Công ty dược phẩm Thái Lan Siam Bioscience đã ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca để sản xuất và cung cấp vắc xin Covid-19 có tên AZD1222 được phát triển bởi đại học Oxford để phân phối tại Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
ASTRAZENECA CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT VẮC XIN
Theo Nikkei, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan, ông Anutin Charnvirakul, vào ngày thứ Hai công bố rằng các bên đã đồng ý chuẩn bị cho việc sản xuất vắc xin trên quy mô lớn tại Siam Bioscience.
Trong khoảng thời gian đại dịch, AstraZeneca sẽ cung cấp vắc xin không lợi nhuận, công ty dược phẩm Siam Bioscience sẽ sản xuất vắc xin thông qua công nghệ được chuyển giao từ công ty dược phẩm châu Âu.
Theo thỏa thuận hợp tác này, chính phủ Thái Lan và công ty dược phẩm Siam Bioscience sẽ kết hợp với AstraZeneca, đại học Oxford và nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để phân phối vắc xin trên toàn cầu nếu kết quả thử nghiệm lâm sàng tốt và các nhà quản lý chấp thuận cho việc lưu hành vắc xin đó.
Siam Bioscience tuy nhiên không công bố chi tiết về khối lượng sản xuất hoặc lượng tiền đầu tư.
Chủ tịch công ty Siam Bioscience, ông Satitpong Sukvimol, thể hiện sự tin tưởng vào việc sản xuất vắc xin lần này: "Với công nghệ được chuyển giao, công ty của chúng tôi nhiều khả năng sẽ có đợt vắc xin mới được cung ra thị trường từ giữa năm sau".
Được thành lập vào năm 2009, công ty Siam Bioscience đã mất 7 năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm trước khi ra mắt sản phẩm đầu tiên có tên Erythropoietin, một loại thuốc kích thích tạo hồng cầu.
CƠ HỘI VÀNG ĐỂ TRUNG QUỐC TĂNG CƯỜNG "SỨC MẠNH MỀM"
Trong khi đó, thông tin về vắc xin Covid-19 và sự tham gia của các nước vào nỗ lực phát triển vắc xin toàn cầu đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Trung Quốc đang tham gia vào chương trình vắc xin Covid-19 được hỗ trợ bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), như vậy Trung Quốc đang bù lấp vào vị trí mà Mỹ bỏ trống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ chương trình này.
Theo Bloomberg, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuyên bố mới nhất đã nhấn mạnh: "Thậm chí kể cả khi Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với một số loại vắc xin ở trong giai đoạn phát triển cuối cùng và năng lực sản xuất dồi dào, Trung Quốc vẫn quyết định tiếp tục gia nhập Covax. Chúng tôi đang tham gia chương trình này để đảm bảo hoạt động phân phối vắc xin công bằng, đặc biệt cho các nước đang phát triển, đồng thời chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều nước gia nhập và hỗ trợ cho Covax".
Vào tháng 5/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng vắc xin được Trung Quốc phát triển sẽ được cung cấp đến công chúng và được chia sẻ cho các bên. Quyết định này sẽ giúp cải thiện uy tín của Trung Quốc sau khi xuất hiện rất nhiều chỉ trích nặng nề từ nhiều nước khác về cách Trung Quốc xử lý đại dịch ban đầu tại thành phố Vũ Hán nơi mà virus Covid-19 được phát hiện cuối năm ngoái.
Kết quả khảo sát của trung tâm Pew trong tuần này cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục tại Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế lớn khác của thế giới. Tại 9 nước của thế giới trong đó có bao gồm Australia, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh và Mỹ, số lượng những người có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc hiện cao nhất tính từ khi Pew bắt đầu thực hiện khảo sát này khoảng hơn 1 thập kỷ trước.
Trung Mến
Nhịp sống doanh nghiệp