Huawei đàm phán bán thương hiệu smartphone Honor
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Hãng tin Reuters ngày 14-10 dẫn các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho hay Huawei, hãng thiết bị viễn thông mà điện thoại thông minh (smartphone) là chủ đạo của Trung Quốc, đang đàm phán để bán một phần tài sản của thương hiệu smartphone bình dân Honor. Giới phân tích cho rằng thương vụ này, nếu đạt được, sẽ giúp Honor né được các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào công ty mẹ Huawei.
George Zhao, Chủ tịch thương hiệu Honor, tại lễ ra mắt dòng smartphone Honor 20 ở London, Anh hồi tháng 5-2019. Ảnh: Reuters |
3,7 tỉ đô la Mỹ cho thương vụ Honor?
Các nguồn tin cho hay Huawei đang đàm phán với các khách mua tiềm năng bao gồm hãng phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin Digital China, hãng sản xuất hàng điện tử TCL và đối thủ Xiaomi trong một thương vụ có trị giá lên đến 25 tỉ nhân dân tệ (3,7 tỉ đô la Mỹ).
Cả Huawei, Digital China và Xiaomi đều chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Theo các nguồn tin, sau khi liên tiếp hứng các đòn trừng phạt của Mỹ, Huawei đang sắp xếp lại các ưu tiên và sẽ tập trung vào các dòng smartphone cao cấp, thay vì thương hiệu Honor, vốn chủ yếu nhắm vào giới trẻ và những khách hàng bình dân khác.
Hai trong số các nguồn tin tiết lộ danh mục tài sản thanh lý của Honor vẫn chưa chốt nhưng có thể bao gồm thương hiệu, các năng lực nghiên cứu và phát triển của Honor cũng như chuỗi cung ứng liên quan. Một nguồn tin cho biết thương vụ có thể được thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt và dao động từ 15-25 tỉ nhân dân tệ.
Digital China, nhà phân phối chính của thương hiệu smartphone Honor, hiện là ứng viên dẫn đầu cho thương vụ này.
Kuo Ming-chi, nhà phân tích có uy tín ở Công ty chứng khoán TF International Securities (Hồng Kông), nhận định thỏa thuận bán tài sản của Honor, nếu đạt được, sẽ có lợi cho thương hiệu Honor, các nhà cung cấp của Honor và ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc
Trong một báo cáo nghiên cứu gửi cho khách hàng tuần trước, ông viết: “Nếu Honor tách rời khỏi Huawei, thương hiệu này sẽ không còn còn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận mà Mỹ đang áp đặt với Huawei. Điều này sẽ giúp ích cho hoạt động kinh doanh smartphone của Honor và các nhà cung cấp”.
Song Bryan Ma, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu thiết bị khách hàng ở hãng nghiên cứu thị trường IDC, không nghĩ như vậy. Ông cho rằng dù Honor trở thành công ty độc lập sau khi được bán, điều này không bảo đảm nó sẽ không bị kẹt vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung về sau này. Mỹ hoàn toàn có thể áp đặt lệnh trừng phạt vào bất cứ công ty nào mua lại tài sản của Honor.
Hồi cuối tuần trước sau khi có tin đồn về việc Huawei chuẩn bị bán Honor, Linda Sui, Giám đốc bộ phận nghiên cứu smartphone ở Công ty Strategy Analytics, nhận định sẽ không có công ty Trung Quốc nào dám mua Honor. Bà nói: “Honor là vấn đề nhạy cảm. Nó sẽ gây rắc rối lớn cho bất kỳ ai tiếp nhận nó”.
Năm ngoái, lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen để cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho Huawei khi chưa có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ. Bắt đầu từ giữa tháng 9 này, Mỹ cũng cấm các công ty trên toàn cầu cung cấp linh kiện bán dẫn cho Huawei nếu như họ sử dụng công nghệ và công cụ của Mỹ để sản xuất chúng. Các đòn trừng phạt này đang đe dọa nghiêm trọng mảng kinh doanh smartphone của Huawei.
Tài sản lớn của Huawei
Huawei thành lập thương hiệu Honor vào năm 2013 sau khi chứng kiến đối thủ Xiaomi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường smartphone ở phân khúc bình dân tại Trung Quốc. Bằng cách tung ra các dòng smartphone mức giá trung bình từ 150-220 đô la Mỹ, Honor được xem là ‘người hùng thầm lặng’, giúp doanh số smartphone của Huawei vượt qua Apple và Samsung ở Trung Quốc và ở nhiều thị trường nước ngoài.
Phần lớn công việc kinh doanh của thương hiệu này vận hành độc lập với công ty mẹ Huawei. Honor đã mang về cho Huawei mức doanh thu tổng cộng 10 tỉ đô la trong 10 năm qua.
Thương hiệu Honor bán smartphone trực tuyến thông qua các website riêng và các nhà bán lẻ thứ ba. Thương hiệu này đang cạnh tranh với các đối thủ nội địa như Xiaomi, Oppo và Vivo ở phân khúc smartphone bình dân tại thị trường Trung Quốc. Các dòng smartphone của Honor cũng được bán ở Đông Nam Á và châu Âu.
Honor là tài sản lớn của Huawei, đóng góp một phần doanh thu đáng kể cho Huawei. Các smartphone của Honor chiếm 14,6 triệu (26%) trong tổng số 55,8 triệu smartphone mà Huawei tiêu thụ được trong quí 2 năm nay, theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Canalys. Trong khi đó, Công ty Strategy Analytics cho rằng Honor đóng góp 38% trong tổng doanh số smartphone của Huawei trong nữa đầu năm nay.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận của thương hiệu smartphone bình dân này rất mỏng. Honor chỉ thu về lợi nhuận ròng 5 tỉ nhân dân tệ (740 triệu đô la Mỹ) trên tổng doanh thu 70-80 tỉ nhân tệ vào năm ngoái.
Các nguồn tin cho biết nếu đàm phán thành công, Digital China sẽ vay nợ từ ngân hàng để chi trả cho phần lớn trị giá của thương vụ.
Đón nhận tin tốt, cổ phiếu của Digital China trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến tăng hết biên độ 10% vào đầu giờ chiều 14-10 nhưng chốt phiên, mức tăng thu hẹp. chỉ còn gần 3%.
Theo Reuters, SCMP
Xem thêm: lmth.ronoh-enohptrams-ueih-gnouht-nab-nahp-mad-iewauh/464903/nv.semitnogiaseht.www