Ông nêu quan điểm: chúng ta vẫn hay nói với nhau về việc làm từ thiện: "Cho cần câu cá chứ không cho con cá", thế nhưng làm thế nào để cho cần câu cá lại là chuyện khác. Cách làm thay đổi tư duy người khác, nhờ đó họ thành công hơn chính là cách cho cần câu cá. Thay đổi tư duy là cách giúp người giỏi thành công và tôi tin tưởng sâu sắc rằng những người ấy khi thành công sẽ lại đi giúp đỡ nhiều người khác.
Thưa ông, tại sao ban đầu ông lại chọn khởi nghiệp với ngành công nghệ thông tin? Điều gì là thành công lớn nhất và điều gì khiến ông tiếc nuối nhiều nhất khi nhìn lại chặng đường đã đi qua?
Lứa chúng tôi thời đi học chưa có ngành công nghệ thông tin, chúng tôi học về toán và toán điều khiển, một ngành tạm gọi là một nửa công nghệ thông tin. Khi mà đất nước bắt đầu quá trình đổi mới năm 1986, cũng là thời điểm mà công nghệ thông tin trên thế giới bắt đầu phát triển mạnh, các máy tính cá nhân PC ra đời, trước đó là thời kỳ của máy tính rất lớn không có bàn phím, không có màn hình rất là bất tiện.
Máy tính cá nhân ra đời tạo giúp cho tất cả mọi người có thể tiếp cận và làm việc trên máy tính đã thúc đẩy công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và đi vào cuộc sống dễ dàng hơn.
Khi công nghệ thông tin bùng nổ ở Việt Nam thì thế hệ đầu tiên của ngành công nghệ thông tin Việt Nam chủ yếu là từ dân học toán, học toán điều khiền chuyền sang. Như vậy có thể nói việc khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin của các doanh nghiệp thế hệ đầu tiên chính là theo đúng xu thế phát triển của xã hội.
Vậy tại sao chúng tôi lại khởi nghiệp thời điểm ấy? Vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, đất nước chúng ta ở thời mà kinh tế bao cấp bộc lộ rất nhiều nhược điểm, cuộc sống có rất nhiều khó khăn. Thời ấy không có ai có thể sống được bằng lương, kể cả giáo sư tiến sỹ, hay những người làm công tác nghiên cứu khoa học và giảng dậy như chúng tôi thì lương cũng chỉ sống được 7 ngày, 23 ngày còn lại phải làm thêm đủ các công việc khác để sống. Cuộc sống cứ như vậy kéo dài trong nhiều năm.
Lãnh đạo đất nước cũng như nhiều tầng lớp nhân dân đều thấy cần phải thay đổi, cần phải đổi mới, tất cả đều thấy rằng mình không thể nào tiếp tục làm việc như cũ, với cơ chế cũ. Anh Trương Gia Bình rủ chúng tôi thành lập công ty. Lúc ấy luật công ty chưa ra đời, thế nên việc thành lập được công ty ở thời điểm ấy cũng là bài toán nan giải.
Thành lập công ty lúc ấy là theo xu hướng đổi mới của cả đất nước, là cách làm đột phá của những người đi tiên phong, còn làm công nghệ thông tin có thể coi như bản năng của người có chút kiến thức toán học, tin học. Thêm nữa công nghệ thông tin là ngành dễ đi vào thực tiễn cuộc sống nhất, là ngành có thể đi sâu vào tất cả các ngành kinh tế khác, giúp cho việc vận hành, quản lý của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước hiệu quả hơn, năng xuất hơn.
Thành công lớn nhất của tôi, chính là ở FPT tôi được làm điều mình muốn, làm việc mà mình có sở trường, có đam mê và được là chính mình. Với cơ chế nhà nước thời kỳ những năm 1980, hầu hết mọi người đều không làm đúng công việc mình yêu thích, đi học ngành nào cũng là do được phân công, đi làm ngành này, ở cơ quan kia cũng do người ta phân công.
Nhờ được làm đúng công việc mình yêu thích, mình có sở trường, có đam mê, được phát huy tốt nhất năng lực và tố chất của bản thân. Tôi đúc kết ra rằng thành công trong công việc, trong sự nghiệp, vững vàng về tài chính và tiền bạc chỉ là hệ quả của việc mình tìm được đúng năng lực sở trường và dành trọn hết đam mê.
Điều mà tôi tiếc nuối và chính là điểm yếu của tôi, chính là ngoại ngữ. Thời phổ thông tôi học tiếng Nga 3 năm, thêm một năm học dự bị tiếng Nga. Trong đại học cũng được học tiếng Anh, nhưng lúc ra trường, kiến thức ngoại ngữ gần như không có.
Thời đấy học chơi chơi, không có môi trường luyện tập ngoại ngữ nên khả năng ngoại ngữ không tốt. Trong số những người làm tại FPT, đa phần mọi người đều học ở nước ngoài về, còn tôi học trong nước, môn tôi yếu nhất lại là ngoại ngữ. Tôi suy luận logic tốt, học toán được cho nên làm phần mềm tốt, nhưng trí nhớ tồi và lưỡi cứng nên phát âm không chuẩn mà phát âm không chuẩn, thầy giáo chỉnh suốt ngày nên thành ra không còn tự tin, ngoại ngữ thành điểm yếu.
Sau khi đi làm kinh doanh, tiếp xúc với doanh nhân nước ngoài, trong khi những người khác giỏi dần tiếng Anh, họ nhanh chóng giao tiếp được và nhờ đấy không gặp khó khăn khi đọc tài liệu, giao tiếp hay đàm phán thương mại còn tôi thì chỉ đạt đến mức nghe thì lõm bõm, không nói được.
Tất nhiêm khi ở vào thế bí chỉ có 2 người với nhau hoặc có những thương vụ đặc biệt bí mật không thể có người thứ 3, đóng cửa kín, dùng cả bút, cả tay chân thì vẫn đàm phán được. Nếu tiếng Anh của tôi tốt hơn, có lẽ tôi hẳn sẽ tham gia tốt hơn vào toàn cầu hoá và sẽ thành công lớn hơn.
Và nếu cho chọn lại, khởi nghiệp lại từ đầu thì chắc chắn tôi vẫn chọn ngành công nghệ thông tin. Ban đầu, mình chọn theo ngành học, theo chuyên môn, thế nhưng sau này đọc sách về thành công nhiều thì mới hiểu rằng thành công là làm đúng lĩnh vực mình có sở trường nhất, giỏi nhất và đam mê nhất thì rõ ràng phần mềm, công nghệ thông tin là ngành mình giỏi nhất và có yêu thích nhất.
Sau này chuyển ra kinh doanh quản lý thì vẫn là kinh doanh công nghệ thông tin và quản lý hay lãnh đạo thì vẫn là lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Nếu có một lời khuyên dành cho người trẻ, đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, đang bắt đầu vươn lên trong cuộc sống thì ông có dành cho họ lời khuyên về ngoại ngữ hay không?
Lời khuyên về ngoại ngữ thì tôi nghĩ cũng bằng thừa bởi hầu như trẻ con bây giờ được học ngoại ngữ từ rất sớm, có nhiều cơ hội giao tiếp hơn, ở nông thôn tôi có lẽ cơ hội và môi trường ít hơn, nên có thể lời khuyên ngoại ngữ chỉ dành cho học sinh nông thôn, còn với học sinh thành phố không phải bây giờ mà cách đây nhiều thế hệ đã bắt đầu học ngoại ngữ từ khi bắt đầu đi học.
Tuy nhiên, công nghệ thông tin lại khác bởi tỷ lệ học công nghệ thông tin từ bé không nhiều, công nghệ thông tin và ngoại ngữ là 2 công cụ cho tất cả các ngành nghề. Ngày nay giao thương quốc tế nhiều, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mở nhà máy, công ty, văn phòng đại diện nhiều, cơ hội ra nước ngoài học tập, làm việc cũng không ít, thế nên ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hành trang không thể thiếu.
Còn đối với giới trẻ, bây giờ tôi lại có lời khuyên khác. Tôi cho rằng khi sinh ra không có ai dốt cả, ai cũng có sở trường hoặc năng lực trong một lĩnh vực nhất định. Khi đi học, người ta đo đếm nhau bằng một số môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhưng trong cuộc sống các ngành nghề cần rất nhiều năng lực khác ngoài năng lực tự nhiên và xã hội theo thước đo của nhà trường.
Ví dụ như thể thao, rất nhiều người đi theo đường thể thao chuyên nghiệp như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, điền kinh, võ thuật, họ sống bằng nghề đó. Với lĩnh vực nghệ thuật, trong trường học chỉ được coi như vui vẻ, ngoại khóa nhưng ra đời rất nhiều người làm ca sỹ, diễn viên múa, diễn viên điện ảnh, đạo diễn, thiết kế thời trang, người mẫu, nhà văn, nhà biên kịch.
Những nghề đó cần rất nhiều tố chất, năng lực mà nhà trường không dậy, không coi trọng, nên theo thước đo học hành thì là họ không giỏi, nhưng khi ra đời khi họ tìm đúng sở trường thì họ có thể thành công, thậm chí có người thành công rực rỡ.
Vì vậy, tôi khuyên các bạn trẻ đừng nên tự ti khi đi học điểm số không cao, bị thầy cô chê dốt, hãy tìm bằng được sở trường của mình, xem mình yêu thích công việc nào nhất, công việc nào mình đam mê nhất, làm có kết quả tốt nhất, công việc nào mình làm tốt hơn bạn bè, công việc nào mình làm quên cả thời gian, thấy vui vẻ hạnh phúc, đấy chính là sở trường của mình.
Nếu mình tìm ra đúng sở trường hãy dồn tâm huyết làm trong lĩnh vực đó thì mình chắc chắn sẽ thành công.
Đó là điểm mà theo tôi là quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi người, nhất là những năm đầu đời, từ năm mười mấy tuổi đến năm ba mấy tuổi. Trong thực tế cuộc sống, có người tìm ra sở trường sớm, có người chỉ 15 tuổi đã là tìm ra rồi, có người 18 khi chọn ngành học đại học đã tìm ra, có người đến khi đi làm mới tìm ra, nhưng cũng có những người tốt nghiệp đại học, ra trường rồi đi làm mấy năm mới tìm thấy, lại bỏ nghề được đào tạo sang làm nghề khác, thậm chí có người còn đi học lại đại học ngành khác.
Tôi từng chứng kiến rất nhiều người đi làm mấy năm, nhận thấy công việc này không phải sở trường, họ đổi sang nghề khác, thậm chí đổi hai ba công việc và sau rồi thành công với nghề mới. Với các thế hệ trước, dưới sức ép của bố mẹ, của gia đình, người ta không dám thừa nhận cái đó và cứ mãi mãi đi làm cái nghề mà hàng ngày làm không tốt và bản thân không thích, làm cảm thấy vô cùng ức chế nhưng không đủ động lực để thay đổi.
Nếu ai tìm thấy đúng sở trường, đúng lĩnh vực mà mình yêu thích, họ sẽ đam mê, họ làm tốt, không thấy khổ, hàng ngày chỉ muốn dậy thật nhanh để đi làm tiếp, thứ 7 Chủ Nhật cũng không muốn nghỉ, thậm chí nghỉ dài ngày còn thấy sao nghỉ nhiều thế….
Có một bạn ngày xưa làm nhân viên của tôi, tôi không nhớ bạn học trường nào nhưng tôi tuyển vào làm hành chính. Sau khi đã làm hành chính mấy năm, nghe tôi nói chuyện về mỗi người cần tìm ra tố chất, năng lực bản thân và giành trọn đam mê cho nó thì sẽ thành công, bạn suy nghĩ rất nhiều, một hôm bạn ấy đã gặp tôi để xin nghỉ việc.
Bạn bảo rằng rất tiếc em phải xin nghỉ, xin thôi nhưng lý do em xin thôi là do các buổi nói chuyện của anh, rằng mỗi người phải có đam mê của mình, em phát hiện ra em đam mê nghề truyền thông nhưng em đã trót vào công ty làm hành chính, nay em muốn chuyển sang truyền thông nhưng không ai đồng ý, em chỉ còn cách xin sang công ty khác dự tuyển vị trí truyền thông thôi.
Sau này bạn có một vị trí khá cao trong ban truyền thông làm việc trực tiếp với chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp rất lớn. Cách đây hơn 1 năm bạn đó từng phỏng vấn tôi về việc liệu doanh nghiệp của bạn ấy có nên sản xuất dòng xe ô tô siêu sang hay không, và nếu làm ra anh có mua hay không, xe như thế nào thì anh mua và xe đấy có tính năng như thế nào thì bán được. Công ty đã sản xuất dòng xe siêu sang đó thật. Bây giờ bạn ấy cực kỳ yêu nghề và đam mê.
Nếu không có lời khuyên tìm ra sở trường và làm nghề bằng đam mê thì hẳn sẽ có nhiều bạn nữ chấp nhận cuộc đời bình lặng, lấy chồng sinh con là xong, như vậy cuộc đời nó buồn tẻ. Nếu được làm đúng đam mê thì cuộc đời vui hơn nhiều.
Đa phần doanh nhân Việt Nam rất ngại xuất hiện trước truyền thông, vậy tại sao ông lại chọn cách rất cởi mở với truyền thông và sẵn sàng đương đầu với dư luận?
Ngoài kinh doanh ra, thì có một chủ đề mà tôi rất quan tâm, rất thích và đã dành thời gian nghiên cứu từ năm 1996, cũng phải cỡ khoảng 24 năm rồi. Đó là lĩnh vực "thành công học", tức môn khoa học lý giải tại sao người này thành công, người kia không thành công và làm cách nào để thành công.
Từ hơn 100 năm trước, ở phương tây những tỷ phú, những học giả lớn, đã bắt đầu nghiên cứu về thành công học, họ cho rằng "cũng như trong vật lý, có những qui luật quyết định sự chuyển động của các sự vật thì trong cuộc sống cũng có những quy luật tương đối chính xác quyết định sự thành công của mỗi cá nhân", họ đã dành ra hàng chục năm phỏng vấn, nghiên cứu những người thành công nhất, tìm ra những điểm chung nhất, những nguyên lý mà nhiều người thành công nhất cùng làm.
Bắt đầu từ năm1996, tôi đọc rất nhiều sách của các nhà học giả thế giới lý giải về thành công. Tôi đọc, chiêm nghiệm thực tế trong công việc và trong cuộc sống, chiêm nghiệm từ bản thân đến những người xung quanh mình, ở FPT, sau đó là các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp khác ở Việt Nam, rồi các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Và rồi tôi soạn thành tài liệu, năm 1998 tôi bắt đầu đi dạy lại cho nhân viên, đầu tiên là nhóm cán bộ kinh doanh trước, sau đó đến các quản lý ở công ty tôi, sau đó là đến các công ty khác. Mỗi năm lại đọc lại sách, tiếp tục chiêm nghiệm để cập nhật, bổ sung bài giảng.
Những nguyên lý thành công đó, sau hơn 20 năm nghiên cứu và chiêm nghiệm thực tế, là điểm tựa để tôi có niềm tin khi tham gia chia sẻ cũng như tranh luận trên facebook. Vì mong muốn có nhiều người Việt Nam thành công hơn, nên tôi chọn cách cởi mở, viết bài chia sẻ và tranh luận trên mạng xã hội về nhiều chủ đề khác nhau.
Chính nhờ việc viết và tranh luận trên facebook (fb) mà tôi và Thái Hà Books đã xuất bản cuốn sách "Khát vọng Việt: Vì sao đất nước ta còn nghèo", cuốn sách được sự quan tâm và đón nhận của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Tôi biết nhiều người chưa dành thời gian nghiên cứu, chiêm nghiệm về các nguyên lý thành công như tôi nên tôi không ngại khi tranh luận, tôi mong muốn qua viết bài, qua tranh luận có thể thay đổi được tư duy, cách nghĩ của người nào hay người ấy, dù có người nghĩ khác, tranh luận kịch liệt, có người còn về fb mình viết bài chửi bới cũng không sao, miễn là mỗi ngày có thêm một vài người tin và làm theo, thêm được người nào tốt thêm cho xã hội là tốt rồi. Thực tế đã có rất nhiều người đã thừa nhận họ đã thay đổi tư duy, sống tích cực hơn, có động lực hơn.
Chúng ta vẫn hay nói với nhau về việc làm từ thiện: "Cho cần câu cá chứ không cho con cá", thế nhưng làm thế nào để cho cần câu cá lại là chuyện khác. Cách làm thay đổi tư duy người khác, nhờ đó họ thành công hơn chính là cách cho cần câu cá. Thay đổi tư duy là cách giúp người giỏi thành công và tôi tin tưởng sâu sắc rằng những người ấy khi thành công sẽ lại đi giúp đỡ nhiều người khác.
Khi mà ông trở thành nhân vật rất nổi tiếng trên mạng xã hội, ông cảm thấy điều đó mang lại niềm vui, nỗi phiền toái cho ông như thế nào và quan điểm về sử dụng mạng xã hội thời gian tới như thế nào?
Theo tôi, trên mạng xã hội, có thể có người không đồng ý, không hài lòng, tranh luận, phản đối thậm chí còn viết bài chửi bới, nhưng tôi thấy vẫn vui. Có 2 nghĩa của từ vui ở đây, ngoài việc ở FPT ra, để viết được bài, mình vẫn phải học các kiến thức mới, bổ sung các thông tin mới, tiếp theo là khi giúp được nhiều người mình cũng thấy vui.
Trong thành công, có một nguyên tắc là phải luôn để cho tâm hồn mình thanh thản. Nếu mình bực tức, cáu giận, ghen ghét, sợ hãi... thì mình đều không vui cả và nó ảnh hưởng đến chất lượng công việc, cũng như năng xuất lao động. Không những ảnh hưởng đến công việc của mình mà còn ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình. Vì vậy trong thành công cần có nguyên tắc tâm hồn luôn thanh thản.
Trong những người phản đối, tôi phải nhanh chóng phát hiện ra là có những người tranh luận là vô bổ, tức là không bao giờ người ta thay đổi và chỉ cãi lại mình thôi. Nếu ai quá đáng quá thì mình thôi. Trên mạng, tôi có nguyên tắc là ông nào nói tục, chửi bậy, ông nào bàn sang chính trị thì tôi hủy. Còn lại sẽ vẫn chấp nhận và tranh luận tiếp.
Vậy phản biện xã hội thì sao? Với tôi người phản biện tức phải có lúc nhìn thấy cái tốt, có lúc thấy cái xấu của xã hội tức tỷ lệ tốt xấu phải hợp lý, những ai mà 10 lần cả 10 lần đều nhìn thấy xấu thì là người tiêu cực, không không bao giờ tranh cãi với người như vậy nữa.
Tôi có đọc ở đâu đó có nghiên cứu cho rằng người suy nghĩ tiêu cực nhiều quá sẽ chóng già hơn, sinh ra một số bệnh. Quan sát của tôi hình như đúng thế, người nào nhìn thấy cuộc sống vui vẻ thì mới trẻ lâu được. Tiêu cực không chỉ chóng già mà còn dễ sinh bệnh tật.
Hiện tại, tuy ông không còn trẻ nhưng chưa già, vẫn còn tràn đầy năng lượng và tâm hồn luôn lạc quan, vậy ông có nghĩ mình sẽ khởi nghiệp ở một ngành khác không?
Với FPT đã được như hiện tại, thì thực ra cũng khó để nghĩ đến khởi nghiệp ở một ngành khác hay quy mô nhỏ hơn. Tôi ban đầu đi từ công ty bé, từ 16 người, rồi lãnh đạo nhóm đó lên mấy chục mấy trăm mấy nghìn, rồi lên tập đoàn…mình đã qua giai đoạn làm với nhóm người nhỏ, doanh nghiệp nhỏ. Cực kỳ khó để một người từng lãnh đạo doanh nghiệp vài chục nghìn người quay lại doanh nghiệp vài chục người. Giai đoạn đó rất xa rồi.
Vậy cho nên là cái tốt nhất, theo tôi, mình giúp doanh nghiệp khởi nghiệp như một người tư vấn, như người hướng dẫn cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong đó có cả con cháu mình nếu nó có khởi nghiệp. Làm như vậy tốt hơn mình trực tiếp đi khởi nghiệp.
Năm nay dịch bệnh Covid-19 đã làm đa phần doanh nghiệp Việt Nam khó khăn, nhưng có khi trong khó khăn mới chứng tỏ bản lĩnh của doanh nhân. Vậy ông nhìn nhận đâu là điểm sáng của doanh nghiệp Việt Nam khi vượt qua đại dịch vừa rồi?
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, rất nhiều tầng lớp trong xã hội, và không thể phủ nhận thực tế này. Cuộc sống của nhiều người khó khăn hơn. Nhưng với doanh nhân và đặc biệt là lãnh đạo, đây chính là lúc thể hiện bản lĩnh.
Người ta nói lãnh đạo thể hiện vai trò rõ nhất trong lúc khó khăn. Còn lúc thuận lợi, có khi lãnh đạo đi chơi golf và đi du lịch, cả bộ máy vẫn vận hành tốt, doanh nghiệp chẳng vấn đề gì cả.
Thế nhưng mà khi khó khăn như thế này vai trò mới rõ, đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội để lãnh đạo thể hiện bản lĩnh của mình, để dẫn dắt doanh nghiệp mình vượt qua. Cả thế giới suy thoái rất sâu nhưng riêng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, dù tốc độ thấp chỉ hơn 2%. Rõ ràng Việt Nam là nước ít chịu ảnh hưởng nhất và Việt Nam là một trong những quốc gia đối phó và chống dịch tốt nhất.
Trong cuộc chiến chống dịch ấy, vai trò Chính phủ rất quan trọng nhưng không thể phủ nhận vai trò của doanh nhân, bởi kết quả là 9 tháng đầu năm tổng hàng hoá xuất khẩu vẫn tăng, doanh nghiệp Việt Nam còn tăng cao hơn doanh nghiệp FDI.
Xuất khẩu tăng, chứng tỏ sản lượng sản xuất ra của cả nước ta không giảm. Trong khó khăn các doanh nghiệp Việt vẫn sản xuất, vẫn duy trì công ăn việc làm cho người lao động, vẫn tạo ra sản phẩm để dùng trong nước và xuất khẩu, trong đó có nhiều doanh nghiệp thậm chí tăng trưởng rất cao.
Trên facebook, tôi đã từng có bài về câu chuyện của một doanh nghiệp chuyên sản xuất van công nghiệp (Van nồi hơi, van nước, van cứu hoả) để xuất khẩu. Doanh nghiệp mới khởi nghiệp hơn 3 năm, mất gần 1 năm khủng hoảng do Covid-19 nhưng doanh nghiệp tăng trưởng ngoạn mục, bất chấp covid doanh số vẫn tăng trưởng 50%, 70%.
Để đạt được sự tăng trưởng đó, doanh nghiệp đó đã sản xuất ra được van công nghiệp chất lượng còn vượt cả chuẩn quốc tế, đến mức khách hàng Mỹ, Canada phải khen tốt hơn Trung Quốc, ngang với Italy và Tây Ban Nha.
Thế cho nên giữa mùa dịch mà doanh nghiệp nhập thêm dây chuyền sản xuất mới, mở rộng sản xuất liên tục, hàng hoá sản xuất ra không kịp đơn đặt hàng của nước ngoài. Ví dụ này cho thấy có những doanh nhân vượt qua khủng hoảng thành công rực rỡ.
Theo ông, thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay có liều lĩnh hơn không? Có những điều gì mà ông thấy họ hơn thế hệ ông hoặc có điều gì mà họ không bằng thế hệ của ông?
Thế hệ chúng tôi gặp phải nhiều khó khăn hơn thế hệ doanh nhân hiện tại. Thứ nhất, Việt Nam khi đó chưa có kinh tế thị trường, chưa có luật doanh nghiệp, chưa có internet, chúng tôi vừa làm vừa dò dẫm để đi tìm thị trường, khách hàng, quản trị công ty, quản trị kinh doanh, từ khởi nghiệp, đến lãnh đạo, đến quản trị, tất cả, cái gì cũng phải mò mẫm. Khi ấy không có Internet và sách vở cũng không có để mà đọc.
Bây giờ chẳng có ai dạy thì cũng có sách xuất bản đầy, có mạng Internet, nếu muốn học cái gì tự học được hết, các lớp, các khoá đào tạo rất nhiều. Còn như ngày xưa nếu muốn học cũng không có để học, tất cả đều phải mày mò. Giờ có Internet, có môi trường giao lưu quốc tế để học.
Nền tảng kiến thức chuyên sâu trong ngành thì tôi không biết đằng nào hơn nhưng mà ít nhất kiến thức bổ trợ như công nghệ thông tin, ngoại ngữ rồi kỹ năng làm việc nhóm hay kỹ năng mềm họ được chuẩn bị sẵn từ bé cho nên họ có đủ nền tảng để thành công nhanh chóng hơn rất nhiều.
Có rất nhiều doanh nghiệp trẻ bây giờ họ thành lập 5,10 năm nhưng phải bằng chúng tôi đi gấp rưỡi, gấp 2 lần quãng thời gian đó, tức là tốc độ thành công nhanh gấp 2 lần so với thời chúng tôi.
Như vậy thế hệ doanh nhân trẻ ngày nay hầu hết đều hơn, từ môi trường, cơ hội đến kiến thức nền tảng, cái duy nhất họ còn thiếu là khả năng chịu đựng gian khổ, họ không phải trải qua gian khổ hay khó khăn từ bé, nên nếu khi khó khăn thì khả năng vượt qua khó khăn sẽ thấp hơn.
Năm nay đại dịch Covid-19 như vậy, tôi thấy trên mạng, trên báo chí rất nhiều bạn trẻ kêu ca, than vãn về khó khăn, than vãn rất nhiều về khủng hoảng. Có bạn khó khăn thật thì kêu cũng đúng, nhưng có bạn là chỉ nhìn thấy xung quanh khó khăn thôi, thấy cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa nhiều, người lao động thất nghiệp nhiều nên suốt ngày than vãn khó khăn, chỗ nào nói có điểm sáng là nhẩy vào tranh luận, chứng minh là kinh tế và xã hội đang rất khó khăn, kêu gọi và trông chờ Chính phủ giải cứu.
Tôi nhớ lại rằng khó khăn này làm sao bằng khủng hoảng tài chính năm 1997. Năm 1997, toàn bộ các quảng cáo trên đường từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài, từ trung tâm Tp.HCM đi sân bay Tân Sơn Nhất, trong nhà ga Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều bị dỡ bỏ, không còn cái nào hết, không doanh nghiệp nào còn tiền để quảng cáo, các công trình xây dựng ngừng lại hết, nhìn những toà cao tầng nhà xây dở xám nghịt, im lặng. Mà chẳng phải Việt Nam, cả Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines cũng thế.
Bây giờ tuy khó khăn, nhưng mà ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nha Trang... các biển quảng cáo vẫn xanh, đỏ tím vàng rực rỡ, đan kín, dày đặc, các biển quảng cáo ở các thành phố lớn có ai dỡ đâu, các công trình xây dựng vẫn đang xây bình thường, nhiều dự án biệt thự, chung cư, nghỉ dưỡng ven biển vẫn đang xây, chào bán vẫn réo rắt suốt ngày, chẳng thấy chỗ nào bê tông xám xịt, công trình dừng lại không xây nữa cả. Rõ ràng khó khăn hiện tại chẳng thấm vào đâu so với năm 1997, thế nhưng kêu ca giờ quá nhiều.
Người lao động kêu ca chấp nhận được nhưng chủ doanh nghiệp, người có vị trí trong xã hội kêu ca, tôi thấy không được.
Xem thêm: mth.12644210031010202-om-ioc-hcac-nohc-iot-nen-noh-gnoc-hnaht-teiv-iougn-ueihn-gnom/nv.ymonocenv