Nhà giá rẻ đang dần 'tuyệt chủng'
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Trong báo cáo chuyên đề gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng nhìn nhận giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân đô thị. Đại diện doanh nghiệp bất động sản thì cho rằng, nhà giá rẻ đang dần “tuyệt chủng” tại TPHCM vì nguồn cung gần như đứng im trong vài năm qua
Giá nhà đang ngày một "leo thang" vượt ra khỏi mức chi trả của thị dân trẻ. Ảnh minh họa: V.Dũng |
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TPHCM dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
“Giá cả hàng hóa, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Cách đánh giá chung hiện nay giá nhà ở là hợp lý nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng”, báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị qui hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, hệ thống thông tin về thị trường bất động sản hiện chưa đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Việc kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả...
Sáu tháng đầu năm 2020, theo báo cáo, nguồn cung nhà ở tăng nhưng vẫn còn hạn chế và giảm khoảng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.
Trước đây, khi đánh giá về tình trạng lệch pha cung cầu này, nhiều doanh nghiệp làm nhà phân khúc bình dân ở TPHCM cũng cho rằng cơ hội mua nhà giá của thị dân trẻ đang xa dần.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đã nhận định nhà giá rẻ đang dần “tuyệt chủng” tại TPHCM vì nguồn cung gần như đứng im trong vài năm qua. Ông Đực kể rằng từ 10 năm trước, một số doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM như Khang Gia, Nam Long, Đất Lành, Lê Thành... đã tham gia đầu tư vào nhà giá thấp. Tuy nhiên, hiện không còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục thực hiện sứ mệnh “an cư cho người thu nhập thấp” này.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp từng làm các dự án nhà giá rẻ cho rằng vấn đề hiện tại việc thu xếp vốn triển khai dự án mới rất khó khăn. Lý do là nhà giá thấp đem lại mức lời rất thấp, chỉ cần một vài biến động như giá vật liệu, lãi suất ngân hàng tăng thì coi như bị âm vốn ngay tức khắc. Thời gian quay vòng vốn chậm cộng với việc doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các thủ tục rườm rà từ A-Z giống các dự án nhà ở cao cấp, nên doanh nghiệp không mấy mặn mà.
Giá nhà vẫn tiếp tục “leo thang” Báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ, hiện nay giá bất động sản trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong đó, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0,16%, giá nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,01% so với cùng kỳ năm 2019. Tại TPHCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0,15% so với cùng kì năm 2019. Trong bối cảnh hiện nay, bộ này cũng đưa ra dự báo, thị trường có thể tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định trong ngắn hạn do tác động của đại dịch. Tuy nhiên, về dài hạn, các doanh nghiệp vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp. "Các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay, thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như đóng băng hay phát triển nóng”, Bộ Xây dựng đánh giá. |
Xem thêm: lmth.gnuhc-teyut-nad-gnad-er-aig-ahn/244903/nv.semitnogiaseht.coaid