Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 18 giờ ngày 13-10, miền Trung có 30 người chết, 14 người mất tích và 22 người bị thương do lũ.
Mưa lũ cũng khiến hàng trăm ngôi nhà hư hại và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị ngập nước; quốc lộ, tỉnh lộ ở nhiều nơi bị sạt lở, giao thông bị ách tắc, rất nhiều nơi bị cô lập.
Thủ tướng liên tiếp ban hành công điện ứng phó bão, lũ
Trước tình hình mưa lũ, trong ngày 12 và 13-10, Thủ tướng liên tiếp có công điện yêu cầu các cơ quan khẩn trương tập trung chỉ đạo các lực lượng, phương tiện cần thiết, phù hợp để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn kịp thời các nạn nhân bị vùi lấp; lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, phương tiện và khẩn trương khắc phục sự cố; rà soát, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi...
Các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Phú Yên, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và các bộ, ngành liên quan tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới.
Hiện có bốn tỉnh bị thiệt hại lớn tại miền Trung đề nghị được hỗ trợ khẩn cấp. Cụ thể, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia.
Trong đó, Quảng Bình đề nghị được hỗ trợ 3.000 tấn gạo. Quảng Trị 1.500 tấn gạo và 1,5 tấn lương khô. Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn gạo, 2 tấn lương khô và 10.000 thùng mì tôm. Quảng Nam 1.000 tấn gạo, 2 tấn lương khô và 10.000 thùng mì tôm.
Các tỉnh trên cũng đề nghị được hỗ trợ các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn.
Lực lượng quân đội mang mì tôm cứu trợ người dân “rốn lũ” Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Ảnh: N.DO
Nhiều nơi còn chìm trong nước
Tại Thừa Thiên-Huế, mưa lũ những ngày qua đã khiến 6 người thiệt mạng, 3 người mất tích và 7 người bị thương. Tỉnh đang tiếp tục hứng những đợt mưa to đến rất to trên diện rộng. Nước trên sông Hương, sông Bồ xấp xỉ và trên báo động 3. Hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện ngập sâu, giao thông ách tắc.
Huyện Phú Vang, toàn bộ diện tích hồ nuôi trồng thủy sản đều bị ngập. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và một số khu vực của TP Huế bị mất điện. Các lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán tại chỗ 35.530 người đến nơi an toàn.
Tại Thanh Hóa, ngoài việc khắc phục lũ, tỉnh cũng đang đối phó với bão số 7 dự báo sẽ ập tới.
Tỉnh này có 610 hồ đập lớn nhỏ nhưng có tới 78 hồ chứa không bảo đảm an toàn. Tỉnh đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn. Ở Quảng Trị, lũ trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu đang xuống chậm sau khi đạt đỉnh trên báo động 3.
Hiện nay, ngập lụt vẫn diễn ra trên diện rộng, nhất là “rốn lũ” Triệu Phong và Hải Lăng. Chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tập trung cứu trợ người dân ở những địa bàn bị cô lập, trong đó ưu tiên cho công tác di dời, cấp phát mì ăn liền và nước uống đóng chai.
Đến ngày 13-10, mưa lũ ở Quảng Trị đã làm 11 người chết, 4 người chưa tìm thấy và 4 người bị thương. Tỉnh phải di dời hơn 25.000 người ở vùng ngập sâu đến nơi an toàn…
Chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân vẫn đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do lũ lụt.
Quân khu 4 lập sở chỉ huy tiền phương Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, từ 17 giờ ngày 11-10, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế để chỉ đạo lực lượng vũ trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại ba tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. |