Tờ The Globe and Mail (Canada) đưa tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 13-10 cho biết nước này dự định làm việc với các đồng minh để thách thức “chính sách ngoại giao cưỡng ép” của Trung Quốc.
Ông Trudeau đồng thời cảnh báo rằng hoạt động trấn áp tại Hong Kong và việc đối xử với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Khu tự trị Tân Cương của Bắc Kinh “không phải là một con đường hiệu quả”.
Đây được xem là phát biểu mạnh mẽ hơn bao giờ hết của Thủ tướng Canada về những hành động cả trong và ngoài nước của Trung Quốc trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.
“Chúng tôi giữ cam kết tuyệt đối sẽ làm việc với các đồng minh để đảm bảo cách tiếp cận ngoại giao cưỡng éo của Trung Quốc, việc bắt giữ tùy tiện hai công dân Canada cùng công dân của các nước khác, không được coi là chiến thuật thành công của Bắc Kinh” - ông Trudeau phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13-10.
Ông Trudeau nhấn mạnh Canada sẽ “tiếp tục làm việc với các quốc gia cùng chí hướng trên khắp thế giới nhằm truyền thông điệp tới Trung Quốc rằng cách tiếp cận của họ đối với các vấn đề nội bộ và toàn cầu không phải là con đường đặc biệt hữu ích cho chính họ và cho tất cả chúng ta”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne trong một tuyên bố riêng cho biết ông đang nghiên cứu một cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới với Bắc Kinh, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
“Trong quá trình xây dựng một khuôn khổ mới cho quan hệ với Trung Quốc, Canada sẽ làm việc với các đối tác để buộc chính phủ Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm với các nghĩa vụ quốc tế của mình. Việc sử dụng ngoại giao cưỡng ép khiến Canada phải xem xét lại cách tiếp cận của mình, tập trung vào hợp tác đa phương” – ông Champagne nói.
Gần đây, các quan chức cấp cao của chính phủ Canada đã đưa ra lập trường công khai mạnh mẽ hơn trong việc chỉ trích các hành động của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan hôm 7-10 đã cáo buộc Trung Quốc theo đuổi "chính sách ngoại giao con tin" khi bắt giữ hai công dân Canada, đồng thời ông thúc giục Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giám sát Trung Quốc chặt chẽ hơn.
"Kiểu hành xử ngoại giao con tin này không phải là điều các nước hành xử dựa trên luật pháp làm. Vì thế, nếu muốn là một phần của hệ thống trật tự luật pháp toàn cầu, một quốc gia không thể hành xử tùy tiện" – ông Sajjan phát biểu hôm 7-10 trong cuộc thảo luận do tổ chức tư vấn Globsec (Slovakia) tổ chức.
Quan hệ hai bên tiếp tục căng thẳng liên quan việc Trung Quốc hồi tháng 12-2018 bắt giữ hai công dân Canada là cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và nhà tư vấn Michael Spavor với cáo buộc gián điệp.
Việc giam giữ hai công dân Canada được các chính phủ phương Tây xem là động thái trả đũa của Trung Quốc sau khi Canada hồi tháng 12-2018 bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của tập đoàn viễn thông Huawei - theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo ngày 10-10 của Bộ Ngoại giao Canada cho biết tính từ thời điểm đầu năm nay đến giờ nước này lần đầu tiên đã có cuộc tiếp xúc trực tuyến với hai công dân bị Trung Quốc bắt giữ, động thái mà Canada gọi là “sự giam cầm tùy tiện” công dân của họ.
Thông qua cuộc điện đàm cùng ngày, ông Trudeau cũng cảm ơn Tổng thống Donald Trump vì sự ủng hộ của Mỹ trong việc “tìm cách giúp hai công dân Canada bị buộc tội được thả”.