Đề án Thành phố thông minh (TPTM) của Bình Dương được UBND tỉnh phê duyệt ngày 21-11-2016. Đề án là chương trình toàn diện nhằm tăng tốc kinh tế - xã hội Bình Dương, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc giai đoạn 2016-2020 và tạo đà bứt phá trong giai đoạn 2021-2025.
Để xây dựng thành công đề án này, mô hình “ba nhà” (nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp) được coi là xương sống. Đề án đã đặt con người và tri thức làm trọng tâm, nhằm hướng đến kết quả là năng lực và cuộc sống của từng người dân sẽ được nâng cao và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề án Thành phố thông minh của Bình Dương đã đặt con người và tri thức làm trọng tâm phát triển. Trong ảnh: Người dân được cán bộ hướng dẫn tận tình khi đến Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương. Ảnh: LÊ ÁNH
Công nhân ổn định cuộc sống
Chính vì đặt yếu tố con người làm trọng tâm phát triển nên Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, nhà ở… nhằm phục vụ người dân cũng như công nhân đang làm việc tại tỉnh. Trong đó có việc xây các khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, và đây cũng là địa phương duy nhất cho đến nay đã xóa hết hộ nghèo.
Có mặt tại khu nhà ở an sinh xã hội Hòa Lợi (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một), chúng tôi thấy toàn bộ các căn hộ tại đây đã được người dân vào ở. Mỗi căn hộ ở đây có giá từ 90 triệu đến khoảng hơn 500 triệu đồng. Người lao động chỉ cần bỏ ra khoảng 10 triệu đồng ban đầu là có thể sở hữu một căn hộ, số tiền còn lại có thể trả góp trong vòng bảy năm.
Vợ chồng chị Trần Thị Khuyết (31 tuổi, quê Thanh Hóa) đã hơn 10 năm làm công nhân ở Bình Dương. Trước kia, vì ở phòng trọ chật hẹp nên vợ chồng chị phải gửi con ở quê cho ông bà chăm sóc. Vài năm trước, anh chị may mắn mua trả góp được một căn hộ tại khu nhà ở an sinh xã hội Hòa Lợi nên quyết định đón con vào để được gần bố mẹ, cuộc sống gia đình cũng dần ổn định hơn.
“Với đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống nên tôi cũng chỉ mong mình sẽ có một căn nhà ở Bình Dương. Giờ đây, mong muốn ấy đã trở thành sự thật rồi” - chị Khuyết vui mừng chia sẻ.
Không chỉ riêng gia đình chị Khuyết mà hàng ngàn người lao động từ các tỉnh về Bình Dương làm việc và sinh sống đã sở hữu được căn hộ giá rẻ. Điều này giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với tỉnh Bình Dương.
Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp đang từng bước xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho việc phát triển thành phố thông minh. Ảnh: LÊ ÁNH
Kích thích năng lực sáng tạo
Theo ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Ban điều hành TPTM Bình Dương, những gì Bình Dương đang làm đều hướng đến xây dựng TPTM, gia tăng giá trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ngoài việc ứng dụng công nghệ thì con người chính là trọng tâm của toàn đề án.
“Để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao phải trải qua quá trình đào tạo lâu dài và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các nguồn nhân lực ở mỗi lĩnh vực lại có cách đào tạo khác nhau. Cụ thể, công nhân thì tập trung vào đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ; sinh viên thì phải kết nối được với doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra” - ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, điều trước hết là phải lo được nhà ở, nơi sinh hoạt cho cộng đồng người lao động, tạo cuộc sống ổn định bền vững. Ngoài ra, phải tổ chức các vườn ươm khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình …
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, cho biết nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đơn vị đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiệm vụ chính của trung tâm là phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp, từng bước xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển TPTM.
“Chúng tôi chú trọng đến các hoạt động thực tế kích thích sáng tạo của từng cá nhân. Ở mỗi nhóm đối tượng khác nhau, chúng tôi sẽ lên những chương trình đào tạo cho phù hợp. Thông qua các hoạt động tại trung tâm sẽ giúp nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng” - ông Cường cho biết thêm.
Mới đây, Bình Dương cũng tổ chức hội nghị báo cáo đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Ý tưởng vùng đổi mới sáng tạo là sự tiếp nối đề án xây dựng TPTM, tiếp tục hoàn thiện mô hình “Ba nhà”, gắn kết các bên, huy động nguồn lực toàn xã hội và hoàn thiện bộ máy chính quyền.
Kinh tế tăng trưởng mạnh Từ năm 2016, Bình Dương chính thức công bố đề án Thành phố thông minh (TPTM), hợp tác cùng thành phố kết nghĩa Eindhoven - Hà Lan. Đề án TPTM đã đột phá toàn diện vào cả công nghệ lẫn phi công nghệ, tập trung nâng cao hàm lượng tri thức, sáng tạo trong đời sống và kinh tế.
Với mục tiêu dài hạn là phấn đấu Bình Dương đưa trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân những nhân tài khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế. Sau gần bốn năm xây dựng và phát triển TPTM, số lượng doanh nghiệp trong tỉnh từ đầu năm 2016 đến tháng 3-2020 tăng hơn gấp đôi (từ trên 20.000 lên gần 44.000). Nhiều chương trình ứng dụng khoa học công nghệ đã đi vào đời sống như trung tâm hành chính tập trung hiện đại; hệ thống thông tin địa lý GIS với dữ liệu số hóa bản đồ quy hoạch trên toàn tỉnh… Ngoài ra, Bình Dương còn triển khai thành công tổng đài 1022 và hệ thống mạng xã hội (zalo, facebook) để người dân kết nối trực tiếp với chính quyền 24/7. Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng sáu tháng đầu năm 2020, tỉnh Bình Dương đã thu hút thêm 853 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, toàn tỉnh có 3.852 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 35 tỉ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. ........................................................ 5 chương trình đột phá của Tỉnh ủy Bình Dương (2016-2020) - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. - Quy hoạch phát triển đô thị văn minh giàu đẹp. - Phát triển dịch vụ hàm lượng tri thức cao tác động đến công nghiệp theo hướng công nghệ cao. - Huy động các nguồn lực để phát triển. - Nâng tầm quốc tế thương hiệu Bình Dương. |