vĐồng tin tức tài chính 365

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nguy cơ mất vốn ở nguồn tài chính công đoàn

2020-10-14 21:04

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nguy cơ mất vốn ở nguồn tài chính công đoàn

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) - Nhiều sai sót, bất cập khi xác định giá trị dự toán trong hợp đồng BT của ba dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) và hoạt động quản lý nguồn tài chính công đoàn ở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. 

Một góc dự án bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: TTXVN).

Trong báo cáo công tác năm 2020 gửi tới Quốc hội khoá XIV trước kỳ họp thứ 10, Kiểm toán Nhà nước đã thông tin về kết quả kiểm toán ba dự án BT thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Dự án Nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Nguy cơ thất thoát nguồn tài chính công đoàn ở Tổng Liên đoàn Lao động

Với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan kiểm toán cho biết việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định Điều lệ Công đoàn và Luật Công đoàn còn một số hạn chế.

Thứ nhất, việc giao biên chế và cơ chế giao kinh phí còn chưa có quy định thống nhất - tại Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố thì biên chế được giao bởi ba cấp có thẩm quyền. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc mang tính “cào bằng” không có sự khác biệt giữa các đơn vị.

Thứ hai, nguồn tích lũy tài chính công đoàn lũy kế đến 31-12-2019 lên tới 28.950,2 tỉ đồng và có xu hướng tăng qua nhiều năm gần đây - năm 2017 là 18.814 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2016; năm 2018 là 23.250 tỉ đồng; tăng 23,6% so với năm 2017; năm 2019 là 28.950 tỉ đồng, tăng 24,5% so với năm 2018. Tuy nhiên nguồn tài chính tích lũy này đã không được sử dụng hiệu quả, theo kết quả đánh giá của cơ quan kiểm toán. Trong khi đó, nguồn chi cho hoạt động công đoàn còn hạn chế - đã dẫn tới sự giảm sút về hiệu lực quản lý và điều hành.

Riêng các khoản vay đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư mua cổ phần, góp vốn đầu tư của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được cơ quan kiểm toán nhận xét là không đúng quy định Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn.

Bên cạnh đó, việc cơ quan này bỏ vốn mua cổ phần nhưng thiếu cơ chế, cơ sở ràng buộc pháp lý, thiếu sự giám sát và việc cho vay xây dựng trụ sở kéo dài qua nhiều năm cũng bị Kiểm toán Nhà nước đánh giá là dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn ở nguồn tài chính công đoàn.

Thứ ba, nhiều cơ sở nhà, đất thuộc sự quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được mang đi hợp tác kinh doanh, cho thuê mà không báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thậm chí, một số hợp đồng cho thuê, hợp tác kinh doanh không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Ngoài ra, một số diện tích đất để không, sử dụng làm nhà khách, khách sạn, nhà văn hóa tại các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố hoạt động không hiệu quả, chưa chứng minh được việc phục vụ cho người lao động và chưa đúng công năng sử dụng.

Bất cập trong quản lý vốn đầu tư tại ba dự án BT ở Thủ Thiêm

Với hoạt động quản lý và sử dụng sử dụng vốn đầu tư của một số dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM), Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những bất cập trong hoạt động lập tổng mức đầu tư tại các dự án này như sau:

Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc với tổng mức đầu tư được duyệt là 3.345,6 tỉ đồng, nhưng giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.641,3 tỉ đồng. Đáng chú ý, tới 704,2 tỉ đồng được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thương thảo nhằm loại trừ phần dự phòng trượt giá và lãi vay.

Thậm chí, giá trị dự toán của dự án này cũng được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư xác định lại theo hợp đồng BT là 1.776,5 tỉ đồng, bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu – khi giá trị dự toán được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cập nhật, rồi chuẩn hóa hồ sơ tại bước thiết kế bản vẽ thi công so với bước thiết kế cơ sở - giảm một số khoản chi phí và không tính chênh lệch dự phòng mức lương với giá trị 950,1 tỉ đồng.

Tương tự, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư được duyệt là 4.260,1 tỉ đồng, nhưng giá trị hợp đồng BT được ký kết là 3.082,4 tỉ đồng – sau khi cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thương thảo loại trừ phần lãi vay và dự phòng trượt giá khỏi tổng mức đầu tư.

Giá trị dự toán của dự án cũng chỉ bằng 58,7% tổng mức đầu tư ban đầu – tương ứng 2.504,5 tỉ đồng -– khi các bên có liên quan không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay với giá trị 1.427 tỉ đồng.

Cuối cùng, dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính với tổng mức đầu tư được duyệt là 12.182,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 8.265,1 tỉ đồng do cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thương thảo loại trừ không tính lãi vay và dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư.

Giá trị dự toán của bốn tuyến đường chính sau đó cũng chỉ là 6.511,8 tỉ đồng - bằng 53,4% tổng mức đầu tư ban đầu – khi các bên có liên quan không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay với giá trị 4.551,9 tỉ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, do việc xác định giá trị dự toán tại ba dự án trên chưa chính xác nên cơ quan này đã kiến nghị điều chỉnh giảm dự toán với giá trị là 244,3 tỉ đồng. Trong đó dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc giảm 83,5 tỉ đồng, dự án cầu Thủ Thiêm 2 giảm 37,5 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính giảm 123,3 tỉ đồng.

Ngoài ra, cả ba dự án chậm tiến độ từ 18 tháng đến gần ba năm – tính tới thời điểm được kiểm toán – làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.

Tăng tổng mức đầu tư hơn 1.425 tỉ đồng với dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau

Với dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau, do phê duyệt dự án đầu tư chưa khả thi nên đã phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư lên 1.697 tỉ đồng, tăng 84% so với tổng mức đầu tư ban đầu – tương ứng hơn 1.425 tỉ đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư đã thực hiện xong hạng mục không phục vụ cho dự án – trước khi dự án tiến hành điều chỉnh – gây lãng phí ngân sách nhà nước 25,4 tỉ đồng.

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc dự toán được duyệt còn nhiều sai sót đã làm tăng giá trị dự toán. Thêm vào đó, dự án cũng không được thi công theo đúng thiết kế, nhưng ban quản lý dự án vẫn lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán.

Vì vậy, cơ quan kiểm toán đã tiến hành xử lý tài chính và xử lý khác 230,8 tỉ đồng, bằng 13,6% tổng mức đầu tư dự án.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, phê duyệt thiết kế cơ sở của dự án cũng vi phạm hành vi bị nghiêm cấm của Luật Đê điều. Còn công tác quản lý chất lượng công trình tồn tại những sai sót ảnh hưởng đến tính an toàn của công trình và khu vực dân cư dọc theo kênh đào.

Xem thêm: lmth.-naod-gnoc-hnihc-iat-nougn-o-nov-tam-oc-yugn-ar-ihc-coun-ahn-naot-meik/064903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nguy cơ mất vốn ở nguồn tài chính công đoàn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools