Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ đã được hoàn thành, trước thềm kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, bắt đầu từ 20/10.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đi vào thực chất hơn, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tạo ra được các chuyển biến rõ nét, Chính phủ khái quát.
5 MỤC TIÊU QUAN TRỌNG VƯỢT XA
Triển khai Nghị quyết 24 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27, giao 108 nhiệm vụ cụ thể cần thực thi cho các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã dồn sức nghiên cứu, soạn thảo nhiều văn bản pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế và tạo khung pháp lý cho quá trình cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế gắn với đổi mới sâu rộng mô hình tăng trưởng, đặc biệt là tập trung xử lý các vấn đề lâu nay còn yếu kém.
Đến 31/7/2020, tất cả các nhiệm vụ đã được triển khai, trong đó 37,96% nhiệm vụ đã có kết quả rõ ràng, 59,26% nhiệm vụ đã có kết quả bước đầu, và chỉ có khoảng 3,70% số nhiệm vụ đã triển khai nhưng vẫn còn chậm so với kế hoạch.
Báo cáo cũng chỉ rõ điểm khác biệt đáng lưu ý so với giai đoạn trước là giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã xác định và cụ thể hóa hàng loạt các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có rất nhiều các mục tiêu định lượng, nhờ đó có thể giám sát được tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ bên cạnh việc thường xuyên đôn đốc, đánh giá.
Kết quả sơ bộ cho thấy phần lớn các mục tiêu của Nghị quyết 24 đều đã hoàn thành (14 mục tiêu) và dự kiến hoàn thành (1 mục tiêu), đạt 68,2%. Đáng chú ý, có 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra.
Một, quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 56-57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 65% GDP.
Hai, quy mô nợ chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%.
Ba, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,9% năm 2016, và ước năm 2020 còn 33,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%.
Bốn, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 43,16%, vượt xa so với mục tiêu 30%-35% được đề ra trong Nghị quyết.
Năm, dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.
NỢ XẤU CÓ THỂ GIA TĂNG
Trong 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành (31,8%), Chính phủ trình bày: có 2 mục tiêu là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (mục tiêu số 1) và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (mục tiêu số 14) đến năm 2019 đã hoàn thành.
Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 ngay từ đầu năm 2020 làm cho sản xuất bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ sụt giảm, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, thu ngân sách nhà nước có thể giảm trong khi chi ngân sách nhà nước tăng do phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ đó dẫn đến 2 mục tiêu này chuyển thành có khả năng không hoàn thành.
Thuyết minh cụ thể, Chính phủ nêu rõ, theo nghị quyết 24 của Quốc hội, mục tiêu giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5%.
Kết quả thực hiện, bội chi giảm về số tuyệt đối trong cả 03 năm 2017-2019, tổng số giảm so với dự toán là 66,3 nghìn tỷ đồng, năm 2019 là 3,4% GDP, dự toán năm 2020 là 3,44%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 nên khả năng khó có thể đạt được mục tiêu như dự toán.
Chi tiết hơn, trong báo cáo mới hơn được gửi đến Quốc hội, Chính phủ dự tính trường hợp rủi ro không thu được 38,5 nghìn tỷ đồng tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của ngân sách trung ương, thì bội chi năm 2020 khoảng 357,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% GDP.
Với mục tiêu số 14 (đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%) Chính phủ trình bày: tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến thời điểm 31/5/2020 của các tổ chức tín dụng là 1,86%, tăng so với mức 1,63% cuối năm 2019 nhưng giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016, mức 1,99% cuối năm 2017, mức 1,91% cuối năm 2018.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và các ngành lĩnh vực trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cho rằng mục tiêu này cần được tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn sau 2020.
Vẫn trong lĩnh vực ngân hàng, mục tiêu số 15 được cho là hoàn thành, đó là phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.
Báo cáo nêu: theo số liệu của IMF, có thế thấy lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 năm 2019 khoảng 6,2%/năm, ASEAN-4 khoảng 5,34%; Việt Nam 7,7%/năm.
Như vậy, lãi suất cho vay của Việt Nam chỉ cao hơn khoảng 1-2%/năm so với các nước phát triển nhất ASEAN (có khác biệt lớn về vĩ mô, cấu trúc thị trường tài chính). Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (10,37%) và Myanmar (15,75%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình; riêng lãi suất cho vay của Singapore ở mức 5,25% tương đương với lãi suất cho vay áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tại Việt Nam.
Nhìn tổng thể các hạn chế, Chính phủ cho rằng cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành theo mục tiêu kế hoạch (mục tiêu đề ra là hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác).
Việc không hoàn thành mục tiêu không những làm giảm thành quả của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế mà còn trở nên khó khăn hơn trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Xem thêm: mth.12140811221010202-91-divoc-iv-neh-ol-ued-uax-on-ihc-iob-uac-oc-iat-man-5/nv.ymonocenv