vĐồng tin tức tài chính 365

Cuộc chuyển biến lớn dưới "bóng đen" Covid-19: Sự trở lại của người hùng đã bị lãng quên

2020-10-13 13:18

Chính sách tài khóa – thứ mà nhiều nước trên thế giới đã không còn coi là cỗ máy tạo ra tăng trưởng kinh tế vì những bài học rút ra sau tình trạng lạm phát trong những năm 1970 – giờ lại đang đứng đầu mặt trận trong cuộc chiến chống Covid-19. Các chính phủ trợ cấp lương, phát tiền mặt cho các hộ gia đình và bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp. Hệ quả là thâm hụt ngân sách đã tăng lên mức cao kỷ lục. Kỳ lạ là phương thức tiếp cận này đang được các chuyên gia kinh tế dần dần ủng hộ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến thế giới chìm trong 1 thập kỷ tiếp theo chỉ có thể tăng trưởng rất ì ạch.

Chi tiêu công cũng đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tạo ra đà phục hồi bền vững cho nền kinh tế. Và khi số tiền cạn kiệt – như Mỹ trong tuần trước, các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng.

Các biện pháp này sẽ kéo dài bao lâu, thách thức lớn nhất đối với các chính trị gia phụ trách ngân hàng trung ương là gì sẽ là chủ đề chính của cuộc họp do IMF tổ chức sẽ diễn ra trong tuần này. Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như trở ngại chính dành cho họ lại là quan điểm của chính họ về nợ, trong bối cảnh các rào cản truyền thống đang dần biến mất.

Các thị trường tài chính đang sẵn sàng cho nhà đầu tư vay tiền với mức lãi suất rất rẻ. Trong ngắn hạn, nỗi lo của các nhà đầu tư là các chính trị gia sẽ khiến đà hồi phục kinh tế bị chặn đứng vì chi tiêu quá chậm chạp. JPMorgan dự đoán rằng năm nay các gói kích thích tài khóa mà các nước bơm vào kinh tế toàn cầu sẽ khiến tốc độ tăng trưởng năm 2021 bị giảm 2,4 điểm phần trăm, sau khi các chương trình trợ cấp hết hạn.Đối với chính sách tiền tệ cũng có nỗi lo tương tự. Mặc dù sự độc lập của các NHTW là để thúc đẩy mọi thứ khi chính sách tài khóa phản ứng quá chậm chạp, do cạn kiệt công cụ để kích thích nền kinh tế khi mà lãi suất ở nhiều nơi đang ở mức gần 0 hoặc thậm chí là âm, các NHTW hiện đang làm điều ngược lại. Họ kêu gọi thâm hụt ngân sách nhiều hơn, mua vào 1 lượng chứng khoán nợ khổng lồ và hứa hẹn sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong tương lai.

"Chính sách tài khóa hiện là trò chơi lớn nhất", Stephen King – cố vấn kinh tế cao cấp của ngân hàng HSBC nhận định. "Là 1 lãnh đạo NHTW, bạn phải chấ nhận sự thực rằng bạn đã để mất một chút quyền lực vào tay giới chính trị gia".

Sở dĩ kích thích tài khóa đóng vai trò quan trọng hơn so với chính sách tiền tệ là bởi chúng có thể bơm tiền trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời chính sách tài khóa cũng phù hợp hơn trong việc cứu trợ cho những ai cần kíp nhất trong 1 cuộc khủng hoảng (ví dụ như người thất nghiệp). Các NHTW chỉ có thể tiếp thêm sức mạnh chi tiêu cho người tiêu dùng thông qua những kênh gián tiếp như tác động vào chi phí đi vay trên hệ thống ngân hàng hoặc từ thị trường tài chính.

Nhưng chí ít thì họ cũng có thể hành động 1 cách nhanh nhẹn và quyết đoán. Ngược lại, chính sách tài khóa có thể trở nên hỗn loạn và thường xuyên gặp phải các rào cản chính trị - như ở Mỹ hiện nay. Đã nhiều tháng trôi qua, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đồng tình rằng cần phải tăng chi tiêu ngân sách nhưng không thể đồng thuận con số là bao nhiêu hoặc dưới dạng nào, và kết quả là vẫn chưa có thêm gói kích thích nào được tung ra.

Kể cả nếu Mỹ không đạt được 1 thỏa thuận tài khóa trước khi cuộc bầu cử diễn ra, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs và các ngân hàng khác vẫn dự báo sau bầu cử Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp hỗ trợ tài khóa.Tổng thống Trump đang hứa hẹn sẽ giảm thuế nhiều hơn nếu ông chiến thắng. Trong khi đó đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ - người đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò – đã vạch ra chương trình chi tiêu trị giá 3.500 tỷ USD và phát tín hiệu rằng ông sẽ không đi theo quan điểm nền kinh tế sẽ hoạt động trơn tru hơn nếu chính phủ ít can thiệp hơn.

Ở châu Âu, nơi tâm lý thận trọng về chính sách tài khóa có nguyên nhân sâu xa từ nỗi sợ nợ và lạm phát của người Đức, đầu năm nay các nhà lãnh đạo đã có 1 bước tiến lớn tới ngân sách chung – ý tưởng đã có từ lâu nhưng vẫn bị khước từ. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do NHTW châu Âu (ECB) đã cạn kiệt khả năng hỗ trợ nền kinh tế.

Trong khi đó ở Nhật Bản, tân Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định Nhật sẽ chỉ giảm nợ sau khi kinh tế tăng trưởng trở lại, đồng thời phát tín hiệu rằng không có giới hạn nào cho việc chính phủ của ông có thể đi vay bao nhiêu.

Nhật là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới trong thời hiện đại áp dụng chính sách lãi suất gần 0, sau khi bong bóng tín dụng vỡ tung khoảng 3 thập kỷ trước. Chính sách tiền tệ do đó có rất ít khả năng kích thích tăng trưởng bằng cách làm giảm chi phí đi vay vì các hộ gia đình và doanh nghiệp vẫn không muốn vay thêm. Đó chính là dấu hiệu cảnh báo sớm cho việc các NHTW trên thế giới mất đà và chính sách tài khóa sẽ quay trở lại.

Sau năm 2008, phần lớn các nền kinh tế phát triển rơi vào tình trạng tương tự. Không thể hạ lãi suất ngắn hạn, các NHTW cố gắng kiềm chế chi phí đi vay dài hạn bằng cách ồ ạt mua chứng khoán – hầu hết là nợ công. Điều này khiến họ phải đối mặt với những chỉ trích mới. "Mua tài sản có những tác dụng phụ cả về chính trị và phân phối. Chúng ta phải bước ra khỏi thế giới nơi các NHTW được coi là giải pháp để bước vào thế giới mà chính phủ và chính sách tài khóa sẽ đứng mũi chịu sào", Charlie Bean – cựu phó Thống đốc NHTW Anh nói.

Các chính phủ cũng đã tăng chi tiêu đẻ phản ứng với cuộc khủng hoảng 2008. Hiện các chuyên gia kinh tế đang dần đồng thuận rằng họ chuyển sang thắt lưng buộc bụng quá sớm, khiến tăng trưởng kinh tế bị kìm kẹp suốt 1 thập kỷ trước khi Covid-19 ập đến.

Sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930, chủ nghĩa kinh tế học Keynes đã trở thành "kim chỉ nam" cho hầu hết các chính phủ phương Tây, những người sử dụng ngân sách để kích cầu và tạo ra việc làm. Tuy nhiên câu chuyện thay đổi vào những năm 1970, khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cùng tăng cao, quyền lực lại tập trung vào tay các NHTW. Sự thay đổi tiếp theo đến vào đầu những năm 1980, khi Chủ tịch Fed khi đó là ông Paul Volcker liên tục tăng lãi suất và ghìm cương được lạm phát.

Tuy nhiên Catherine Mann, chuyên gia kinh tế trưởng của Citigroup, cho rằng những phản ứng chính sách với Covid-19 chưa đủ tính cách mạng. Để điều đó xảy ra, các chính phủ cần phải bắt đầu sử dụng chính sách tài khóa không chỉ với mục đích ngắn hạn như "giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng" mà cần theo đuổi những mục tiêu dài hạn như giảm chênh lệch giàu nghèo hay giảm khí thải carbon.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy một số nước đang đi theo con đường đó. Một số chương trình phục hồi ở châu Âu đặt mục tiêu tạo việc làm và môi trường bền vững làm trọng tâm. Ông Biden cũng hứa hẹn thực hiện chương trình năng lượng xanh trị giá 2.000 tỷ USD nếu đắc cử.

Và trong giới kinh tế học, trường phái mới Lý thuyết tiền tệ hiện đại – cho rằng chính phủ luôn có dư địa để chi tiêu khi lạm phát thấp – đang được chú ý nhiều hơn bao giờ hết.

Theo Paul McCulley, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư PIMCO, đáng lẽ những thay đổi như hiện nay phải xảy ra từ sau khủng hoảng tài chính cách đây 1 thâp kỷ. Khi đó nỗi lo sợ về nợ và thâm hụt đã cản bước chính sách tài khóa nhưng giờ thì điều đó không còn nữa. 'Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của chính sách tài khóa".

Tham khảo Bloomberg

Xem thêm: nhc.79314900131010202-neuq-gnal-ib-ad-gnuh-iougn-auc-ial-ort-us-91-divoc-ned-gnob-ioud-nol-neib-neyuhc-couc/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cuộc chuyển biến lớn dưới "bóng đen" Covid-19: Sự trở lại của người hùng đã bị lãng quên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools