Theo tờ Benar News, kể từ ngày 12-10, Nhật và Mỹ đã bắt đầu một cuộc tập trận chung kéo dài một tuần ở Biển Đông. Điều này nhanh chóng bị Trung Quốc - một cường quốc trong khu vực phản đối.
Từ ngày 12-10, ba tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật (JMSDF) đã cùng với Hải quân Mỹ tham gia một loạt các cuộc diễn tập trên tuyến đường thủy tranh chấp. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến hết tuần này.
Một máy bay trực thăng SH-60 của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật hạ cánh trên boong tàu USS John S. McCain ở Biển Đông, ngày 12-10. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
"Ngay cả trong đại dịch COVID-19, JMSDF vẫn tiếp tục làm việc với hải quân đồng minh nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực và xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - Đại úy Nishida Satoshi, sĩ quan chỉ huy Tàu sân bay JS Kaga cho biết.
Theo thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nhật, cuộc tập trận chung diễn ra sau khi JMSDF có cuộc diễn tập tác chiến đơn lẻ chống tàu ngầm ở Biển Đông vào ngày 9-10 khi di chuyển qua khu vực này.
Dưới hiến pháp hòa bình quốc gia, các lực lượng tự vệ Nhật bị cấm phát động tấn công cũng như giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng vũ lực.
Vượt Trung Quốc, Nhật chiếm trọn lòng tin ASEAN
Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận Mỹ-Nhật.
Ngày 12-10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên ở Bắc Kinh: "Trung Quốc hy vọng Nhật không làm những điều gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực".
Theo ông Jeffrey Hornung - nhà phân tích của tổ chức Rand Corp. do Mỹ tài trợ lưu ý rằng dù không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Nhật phải phụ thuộc nhiều vào thương mại thông qua tuyến đường thủy này.
Lý do Nhật có sự hiện diện luân phiên ở Biển Đông là vì nước này muốn gửi "một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc", để Bắc Kinh hiểu rằng họ không phải là đồng minh Tokyo - ông Hornung phân tích.
Ông cũng cho biết sự hiện diện của Nhật trong khu vực cho thấy nước này có mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á tốt hơn so với Trung Quốc.
Cuộc khảo sát năm 2020 lấy ý kiến từ các doanh nhân, học giả, công chức, các nhóm xã hội dân sự và nhân vật truyền thông trên 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) cho thấy Nhật được xem là nước đáng tin cậy nhất ở ASEAN.
Gần 62% số người được hỏi tin rằng Nhật sẽ "làm điều đúng đắn" vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh toàn cầu. Ngược lại, chỉ 16,1% số người được hỏi tin rằng Trung Quốc sẽ làm được điều này.
"Một số nước ASEAN mong muốn Nhật thực hiện vai trò an ninh lớn hơn, và đôi khi các nước này cảm thấy thất vọng vì sự chần chừ của Nhật" - ông Hornung nói.
"Tokyo phát tín hiệu theo cách riêng"
Dù cho rằng Nhật thiếu các hoạt động quốc phòng cũng như tự do hàng hải trong khu vực, ông Hornung cho biết Tokyo vẫn đang phát tín hiệu theo cách riêng của mình.
Tuần trước, ba tàu của JMSDF đã tổ chức một cuộc tập trận với đối tác Indonesia ở biển Natuna phía nam Biển Đông, theo nguồn tin từ JMSDF.
Ngoài ra, hôm 13-10, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Ông cũng Hornung lưu ý rằng Nhật chủ yếu hỗ trợ an ninh Đông Nam Á trong lĩnh vực an ninh hàng hải và các cơ quan thực thi pháp luật dân sự, nhưng vào tháng 8, Nhật đã ký thỏa thuận xuất khẩu quốc phòng lớn đầu tiên để bán các radar giám sát tầm xa tiên tiến cho Philippines.