"Ở thời điểm đặc biệt như hiện nay, không nên cứ phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao 3-4% vì so với các nước trong khu vực, Việt Nam cứ tăng trưởng dương đã là điểm sáng rồi, bởi số nền kinh tế tăng trưởng dương là rất ít. Không cần đặt mục tiêu "trời nắng" mà chỉ nên đặt mục tiêu "trời nhiều mây và không mưa".
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn ví von và nêu quan điểm trong câu chuyện với VnEconomy về kinh tế vĩ mô 9 tháng qua cũng như đưa ra những nhận xét cho thời gian tới.
Ông nói: Nền kinh tế 9 tháng qua đương nhiên là u ám rồi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như thế, cả thế giới u ám thì không thể nói mình tươi sáng được. Ai đó nói rằng Việt Nam " có nắng" thì quả là quá lạc quan. Ta chỉ u ám ít hơn so với u ám chung của thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập lớn, độ mở trên 200% GDP, nên không thể nói thế giới bị ảnh hưởng nặng nề mà mình không bị ảnh hưởng nhiều, mà phải khẳng định mình cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt là đợt bùng phát dịch bệnh mới đây cho thấy ta không thể vì có một số thành tựu ban đầu về kiểm soát dịch bệnh mà được chủ quan.
Một số tổ chức lớn đều đánh giá kinh tế thế giới năm nay có thể sẽ sụt giảm mạnh tới 5%, như IMF trong báo cáo tháng 6 cho là -4,9%, World Bank là -5,2%, OECD là -6%. Một số nền kinh tế lớn còn có thể âm tới 10-12% như Pháp, Ý, Tây Ban Nha. OECD còn có cách đánh giá thận trọng khi đưa ra các kịch bản khác nhau, cụ thể kịch bản làn sóng 2 lần (double-hit scenario - dịch bùng phát trở lại lần hai) và kịch bản single-hit scenario (dịch bùng phát một lần rồi hồi phục). Trên thực tế kịch bản làn sóng 2 lần đã trở thành hiện thực. Số lượng bệnh dịch đang bùng phát mạnh trở lại.
Tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy nếu theo kịch bản single-hit thì tăng trưởng của thế giới là âm 6% trong năm nay; và nếu theo kịch bản double-hit thì tăng trưởng của thế giới sẽ là âm 7,6%. Tất nhiên nếu có lần thứ 3 (triple-hit) thì còn tệ nữa. Lịch sử của đại dịch trong thế kỷ XIX đã từng cho thấy điều đó. Hiện nay, nhiều quốc gia đang chạy đua và đã tiến gần tới việc sản xuất ra vaccine nhưng cũng chưa thấy rõ tác động của việc này ra sao khi dịch bệnh lại có nhiều chủng loại khác nhau khá phức tạp.
Nói như thế để thấy rằng thế giới đang tiếp tục ở vào tình trạng rất bất định và triển vọng là rất u ám và khó đoán định.
Nhưng đã có một số đánh giá nền kinh tế Việt Nam 9 tháng qua với tốc độ tăng trưởng dương, thì vẫn chưa phải là điều tệ hại hay nói "có nắng" như ông vừa có đề cập?
Việc đánh giá xấu, tốt còn tùy thuộc vào tiêu chí nào, đứng ở đâu. Như tiêu chí tăng trưởng dương là một loại tiêu chí, hay tăng trưởng cao là một loại tiêu chí, hay giữ được tăng trưởng ổn định lại là một loại tiêu chí khác. Do vậy, cần phải rõ đứng trên tọa độ nào để có thể kết luận hoạt động đấy tốt hay xấu.
Tôi thì thiên về đánh giá dài hạn hơn. Quý 1 tăng bao nhiêu, quý 2 giảm bao nhiêu trong bối cảnh Covid này là quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Quan trọng nhất là mình nhìn thấy trong thứ khó đoán định như thế cơ hội gì để phục hồi và nền kinh tế sẽ phục hồi như thế nào, nên theo kịch bản và lộ trình ra sao. Tôi cho rằng mặc dù bối cảnh kinh tế hiện nay khó đoán định nhưng vẫn có tính quy luật đằng sau nó.
Nếu nghiên cứu có thể nhìn thấy trong lịch sử các cuộc suy thoái mà người ta đã quan sát từ cuối thế kỷ 19 thì ngoài những thập niên 1950 và 1960, còn lại là cứ một thập niên là hầu như có một cuộc suy thoái toàn cầu. Như vậy, ở đây nó có vấn đề của chu kỳ kinh tế. Thực ra vừa rồi chu kỳ kinh tế đang đi xuống, nếu không có Covid thì có thể có một suy thoái thường theo chu kỳ kinh tế. Đại dịch Covid này chỉ đẩy nhanh, làm cho chu kỳ kinh tế rõ hơn và tạo ra sự cộng hưởng nên làm tình hình trầm trọng hơn.
Chứ còn theo chu kỳ kinh tế, nền kinh tế đã đi xuống phải có đi lên, đó là quy luật. Hết mưa thì lại phải nắng thôi. Do vậy, cần phải nhận diện được đúng xu hướng để có giải pháp phù hợp thoát khỏi khủng hoảng.
Nhưng vì sao ông lại cho rằng đặt mục tiêu GDP tăng 3-4% trong năm nay (mục tiêu đã điều chỉnh sau khi có dịch Covid-19) lại quá cao?
Vì quý 1 tăng trưởng 3,82%, quý 2 chỉ có 0,36%, và quý 3 đạt 2,62%. Thực tế quý 1 còn bị ảnh hưởng tích cực của quý 4 năm 2019, quý 2 tụt xuống 0,36% như thế là thấy rõ có vấn đề nặng nề của dịch bệnh rồi. Bây giờ lại thêm đợt sóng thứ hai sẽ làm cho các trụ cột tăng trưởng tiếp tục bị lung lay thêm và yếu thêm.
Tôi cho rằng tác động của dịch Covid-19 là lâu dài cho nên các quý tiếp theo có thể có xu hướng còn giảm nặng nề hơn chứ không phải nhẹ đi. Do vậy không thể hy vọng quí 4 tăng trưởng phục hồi lại nhanh được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 9 tháng vừa qua bên cạnh 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, đã có 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 27.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Con số như thế là rất đáng báo động.
Theo tôi các doanh nghiệp còn khó khăn nhiều hơn nữa vì tác động của Covid-19 là lâu dài, các doanh nghiệp yếu thì "chết" trước, đến các quý sau thì đến lượt các doanh nghiệp khỏe hơn bắt đầu "chết".
GDP 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%. Tôi cho rằng quý 4 có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn vì lúc đó giải ngân các dự án đầu tư công đã phát huy tác dụng cho tăng trưởng, các kênh tăng trưởng khác như xuất khẩu và tiêu dùng cũng có thể có vai trò tích cực trong khôi phục tăng trưởng. Tuy nhiên trong bối cảnh thế giới còn chưa kiểm soát được dịch bệnh, nếu có ý định đặt mục tiêu 3-4% tăng trưởng cho cả năm là rất khó. Mình phải thực tế. Khi bối cảnh thế giới chưa có sáng sủa về kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế thì cỗ xe tam mã (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) để kỳ vọng khôi phục nhanh để đạt 3-4% là sẽ không đủ mạnh như chúng ta kỳ vọng.
Còn như kỳ vọng vào tín dụng và muốn tăng trưởng tín dụng hơn 10% nhưng 6 tháng đầu năm mới tăng được 2% thì kỳ vọng nhiều vào tín dụng cũng khó. Vấn đề là ta muốn đẩy nhanh nhưng ai vay, doanh nghiệp khi đã yếu, thị trường thu hẹp thì không có nhu cầu vay nhiều và không có nhu cầu vay để mở rộng sản xuất.
Trong khi, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng cao sẽ phải sử dụng quá sức các công cụ can thiệp và công cụ đòn bẩy, thì lại có thể có hệ lụy không hay về bất ổn vĩ mô như trong giai đoạn trước đã cho thấy. Quan điểm của tôi trong giai đoạn khó khăn như thế này thì cần phải có các mục tiêu và giải pháp đặc biệt, không nên đặt nặng vào mức tăng trưởng cao mà quan trọng là ổn định vĩ mô và bảo toàn được lực lượng doanh nghiệp.
Vậy GDP năm nay theo ông nên đặt mục tiêu là như thế nào? Vì sao tăng trưởng dương là đã tốt rồi?
Đó là trong kịch bản trung bình thế giới kiểm soát được dịch bệnh sớm, rồi bên trong khai thác được tốt nhất các nguồn lực, như đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công, kích thích được tiêu dùng trong nước, phục hồi được phần nào xuất khẩu nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh, đẩy mạnh được thực hiện đầu tư FDI. FDI của ta trong 9 tháng đầu năm thu hút hơn 19 tỷ USD vốn đăng ký thì bây giờ phải làm sao phải đẩy nhanh vốn thực hiện. Nông nghiệp là bệ đỡ tốt trong các cuộc khủng hoảng và các cú sốc từ bên ngoài, cần phải khai thác tốt bệ đỡ này.
Nhưng đấy là kịch bản tốt khi dịch bệnh được kiểm soát. Còn nếu lại rơi vào trường hợp làn sóng mới của dịch bệnh xẩy ra làm ta phải "đóng cửa", thực hiện giãn cách xã hội như quý 1 thì ngay cả mục tiêu tăng trưởng thấp như 2% cũng khó đạt được.
Trong dự báo năm nay của WB, Trung Quốc được cho là tăng trưởng dương 1-2% và nằm trong số rất ít nền kinh tế tăng trưởng dương. Như vậy, nếu Việt Nam có tăng trưởng dương tức là nằm trong số ít đó thì thế là đã quý rồi. Phần lớn các nước khác âm mà mình dương là sáng chói rồi. Được mức 2-2,5% thì càng quí.
Ở thời điểm đặc biệt như hiện nay không nên đặt nặng mục tiêu về tăng trưởng, mà chỉ cần làm thế nào giữ được ở mức độ dương, ổn định, đảm bảo ổn định vĩ mô, làm sao để nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường và đặc biệt làm sao giúp các doanh nghiệp tồn tại, duy trì được lực lượng thì đấy mới là mục tiêu quan trọng nhất. Không có quân thì sau này không đi đánh trận được.
Thông thường tăng trưởng cao không phải là mục tiêu thật cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng hay những cú sốc lớn từ bên ngoài. Ít khi người ta đặt ra vấn đề về tăng trưởng cao, mà chỉ chú ý đến làm thế nào để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Giống như khi có cơn bão đến thì làm sao chằng chống, giữ được cho nhà cửa và người cho an toàn, còn mở rộng và làm đẹp nhà để tính sau, khi nào bão qua.
Do đó, tôi nghĩ, chỉ cần có quan điểm tăng trưởng dương, nếu được 2-2,5% cũng đã là tốt, không nên đặt quá cao. Chứ vì mục tiêu tăng trưởng cao lại phải có sức ép mở cửa nền kinh tế có khi còn làm cho dịch bệnh quay trở lại thì lúc đó tăng trưởng dương có khi cũng trở thành mục tiêu khó.
Ở trên ông có đề cập nếu dựa vào cỗ xe tam mã (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa) thì khó có thể có đóng góp để đảm bảo cho tăng trưởng 3-4% như kỳ vọng, ông có thể nói cụ thể hơn được không?
Hiện Chính phủ có chính sách để đảm bảo mục tiêu kép, thứ nhất để kiểm soát dịch bệnh - cái này ta làm tốt và được thế giới khen ngợi, thứ hai là khôi phục kinh tế. Khôi phục kinh tế thì phải dựa vào cỗ xe tam mã gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nhưng khi rà soát lại những trụ cột mà ta có thể dựa vào thì thấy các trụ cột này đang yếu, khó có thể phục hồi mạnh mẽ ngay được.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt khoảng 202 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 72 tỉ USD, tăng 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu thì khu vực FDI vốn là khu vực đóng góp nhiều nhất về xuất khẩu thì lại bị giảm mạnh, chuỗi giá trị toàn cầu đang bị đứt gãy, như thế thì xuất khẩu của khu vực này năm nay sẽ khó để đóng góp tốt cho tăng trưởng.
Nhiều người cho rằng các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) sẽ là cơ hội lớn - điều này đúng nhưng chỉ đúng sau khi đã kiểm soát dịch bệnh và cũng phải mất thời gian để chuyển đổi bên trong. Bản thân doanh nghiệp phải có sự thay đổi mà đôi khi thay đổi cả công nghệ. Do vậy, kể cả khi ta đã có EVFTA được thông qua thì ngay trong năm nay xuất khẩu chưa thể khởi sắc ngay và trở thành cứu cánh ngay được.
Chưa kể xuất khẩu còn phải phụ thuộc vào thu nhập của bên ngoài, rồi một loạt các vấn đề của thị trường bên ngoài, tăng trưởng của người ta cũng đi xuống, thu nhập giảm, cầu xuất khẩu giảm, đơn đặt hàng giảm. Hiện chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thấp, thậm chí có lúc rất sâu, khoảng 34-35. Điều đó có nghĩa là tăng xuất khẩu ra thế giới không dễ như mình mong muốn. Do vậy, trao cho xuất khẩu vai trò cứu cánh là khó.
Về đầu tư thì phải đề cập đến FDI và đầu tư trong nước. Đối với thu hút FDI, 9 tháng đầu năm đạt hơn 19 tỷ USD nhưng đấy chỉ là đăng ký, còn thực hiện trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Do vậy, tăng trưởng mà kỳ vọng vào trụ cột của FDI cũng sẽ là khó.
Thêm vào đó, trong bối cảnh có "bão" thì thông thường các nhà đầu tư mang vốn của mình đi giấu ở đâu đó cho an toàn, đó là tâm lý. Không có chuyện họ mang tiền đầu tư ngay vào Việt Nam mà không ngó nghiêng, cân nhắc kỹ. Kể cả khi họ có dự định tái cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu, rút từ Trung Quốc sang thì cũng không hề dễ như chúng ta tưởng vì nó còn liên quan nhiều khâu và sẽ mất thời gian. Theo một điều ra gần đây, chỉ có khoảng 20% các DN FDI có ý định rút ra khỏi Trung Quốc. Do vậy mình không nên quá kỳ vọng vào làn sóng FDI sẽ ồ ạt rút khỏi Trung quốc và đổ sang các nước láng giềng. Và nếu xảy ra thì cũng không xảy ra trong thời gian trước mắt.
Đầu tư của khu vực tư nhân cũng sẽ khó vì niềm tin của nhà đầu tư đang đi xuống, ít ai lại mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh để chịu nhiều rủi ro tăng lên. Như vậy kênh từ đầu tư là sẽ không hy vọng được nhiều.
Có lẽ chỉ có đầu tư công là trụ cột quan trọng nhất chúng ta có thể hy vọng. Thủ tướng và Chính phủ đã rất quyết liệt để gỡ những hạn chế và ràng buộc liên quan đến đầu tư công nhằm đẩy nhanh và tạo động lực cho tăng trưởng, tuy nhiên đầu tư công ở ta lại quá nhiều thủ tục, từ phê duyệt quyết định đầu tư, đến các vấn đề cụ thể như xác định khối lượng, xây dựng dự toán, đấu thầu, … đều phải tuân thủ theo đầy đủ các quy định, không thể làm khác được cho nên chậm. Nhiều lãnh đạo bộ ngành và địa phương lại có tâm lý e ngại khi muốn đẩy nhanh đầu tư công vì sợ làm sai phải chịu tránh nhiệm về pháp luật. Đây là điểm nghẽn khá lớn trong bối cảnh cần phải đẩy mạnh trụ cột đầu tư công cho tăng trưởng.
Với tiêu dùng nội địa – trụ cột quan trọng ta cũng có thể có nhiều cơ hội để dựa vào nhưng trong bối cảnh suy thoái và có các cú sốc bên ngoài thì tâm lý của người tiêu dùng là sẽ giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm như là tấm đệm để đối phó với bất ổn. Vì vậy cũng không thể dễ dàng để kích cầu, khuyến khích chi tiêu mạnh. Nhất là khi dịch bệnh mới bùng phát lại thì kích cầu nội địa trong đó có du lịch là sẽ rất khó.
Tình hình này là chung thôi. Như Thái lan, nước gần ta, năm 2020 dự báo họ cũng có xuất khẩu giảm mạnh tới 11%, khách du lịch nước ngoài giảm chỉ còn 6,8 triệu lượt người so với khoảng 40 triệu lượt khách nước ngoài năm 2019. Vì thế tăng trưởng của Thái lan dự báo âm tới mức kỷ lục là 8.5%. Do đó, Việt Nam cũng không thể như ngoại lệ được.
Vì vậy, có thể thấy, các trụ cột cho tăng trưởng của ta đều khá yếu chứ không mạnh như chúng ta có thể kỳ vọng. Nhưng như thế không có nghĩa là không có cơ hội lớn. Theo tôi, covid-19 mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Cơ hội lớn nhất là làm thay đổi về tư duy. Ta có thể thấy, Covid-19 làm nảy sinh nhiều ý tưởng mới trong sản xuất, kinh doanh, trong hoạt động và tương tác giữa con người và con người, giữa chính phủ và con người. Trên thế giới, nhiều công ty đã phá sản nhưng có nhiều công ty (nhất là công ty công nghệ) có vốn hóa vẫn tăng lên ào ào làm nảy sinh các tỷ phú siêu giàu mới vì đã biết tận dụng lợi thế của công nghệ số. Ngay trong một ngành, ví dụ như ngành may, sản phẩm quần áo có thể bị đình trệ, nhưng khẩu trang lại lên ngôi. Các ngành y dược nhất là sản xuất vaccine và thuốc chữa covid vớ bẫm với những đơn đặt hàng khổng lồ từ các nước giàu. Vì thế mà người ta nói tăng trưởng bây giờ là theo hình chữ K chứ không phải chữ V hay chữ W.
Trong bối cảnh như thế, đổi mới tư duy, tiếp cận những mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế có hàm lượng khoa học công nghệ nhiều hơn, rồi có cách làm mới, tạo ra mô hình kinh doanh mới và làm phát huy được nội lực và các yếu tố lợi thế của quốc gia và đi nhanh hơn vào kinh tế số, cái đấy tôi cho là quan trọng nhất. Trước đây không lâu, không ai có thể nghĩ rằng nghề giao hàng hay vận tải công nghệ lại có thể phát triển bùng nổ như hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh.
Cần phải bỏ tư duy rằng do xuất phát điểm của mình thấp nên mình lúc nào cũng phải đi sau những nước trong khu vực hay trên thế giới. Với đại dịch Covid này sẽ có nhiều cơ hội để nhiều nước đi sau có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước đi trước. Đôi khi ở một số lĩnh vực, thậm chí các nước này có thể đặt mình vào cùng một vạch xuất phát trong cuộc thi chạy marathon với các quốc gia đi trước mình. Như với chuyển đổi số, chuyển sang nền tảng công nghệ 5G… về cơ bản đã đặt chúng ta cùng ở một vạch xuất phát của cuộc thi chạy với thế giới.
Theo tôi đây là cơ hội vàng cho Việt Nam. Vì Việt Nam có dân số đông, lại có tỉ lệ dân số trẻ cao, tỉ lệ phụ thuộc thấp, tức có cấu trúc dân số vàng, tiếp cận tốt với Internet và công nghệ thông tin do đó có thể nói Việt Nam có một lợi thế rất lớn trong ứng dụng khoa học cộng nghệ, tiếp cận nền kinh tế số, chuyển đổi số,...
Tôi cho rằng nếu ta có tư duy mới, tinh thần sáng tạo, tinh thần quyết liệt và chính phủ có chính sách kiến tạo tốt thì chúng ta có thể có nhiều thành công theo hướng này và như thế sẽ tạo ra những trụ cột mới cho cải thiện năng suất và cho tăng trưởng bền vững.
Những lĩnh vực này mà phát triển mạnh thì có thể có sự lan tỏa sang cả nền kinh tế nói chung. Chuyển đổi số bây giờ sẽ đòi hỏi phải có cả một hệ sinh thái số, thay đổi hầu hết từ tư duy, cách nghĩ đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cả từ lãnh đạo, doanh nghiệp đến người dân. Cần phải có đủ cả chính phủ số, doanh nghiệp số và công dân số. Nếu mình đẩy nhanh lĩnh vực này thì đây là con đường tốt nhất để chớp lấy cơ hội vàng cho Việt Nam để thực hiện được các hoài bão và khát vọng vươn lên và đuổi kịp. Tận dụng cơ cấu dân số vàng - mà cái này mình chỉ có trong khoảng 10-15 năm nữa thôi – và cơ hội của đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có lẽ là hai cơ hội vàng của Việt Nam.
Nhìn bên trong bão thấy có những tàn phá lớn nhưng cũng thấy le lói tiềm ẩn nhiều cơ hội tốt để vượt lên sau bão.
Xem thêm: mth.64724411031010202-ior-tot-al-ad-gnoud-gnourt-gnat-yan-man-pdg/nv.ymonocenv