HĐND TPHCM thông qua chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức
Lê Anh
(TBKTSG Online) - Chiều 12-10, tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM đã thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại thành phố giai đoạn 2019-2021, trong đó có việc thành lập Thành phố Thủ Đức.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) phần lớn đi qua khu vực quận 9 và Thủ Đức hiện nay- Ảnh: Anh Quân |
Báo cáo tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, TPHCM đã lên phương án sáp nhập 3 quận và 19 phường, một số phường được đặt tên mới.
Cụ thể, về cấp huyện, ba quận phía Đông của thành phố là 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức. Đơn vị hành chính mới có diện tích hơn 211 km2; dân số hơn một triệu người.
Đối với cấp phường xã, có 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận phải sắp xếp.
Trong đó, quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm (diện tích hơn 3,2 km; dân số 428 người); nhập phường Bình Khánh và Bình An thành phường An Khánh (diện tích gần 4 km2; dân số hơn 23.100 người).
Dù đồng ý với việc thành lập Thành phố Thủ Đức nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm lo ngại một số vấn đề phát sinh khi sáp nhập 3 quận là Thủ Đức, quận 2, quận 9 để thành thành phố Thủ Đức.
Bà Tâm đặt vấn đề, khi thành lập Thành phố Thủ Đức cần cơ chế gì để vận hành thành phố có những bước đột phá; mô hình bộ máy tổ chức như thế nào, chứ không thể giống như các quận huyện hiện nay thì như chiếc áo không vừa vặn với một thành phố mới. Bà cho rằng khi thành lập thành phố mới thì ở đó chính quyền phải hiện đại, phải phục vụ người dân tốt hơn.
Theo bà Tâm, qua tiếp xúc lấy với người dân việc lo ngại nhất của người dân khi sáp nhập các 3 quận thì việc chuyển đổi giấy tờ hành chính sẽ rất phiền phức. Vì vậy, cần có phương pháp để người dân đổi giấy tờ ít phiền hà, không bị nhũng nhiễu.
Và vấn đề quan trọng nhất được bà Tâm nêu ra là việc trước khi thành lập thành phố mới thì cần giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc của người dân hiện nay của người dân về đất đai ở khu đô thị Thủ Thiêm; khu Công nghệ cao, quận 9. “Khi thành lập thành phố mới thì phải có gì mới chứ không thể giải quyết chuyện cũ” bà nói.
Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố sẽ hoàn chỉnh lại đề án để trình ra Bộ Nội vụ thẩm định. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cho ý kiến, sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, các quận 2, 9 và Thủ Đức đã lấy ý kiến người dân về việc Thành lập Thành phố Thủ Đức. Theo kết quả từ UBND quận Thủ Đức, 99,29% cử tri có tên trong danh sách lấy ý kiến đã tham gia bỏ phiếu. Trong đó, hơn 97% người dân bày tỏ ý kiến đồng tình với đề án thành lập thành phố Thủ Đức và tán thành giữ nguyên tên gọi đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức.
Đối với quận 2, hơn 59.600 người (82%) đồng thuận với việc sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố Thủ Đức và 76% người đồng ý với tên gọi thành phố Thủ Đức.
Còn tại quận 9, có 138.231 người đồng ý với việc sáp nhập, chiếm hơn 97%. Số người không đồng ý là 3.253 người, chiếm 2,29%. Đối với việc lựa chọn tên gọi thành phố Thủ Đức, có 136.516 người (hơn 96%) đồng tình với tên gọi thành phố Thủ Đức.
Mời xem thêm:
Kỳ vọng cao vào Thành phố Thủ Đức, đóng góp 7% GDP cả nước
Đừng để 'thành phố Thủ Đức' lặp lại vết xe đổ Thủ Thiêm
Xem thêm: lmth.cud-uht-ohp-hnaht-pal-hnaht-gnourt-uhc-auq-gnoht-mchpt-dndh/723903/nv.semitnogiaseht.coaid