Trong tháng 9, sau khi các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu có hiệu lực thì tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ giảm mạnh chỉ bằng ¼ so với tháng trước đó.
Theo số liệu vừa được Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố, trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ là 10.900 tỉ đồng, chỉ bằng ¼ so với tháng trước đó, với 27 đợt phát hành của 14 doanh nghiệp. Kỳ hạn phát hành trải dài từ 2 năm đến 15 năm với kỳ hạn phát hành bình quân là 5,8 năm. Trái phiếu kỳ hạn 3 năm có giá trị phát hành lớn nhất, đạt 7.425 tỉ đồng, chiếm 68,1% tổng giá trị phát hành.
Về cơ cấu thị trường trái phiếu phát hành theo loại hình doanh nghiệp, tổng giá trị phát hành của các tổ chức tín dụng vẫn đứng đầu, đạt 8.490 tỉ đồng, chiếm 77,85% tổng giá trị phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, con số này đã giảm so với tháng trước đó 42%. Trong 9, các công ty bất động sản phát hành trái phiếu nhiều thứ hai sau các tổ chức tín dụng với tổng giá trị phát hành đạt mức 1.929,5 tỉ đồng, chiếm 17,69%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, thị trường trái phiếu Việt Nam có 1.089 đợt phát hành của 175 doanh nghiệp với giá trị phát hành đạt 290.308 tỉ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,0 năm. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành nhiều nhất với 78.486 tỉ đồng sau 9 tháng năm 2020.
Đây là điều được dự báo trước khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 9. Trong đó, có một số điểm mới về điều kiện phát hành trái phiếu và việc công bố thông tin phát hành như dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quý gần nhất. Nghị định mới cũng đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ khi nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ nhằm hạn chế hoạt động phát hành quá mức cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của các bên tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lo lắng chính là nguy cơ rủi ro thanh khoản đến từ lượng trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản đã phát hành trước đó. Theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên phân tích của CTCK VCSC, về cơ bản, trái phiếu bất động sản khá rủi ro đối với người mua. Và điều đáng lo ngại đó là nhìn chung những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều hoạt động ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch. Đây là phân khúc đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vì đại dịch COVID-19. Và rủi ro là khi thị trường không thuận lợi, không khai thác được tài sản thì tài sản đó cũng mất giá. Đồng thời, dòng tiền của doanh nghiệp rơi vào thế kẹt thì lấy tiền đâu mà trả cho người mua. Để tạo hấp dẫn cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp thường đưa ra lãi suất cao.
Đã từng có doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất 18%. Lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Hãy thử đặt câu hỏi tại sao lãi suất vay của ngân hàng đang ở mức chỉ khoảng 10% nhưng doanh nghiệp phải đi phát hành trái phiếu huy động với mức cao hơn nhiều như vậy? Câu trả lời đơn giản là tài sản họ đem đảm bảo không đủ điều kiện khiến ngân hàng xuất tiền nên phải dùng chiêu khác để huy động vốn. Đó là điều mà các nhà đầu tư phải thật sự quan tâm, ông Phương nêu quan điểm.
Xem thêm: odl.365448-iougn-uad-tab-ueihp-iart-iohc-couc/et-hnik/nv.gnodoal