Hơn một tuần trước, anh NVT (34 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy đau nhức răng hàm, không ăn uống gì được. Anh đến một cơ sở y tế để xem xét và nhổ răng.
Đang nhổ răng, người lạnh toát
Sau khi xem xét tình trạng của anh T., bác sĩ nhận thấy có tình trạng nhiễm trùng ổ răng nên kê thuốc kháng sinh cho anh uống và hẹn tái khám. Khi về nhà, anh T. liên tục đau nhức và nôn nóng quay lại để nhổ cái răng đau hành hạ. Tại đây, đáp ứng yêu cầu của anh, bác sĩ đã cho anh nhổ. Anh được chích thuốc gây tê, khi đang được tiến hành các thao tác đục để lấy răng ra hơn 30 phút thì anh T. cảm thấy chóng mặt, người lạnh toát. Các y, bác sĩ thấy vậy đã đưa anh lên phòng cấp cứu và cho anh uống thuốc giảm đau. Khi cảm thấy đỡ, anh xin về công ty để làm việc tiếp thì bị đau đầu, chóng mặt, khó thở, tức ngực nên vào BV quận Thủ Đức gần đó cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị ngộ độc thuốc tê, truyền dịch, cho nghỉ ngơi và sau một ngày được xuất viện.
ThS-BS CKII Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa hồi sức tích cực - chống độc BV Thống Nhất (TP.HCM), cho biết thỉnh thoảng có tiếp nhận một số bệnh nhân bị phản ứng phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê sau khi tiêm thuốc tê để nhổ răng. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn ói, huyết áp tụt, có trường hợp nhập viện trễ đe dọa tính mạng. Theo BS Ánh, phản ứng phản vệ nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ, ngừng tim và tử vong. BS Ánh khuyến cáo nhổ răng sâu tuy là kỹ thuật đơn giản nhưng có sử dụng thuốc tê, người dân nên tìm đến các cơ sở nha khoa uy tín, bác sĩ có tay nghề cấp cứu khi bệnh nhân gặp phản ứng phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê.
Người dân nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để khám, chữa răng. Trong ảnh:Khám răng tại Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: PV
Vì sao không nên nhổ răng bị nhiễm trùng?
Theo ThS-BS Phan Hoàng Hải, giảng viên thỉnh giảng ĐH Y Dược (TP.HCM), giám đốc điều hành một trung tâm nha khoa, nhổ răng sâu là một thủ thuật đơn giản, không quá phức tạp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có chỉ định sâu răng phải nhổ vì việc mất răng, chưa trồng lại kịp thời có thể làm thay đổi cả hệ thống nhai, đó là chưa kể đa số trường hợp răng sâu có thể được phục hồi.
Cụ thể, khi răng có ổ nhiễm trùng, các bác sĩ thường sẽ chỉ định dời lịch nhổ. Vì khi đó răng có ổ nhiễm trùng, gây tê sẽ rất khó khăn (hiệu quả gây tê giảm) vì vùng bị nhiễm trùng thường không có tác dụng với thuốc tê và có khả năng làm khuếch tán ổ nhiễm trùng ra các mô xung quanh. Nếu không điều trị nhiễm trùng, ổ nhiễm trùng này sẽ dễ phát triển thành viêm mô tế bào, phát tán ra các khoang của vùng hàm mặt, trong khi đó vùng hàm mặt chứa các nhánh động mạch lớn nên can thiệp nhổ răng vào thời điểm này rất nguy hiểm. Để xử trí trước khi nhổ răng có ổ nhiễm trùng, bác sĩ thường kê toa thuốc kháng sinh cho bệnh nhân để khu trú ổ mủ lại, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước khi cân nhắc thủ thuật nhổ răng.
Ngoài ra, tùy vào tình trạng răng và cơ địa của mỗi bệnh nhân, có trường hợp các bác sĩ sẽ xử lý dễ dàng răng bị sâu. Tuy nhiên, trên cơ địa bệnh nhân cao huyết áp, có bệnh lý nhiễm trùng hoặc bệnh toàn thân khác, nhổ răng cũng có khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh hiện tại.
Chưa kể là quá trình phẫu thuật nếu không áp dụng kỹ thuật, dụng cụ, máy móc phù hợp có thể khiến bệnh nhân tràn khí dưới niêm mạc, dưới da làm cho bệnh nhân khó thở, nghẹt thở hoặc chảy máu nhiều sau phẫu thuật gây phù nề, đè ép đường thở của bệnh nhân.
Trong quá trình tiểu phẫu thuật, bệnh nhân có thể xảy ra các biến chứng như lo lắng làm tăng huyết áp, dung nạp lượng lớn thuốc tê do quá liều có thể gây sốc, ngộ độc dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Do đó, bệnh nhân trước khi phẫu thuật cần biết tình trạng sức khỏe chung của mình và kịp thời báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng (thuốc, thức ăn) cũng như những loại thuốc đặc trị bệnh toàn thân đang sử dụng.
Cần được xem xét các bệnh lý về máu Trước khi nhổ răng, bệnh nhân cần được xem xét các bệnh lý về máu như xét nghiệm máu và đông cầm máu, phân tích máu tổng quát. Một số loại thuốc điều trị bệnh toàn thân hoặc bệnh lý cũng có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình đông cầm máu và lành thương sau phẫu thuật như đái tháo đường, loãng xương, bệnh lý động mạch vành, hẹp van tim… |