Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ ngày 15.10, buôn bán hàng “xách tay” có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng. Ngày 13.10, trước thời điểm quy định xử phạt có hiệu 2 ngày, theo ghi nhận của PV Lao Động, thị trường buôn bán hàng “xách tay” diễn ra sôi động để... chạy nước rút trước giờ “G”!
Sôi động “thủ phủ” hàng xách tay
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 13.10, trước giờ “G” siết chặt hoạt động buôn bán hàng xách tay, tình hình kinh doanh mặt hàng này rất sôi động. Tại phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) - “điểm đến thân quen” của những tín đồ sính hàng ngoại, các cửa hàng vẫn bày bán sản phẩm, việc mua bán diễn ra tấp nập.
Ghé một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay mỹ phẩm của Nga - Pháp ở ngõ 158 Nguyễn Sơn, phóng viên ngỏ ý muốn mua một tuýp son dưỡng chống nẻ, thái độ niềm nở, chị H (nhân viên bán hàng) đưa ra hộp son dưỡng hãng Bioderma (Pháp) với giá 150.000 đồng/3 thỏi. H nói: “Bình thường son Bioderma có giá niêm yết trên công ty chính hãng là 110.000 đồng/thỏi, nhưng do hàng xách tay, không tốn phí vận chuyển, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu hàng nên mới có giá rẻ như vậy”.
Chị Mai (Long Biên, Hà Nội) cũng đang tìm mua sản phẩm tẩy da chết, thương hiệu Organic Coffee And Suger (Nga), được nhân viên cửa hàng nhanh chóng báo giá 90.000 đồng/hộp. “Tôi có tham khảo trên mạng trước, cũng là sản phẩm tại các store Organic Shop chính hãng đang được bán với giá là 199.000 đồng. Nhưng mua ở đây rẻ hơn rất nhiều”.
Tại một cửa hàng mỹ phẩm khác cũng ở ngõ 158 phố Nguyễn Sơn, theo bật mí của chủ cửa hàng, thời điểm này khách đến mua vẫn đông nhưng chủ yếu là người mua buôn. Trước cửa hàng, một nhân viên vẫn bê những thùng hàng mới về kho để bán. Chủ cửa xách tay cho biết, cửa hàng nhập các sản phẩm dầu gội đầu, sữa tắm, son là chủ yếu. Các sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài như: Hàn, Nhật, Pháp và được xách tay chính hãng. Khi PV đề cập tới việc từ ngày 15.10, buôn bán hàng xách tay sẽ bị xử phạt rất nặng, những chủ cửa hàng ở đây thản nhiên: “Chúng tôi không quan tâm, để chúng tôi làm ăn”...
Trần Thu Trang (20 tuổi), một chủ shop bán quần áo thời trang online - thường bắt đầu công việc vào lúc 8h sáng, bằng việc đăng một số mặt hàng mới lên Fanpage, để chào bán.
Trang bán các sản phẩm quần áo, giày dép của thương hiệu Lining. Những sản phẩm này, Trang được một người thân xách tay từ Trung Quốc về Việt Nam, giá bán dao động từ 350.000 đồng - 500.000 đồng mỗi sản phẩm, rẻ hơn ở cửa hàng chính hãng từ 150.000 đồng - 300.000 đồng. Theo Trang, mỗi sản phẩm bán ra sẽ thu về khoảng 30 - 40% lợi nhuận. Trung bình mỗi tháng, shop online của Trang lãi từ 25 - 30 triệu đồng.
Vì lợi nhuận “khủng”, nên kinh doanh hàng xách tay trở nên rất phổ biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, cùng với đó, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm diễn ra tràn lan, dẫn đến người tiêu dùng bị lừa, mua phải hàng lậu được gắn mác “hàng xách tay”.
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và hạn chế tình trạng nhập lậu hàng hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.
Nghị định 98/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10. Điều 15 Nghị định này quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu. Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
90% hàng “xách tay” là hàng giả!
Ông Lý Thành Công - Trưởng phòng Kỹ thuật bảo hành - chống giả, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bình Tây, đơn vị phân phối các sản phẩm CASIO chính hãng cho Lao Động biết, thời gian đầu, công tác chống hàng giả máy tính, đồng hồ CASIO khá thuận lợi nên số lượng máy tính, đồng hồ CASIO giả bị phát hiện, tịch thu khá lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng máy tính, đồng hồ CASIO giả tràn lan, với nhiều hình thức tinh vi, nhưng chủ yếu “ẩn danh” dưới dạng hàng xách tay.
“Qua kiểm tra, rà soát, chúng tôi thấy rằng, những sản phẩm giả, nhái thương hiệu của chúng tôi đều “núp bóng” dưới dạng hàng xách tay Nhật. Nhưng đâu phải, tất cả đều là hàng giả. Khi quảng cáo, người kinh doanh các sản phẩm CASIO giả sẽ dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng, nhưng lúc giao hàng lại là hàng nhái, không có nguồn gốc, chứng từ mà chính người mua cũng không thể phân biệt được. Các giao dịch hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ” - ông Lý Thành Công nói và cho biết, hiện nay có khoảng 90% sản phẩm nhái, giả núp bóng hàng xách tay.
“Người bán hàng giả tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, như cố tình thay đổi tên sản phẩm như CASIO (nền đen chữ trắng), CASLO, CASID, thay vì là CASIO (chữ đen, không nền)” - ông Lý Thành Công cho biết.
Nói về Nghị định mới, ông Lường Văn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La - cho biết, Nghị định 98 của Chính phủ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng chế tài là chưa đủ, do hoạt động kinh doanh hàng xách tay trốn thuế hiện diễn ra phổ biến, khó kiểm soát.
Để quản lý hoạt động kinh doanh hàng xách tay hiệu quả hơn, theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sơn La: “Cần phải ngăn chặn từ gốc. Phải kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tiểu ngạch, lúc đó thì hoạt động kinh doanh hàng lậu, trốn thuế mới giảm mạnh. Đồng thời siết loại nhóm sản phẩm được phép xách tay về, hoặc tùy loại sản phẩm có thể giảm số lượng được phép xách tay đối với người nhập cảnh”.
Xem thêm: odl.727448-aig-gnah-ual-gnah-nahc-ed-gnan-tahp-tahc-teis/et-hnik/nv.gnodoal