vĐồng tin tức tài chính 365

“Hoa Kỳ muốn thấy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển rực rỡ”

2020-10-13 06:44

LTS: 25 năm qua, mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó kim ngạch thương mại song phương năm 2019 giữa hai quốc gia đạt gần 80 tỷ USD. Nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink đã có bài viết riêng cho VnEconomy với chủ đề "Quan hệ đối tác thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam - Chìa khóa cho sự thịnh vượng chung". VnEconomy xin trân trọng giới thiệu bài viết này (tiêu đề do Tòa soạn đặt).

NÂNG TẦM MỐI QUAN HỆ

25 năm trước, ngay sau khi lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm được dỡ bỏ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Năm 1995, hai quốc gia chúng ta có rất ít quan hệ kinh tế trong khi giao lưu nhân dân giữa hai nước còn hạn chế.

Từ đó đến nay, mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể. Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vượt mức 77 tỷ USD. Thậm chí trong năm 2020, bất chấp tất cả những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, hoạt động giao thương giữa hai nước vẫn tiếp tục mở rộng.

Ngày càng có nhiều công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, đánh giá cao kỹ năng người Việt, lãnh đạo các doanh nghiệp đang thiết lập những mối quan hệ đối tác thương mại mới cũng như làm sâu sắc thêm các quan hệ hiện có mỗi ngày.

Thành tựu hai nước đạt được là minh chứng cho nỗ lực của chúng ta nhằm tạo dựng một nền tảng thương mại tự do, công bằng, có đi có lại và một môi trường kinh doanh thuận lợi. Chúng ta đã hợp tác nhằm giảm thiểu các vấn đề về tiếp cận thị trường trong các ngành như sản xuất, dược phẩm và thực phẩm. Thương mại nông nghiệp giữa hai nước cũng phát triển đặc biệt mạnh mẽ, đạt giá trị 7,9 tỷ USD vào năm 2019.

Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ sáu của Hoa Kỳ. Người tiêu dùng Việt Nam hiện có thể thưởng thức nhiều sản phẩm chất lượng cao và an toàn của Hoa Kỳ như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cho đến táo, anh đào, việt quất, và thậm chí là tôm hùm sống.

Ngược lại, người dân Hoa Kỳ cũng được thưởng thức các loại trái cây của Việt Nam như vải, thanh long, xoài, và cả các loại hải sản đa dạng. Ngành nông nghiệp Hoa Kỳ cũng cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng nhằm hỗ trợ người nông dân và ngành sản xuất tại Việt Nam. Ngô và đậu nành từ Hoa Kỳ chính là các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính cho các đơn vị sản xuất thịt lợn, gia cầm và thủy sản Việt Nam.

Trong năm 2019, Hoa Kỳ xuất khẩu khối lượng bông với giá trị 1,8 tỷ USD sang Việt Nam. Số bông này được dệt thành sợi phục vụ cho ngành công nghiệp may mặc của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sử dụng gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nơi có ngành gỗ phát triển bền vững, để làm đồ nội thất xuất khẩu ra toàn thế giới.

Mối quan hệ giữa người dân và các tổ chức của hai nước cũng ngày càng sâu sắc và là nền tảng cho quan hệ của chúng ta. Mặc dù đại dịch COVID-19 hiện đang hạn chế cơ hội trao đổi trực tiếp trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại và du lịch, những khó khăn này chỉ là tạm thời.

Trên thực tế, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có ngành hàng không thương mại phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước cũng như hỗ trợ phục hồi ngành du lịch của hai nước.

Các doanh nghiệp Mỹ được coi trong ở Việt Nam như những nhà sản xuất thiết bị hàng không hàng đầu thế giới. Chỉ trong năm 2019, các thỏa thuận hàng không được ký kết đã đạt giá trị hơn 21 tỷ USD. Việc hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam khai thác các chuyến bay thẳng thường xuyên đến Hoa Kỳ sẽ góp phần gia tăng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong ngành hàng không, đồng thời vượt qua những thách thức tạm thời do dịch bệnh gây ra.

Hướng đến 25 năm tiếp theo trong quan hệ hợp tác, mục tiêu và thách thức chung của hai nước là tận dụng đà phát triển trong mối quan hệ kinh tế song phương mà chúng ta đã đạt được để nâng tầm mối quan hệ này lên tiếp tục tăng trưởng kinh tế bền vững liên tục và chia sẻ thịnh vượng chung. Chúng ta có nhiều cơ hội hiện thực hóa điều này trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, kinh tế số và sản xuất toàn cầu.

Quỹ đạo tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Việt nam cũng đi kèm với thách thức liên quan đến nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng để thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có thể loại bỏ nguy cơ thiếu hụt năng lượng tiềm ẩn, và Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Việt Nam nguồn khí LNG với mức giá hợp lý, ổn định, an toàn và phù hợp hơn với môi trường ở Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được thấy Việt Nam chào đón Tập đoàn AES tới xây dựng hai dự án được đề xuất là kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ và nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2. Tiềm năng cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo và sản xuất điện LNG là rất lớn.

Tương tự, thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam đồng nghĩa với việc các bạn sẽ cần hàng tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm tới. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ mang đến Việt Nam những thiết bị chất lượng cao, công nghệ sáng tạo và cách thức kinh doanh minh bạch.

Theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi, các công ty khu vực tư nhân sẽ được tài trợ bởi các dự án tư nhân xây dựng với vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thế hệ mới. Với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, cơ sở hạ tầng phát triển bền vững, chất lượng cao và lâu dài sẽ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

KINH TẾ SỐ TRỞ NÊN QUAN TRỌNG HƠN BAO GIỜ HẾT

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi sang nền kinh tế tiên tiến và công nghệ cao, mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế số trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

“Hoa Kỳ muốn thấy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển rực rỡ” - Ảnh 1.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink

Trong năm nay, sự hợp tác thành công giữa hai công ty công nghệ hàng đầu là Qualcomm và VinSmart đã giúp mẫu điện thoại thông minh 5G đầu tiên do Việt Nam sản xuất được tung ra thị trường. Vào tháng Sáu, Qualcomm đã ra mắt trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Hà Nội. Đây cũng là trung tâm đầu tiên được mở cửa ở khu vực Đông Nam Á. Trung tâm hỗ trợ các đối tác sản xuất như VinSmart, BKAV và Viettel, đồng thời tham gia thực hiện chương trình của Chính phủ về công nghiệp 4.0 và hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang kinh tế số của Việt Nam.

Nhiều công ty dịch vụ số khác của Hoa Kỳ như Facebook, Google và Netflix đã dần ổn định tại Việt Nam, trong khi đó, các công ty khởi nghiệp tại địa phương cũng đang dần phát triển.

Để tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực số phát triển mạnh mẽ, cần có một khung pháp lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và cho phép các công nghệ tân tiến phát triển. Một điều quan trọng không kém là bảo vệ và tăng cường quyền sở hữu trí tuệ cho các đơn vị đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đang phát triển ngành sản xuất của mình, do vậy, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước để các doanh nghiệp này có thể trở thành lựa chọn cung ứng cho các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cung cấp các bộ phận và nguyên vật liệu chất lượng cao cho những nhà sản xuất chính, từ đó góp phần giúp nền kinh tế có khả năng chống đỡ hoặc không bị ảnh hưởng bởi những cú sốc bên ngoài.

Chúng tôi muốn thấy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển rực rỡ. Thông qua Dự án Kết nối Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa của USAID (LinkSME), chúng tôi đang cải thiện năng lực cho các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như tạo điều kiện cho họ tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra quyết định đầu tư dựa trên những lý do về thương mại. Liệu thị trường có mang lại môi trường kinh doanh minh bạch và dễ dự đoán hay không chính là một yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định này.

Sự hợp tác giữa các chính phủ có thể mở đường cho hoạt động thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn. USAID đã hợp tác với Tổng cục Hải quan Việt Nam cùng các Bộ, ban ngành khác trong khuôn khổ Dự án tạo thuận lợi thương mại nhằm hỗ trợ Chính phủ thực thi nghĩa vụ được quy định bởi Tổ chức Thương mại Thế giới, xây dựng và tuân theo các quy định cho phép hàng hóa lưu thông hiệu quả qua biên giới, và góp phần ngăn chặn trung chuyển trái phép.

Năm 2019, các cơ quan tiến hành hoạt động thương mại của hai quốc gia đã ký kết Hiệp định về Hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan. Hiệp định sẽ là nền tảng vững chắc cho những hợp tác về loại bỏ gian lận thương mại trong tương lai.

Song song với việc nhìn lại và kỷ niệm những thành tựu hai quốc gia đã đạt được trong hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung trực tiếp vào tương lai. Thương mại và đầu tư là nền tảng cho Quan hệ Hợp tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo đó, giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của đại dịch COVID-19 là ưu tiên trước mắt của cả hai Chính phủ. Hoa Kỳ sẵn lòng đóng góp nguồn lực thông qua các chương trình của USAID như cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài trợ và làm việc với các bên liên quan trong Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy những nỗ lực cứu trợ giúp khu vực tư nhân phục hồi của Chính phủ.

Tôi tiếp tục tin tưởng rằng, khi hai nước làm việc với nhau trên tư cách là những đối tác đáng tin cậy, chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức và cùng nhau xây dựng một tương lai thịnh vượng cho nhân dân hai quốc gia tuyệt vời của chúng ta!

Xem thêm: mth.20942043221010202-or-cur-neirt-tahp-man-teiv-peihgn-hnaod-cac-yaht-noum-yk-aoh/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

““Hoa Kỳ muốn thấy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển rực rỡ””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools