)”, ông cho biết và nói rằng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của con người, nhất là thực phẩm đông lạnh có thể trữ được lâu.
“Chính vì vậy, người ta mua online và để trữ trong tủ lạnh, tử đông người ta ăn dần và đấy cũng là yếu tố thuận lợi, giúp doanh nghiệp phát triển trong quí 3”, ông An giải thích.
Theo dự báo của ông An, tình hình tiêu thụ tôm trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sẽ thuận lợi hơn. Bởi, nhu cầu tôm trên thế giới còn rất nhiều, nhất là vào dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. “Có thể, người ta không tụ tập, nhưng vẫn phải ăn uống tại nhà, cho nên, bán online là kênh rất thuận lợi cho chúng tôi bán hàng” ông cho biết.
Một yếu tố khác được minh chứng cho nhận định ngành tôm Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong dịp cuối năm và đầu 2021, đó là trong khi cung cấp nguyên liệu của các nước như: Ấn Độ, Indonesia, Ecuador bị “đứt gãy” do Covid-19, sản lượng nuôi giảm rõ rệt, thì Việt Nam nhờ quản lý dịch tốt, bà con nông dân áp dụng sản xuất tôm bằng công nghệ cao nên đạt sản lượng rất cao. “Còn nhu cầu tôm của thế giới vẫn rất cần, cho nên, tôi tin tưởng ngành thủy sản ĐBSCL sẽ khởi sắc trong cuối năm nay và sang năm 2021”, ông An cho biết.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ dẫn kết quả một khảo sát về động thái của doanh nghiệp cho biết, trong quý 2-2020, thời điểm "cao trào" của dịch Covi-19, thì có 50% doanh nghiệp trả lời duy trì không quá 6 tháng, 80% không quá 1 năm.
Thế nhưng, cuối quý 3 vừa qua, có 80% doanh nghiệp trả lời sẽ duy trì, thậm chí 18% tiếp tục mở rộng. “Điều này cho thấy, bên cạnh thành công của Chính phủ trong chống dịch, thì ít nước nào trên thế giới duy trì và có bản lĩnh kiên cường như doanh nhân Việt Nam”, ông Lam nói.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thì thông tin, doanh nghiệp vùng ĐBSCL đăng ký thành lập trong 9 tháng đầu năm nay đạt 101% so với cùng kỳ 2019, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở mức cao hơn 1% so với cùng kỳ 2019; thương mại bán lẻ hàng hóa cũng cao hơn các năm trước, khả quan về giá trị tuyệt đối lẫn tương đối so với cả nước, hứa hẹn là vùng đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ.
Riêng Cần Thơ, theo ông Hiển, 9 tháng đầu năm nay, có 1.155 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn hơn 9.000 tỉ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 9.078 doanh nghiệp và 2.250 chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 80.000 tỉ đồng. Tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nền kinh tế là 10%, cao hơn mức trung bình của vùng ĐBSCL là 7%.
Xem thêm: lmth.91-divoc-oab-auq-touv-uhp-hnim-mot-auv-uuc-enilno-uht-ueit-hnek/233903/nv.semitnogiaseht.www