Xung đột ở Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia vùng Caucasus là Armenia và Azerbaijan vẫn đang tiếp diễn quyết liệt. Trong khi cộng đồng thế giới kêu gọi hai bên ngừng bắn thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) Recep Tayyip Erdogan quyết đi con đường riêng, phản đối thỏa thuận ngừng bắn do nhóm Minsk được lập theo sáng kiến chung của Pháp, Nga và Mỹ để dàn xếp xung đột.
Ông Erdogan khẳng định thỏa thuận ngừng bắn không giải quyết được xung đột hai bên và nhiều lần nhấn mạnh rằng TNK sẵn sàng cung cấp mọi phương tiện cần thiết để hỗ trợ Azerbaijan chiếm lại Nagorno-Karabakh.
Theo tạp chí Foreign Policy, nguồn tin bên trong lực lượng quân đội quốc gia Syria - phe nổi dậy ở Syria được TNK ủng hộ - cho biết không lâu sau khi xung đột nổ ra ở Nagorno-Karabakh, TNK đã gửi tới Azerbaijan 1.500 lính đánh thuê từ Bắc Syria để đối phó Armenia.
Ngoài ra, theo nguồn tin của trang tin Middle East Eye (Anh) thì TNK có để lại một số máy bay chiến đấu F-16 ở Azerbaijan sau một cuộc tập trận chung hồi tháng 7 ở nước này nhằm đối phó một khi Armenia tấn công. Cuối tháng 9, Armenia có nói một chiếc Su-25 của mình bị một chiếc F-16 bắn rơi nhưng Azerbaijan bác bỏ rằng mình không có chiếc F-16 nào, còn TNK phủ nhận mình có liên quan. Báo New York Times thì nói TNK chẳng những cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân sự cho Azerbaijan.
Ông Erdogan quyết nâng tầm Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà phân tích Selim Koru tại tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu chính sách TEPAV ở TNK nhận định cách tiếp cận của TNK ở Caucasus hiện tại phù hợp với cách ứng xử của nước này ở các khu vực khác.
Theo đài CNN, trong gần hai thập niên qua, ông Erdogan - một lãnh đạo nổi tiếng “rắn tay” - đã thực hiện nhiều bước đi để chuyển đổi vị thế của TNK trên trường quốc tế. Hơn 10 năm trước, ông Erdogan khi đó còn là thủ tướng TNK, đã thực hiện chủ trương chính sách đối ngoại quyết liệt. TNK không còn phải cầu cạnh để được gia nhập Liên minh châu Âu (EU), thay vào đó ông Erdogan chủ trương để TNK thể hiện sức mạnh, mở rộng ảnh hưởng và trở thành một sức mạnh toàn cầu các nước phải e dè.
Tuy nhiên, theo CNN, ông Erdogan chẳng những sẽ không đạt được ý muốn nâng tầm TNK trên trường quốc tế mà còn có nguy cơ sẽ gặp khó.
(Từ trái qua): Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES
Phải thừa nhận chủ trương đối ngoại cứng rắn đã mang lại uy tín cho ông Erdogan trong nước. Ngoài ra, các đồng minh của ông Erdogan ở Ai Cập, Syria đã có được những lợi thế chính trị lớn trong những năm đầu của làn sóng Mùa xuân Ả Rập - bắt đầu từ tháng 10-2010.
Theo chuyên gia Soner Cagaptay, Giám đốc chương trình nghiên cứu TNK tại Viện Nghiên cứu chính sách cận đông Washington, ông Erdogan đã phá vỡ mọi truyền thống của TNK với phương Tây, với Israel, với EU, với Trung Đông. Nói như ông Cagaptay, “câu khẩu hiệu của ông Erdogan là TNK sẽ lớn mạnh bằng và thông qua sự lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông”. Tuy nhiên, theo ông, hiện tại, qua một thập niên, các đồng minh của ông Erdogan ở khu vực - chủ yếu là các nhóm thuộc phong trào anh em Hồi giáo đã gần như bị mất hết quyền lực. Ngoài sự ủng hộ của Qatar, Somalia, chính phủ Tripoli ở Libya, ông Erdogan không được lòng nhiều lãnh đạo khác ở khu vực.
Lần đầu tiên trong lịch sử xung đột, TNK đồng thời chống lại cả Mỹ, Pháp và Nga, trong khi cùng lúc can dự một loạt xung đột ở nhiều khu vực khác nhau của thế giới. Đây thuần túy là sự liều lĩnh và là cuộc tự sát về chính trị. Chuyên gia Nga KONSTANTIN SIVKOV viết trên báo Ria Novosti |
Nga, Mỹ, châu Âu đồng loạt bất mãn
Theo báo Financial Times, chuyện đứng về phía Azerbaijan và can dự vào xung đột Nagorno-Karabakh có thể đưa ông Erdogan vào thế đối đầu với Nga và Tổng thống Vladimir Putin. TNK tuyên bố ủng hộ hết mình Azerbaijan, trong khi Nga có hiệp ước quân sự với Armenia. Cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin đã lên án việc TNK đưa lính đánh thuê từ Syria sang giúp quân đội Azerbaijan đánh Armenia.
Ông Erdogan cũng hứng sự bất mãn của nhiều nước châu Âu như Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus - nước đang cố chặn ảnh hưởng của TNK ở đông Địa Trung Hải.
Các nước đối đầu với ông Erdogan ở khu vực dường như đã tìm được tiếng nói chung với một số nước châu Âu. Ai Cập, Israel, Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp đã tăng cường hợp tác chiến lược về một số sáng kiến, trong đó có khai thác tài nguyên khí đốt ở đông Địa Trung Hải, gạt TNK sang một bên. Pháp ủng hộ sáng kiến năng lượng này. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng ngầm ủng hộ sáng kiến này, theo CNN.
Pháp phản đối các chiến dịch của TNK nhằm vào lực lượng các tay súng người Kurd ở Syria, cũng như việc TNK ủng hộ chính quyền Tripoli ở Libya.
Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn từng có quan hệ tốt với ông Erdogan thì gần đây có vẻ đứng về phía các đối thủ của TNK. Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông “quan ngại sâu sắc” với các hành động của TNK ở đông Địa Trung Hải. Tháng trước, Mỹ cũng thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập niên qua với Cộng hòa Cyprus.
Tháng trước, ông Pompeo đến thăm Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus nhưng không sang TNK. Theo trang tin Al-Monitor (Mỹ), động thái này cho thấy ông Erdogan đã không còn có thể trông chờ vào sự ủng hộ của chính phủ ông Trump trong mối quan hệ đầy vấn đề giữa mình với EU. Lưỡng đảng Quốc hội Mỹ còn tính trừng phạt TNK thể theo luật Chống các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt. Bên cạnh đó, nếu ông Biden thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng tới thì rất có khả năng TNK sẽ mất hết sự ủng hộ của Mỹ.
Giải thích hành động của ông Erdogan Theo chuyên gia Konstantin Sivkov về các vấn đề quân đội Nga, ông Erdogan can dự vào xung đột giữa Azerbaijan và Armenia sau sự thất bại ở đông Địa Trung Hải và điều này không khó hiểu. Theo New York Times, ông Erdogan ngày càng tăng độ quyết liệt một phần cũng là phản ứng với thực tế thay đổi động lực toàn cầu, đặc biệt từ sự thu giảm vai trò của Mỹ ở khu vực, sự chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu và cuộc nội chiến ở Syria vốn sát biên giới TNK. Tờ báo này cho rằng sự gia tăng hiện diện quân sự ở nước ngoài cho thấy chính sách ngoại giao chiến hạm của ông Erdogan, và nhà lãnh đạo này tin rằng hành động này sẽ mang lại uy tín cho ông khi sánh vai đối thoại với các nước lớn. Nhà phân tích TNK Sinan Ulgen cho rằng việc các nước quay lưng với TNK là hậu quả của chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, mâu thuẫn hơn và hiếu chiến hơn của chính TNK. Theo ông, “tất cả điều này không xảy ra chỉ trong một đêm” mà nó “mất 10 năm để đến nước này”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một phần do EU và đặc biệt là Mỹ đã quản lý không tốt quan hệ với TNK. |