Ngân sách bổ sung đầu tiên của Nhật Bản trong tài khóa 2020 đã cấp 23,5 tỷ Yên, tương đương 223 triệu USD, để giúp các doanh nghiệp nước này mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhật Bản sẽ đẩy mạnh một chương trình khuyến khích các công ty nước này mở cơ sở sản xuất ở Đông Nam Á để đa dạng hóa những chuỗi cung ứng có mức độ phụ thuộc quá lớn vào một quốc gia nào đó, tờ báo Nhật Nikkei cho hay.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ chịu tới một nửa chi phí cho dự án đa dạng hóa cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á của những công ty lớn, và chịu tới 2/3 chi phí cho dự án như vậy của doanh nghiệp nhỏ.
Theo Nikkei, chương trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật quy định dành cho những sản phẩm mà việc sản xuất có xu hướng tập trung nhiều vào một quốc gia nhất định. Mục đích của chương trình là giúp các công ty Nhật mở rộng số quốc gia mà họ có hoạt động ở nước ngoài, thay vì khuyến khích họ rút khỏi bất kỳ một quốc gia cụ thể nào.
Tuy Trung Quốc không được đề cập cụ thể trong chương trình, Nikkei nói rằng mục đích của chương trình có thể chính là giúp các công ty Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo dự kiến, Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ công bố kế hoạch trên trong chuyến thăm Việt Nam trong tháng 10 này, theo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Nhật Bản.
Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga trên cương vị nhà lãnh đạo Nhật Bản và là dịp để ông kêu gọi các biện pháp thúc đẩy hoạt động đầu tư của Nhật tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài Việt Nam, ông Suga còn thăm Indonesia.
Nikkei cho hay, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nói trên của Chính phủ Nhật nêu cụ thể là hỗ trợ những dự án mở rộng mạng lưới sản xuất tại các nước thành viên ASEAN. Những dự án bao gồm việc rút hết sản xuất khỏi một quốc gia cụ thể có thể sẽ không được hỗ trợ.
Nói cách khác, việc xây dựng một nhà máy mới tại một nước Đông Nam Á trong khi vẫn giữ nguyên nhà máy ở nước khác, chẳng hạn Trung Quốc, sẽ được xem là đa dạng hóa và được hưởng ưu đãi từ chương trình.
Ông Yorizumi Watanabe, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai, nói rằng chương trình của Chính phủ Nhật sẽ không vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) "miễn là có các tiêu chuẩn khách quan cho việc hỗ trợ, thay vì trợ cấp những công ty cụ thể".
Trên phương diện chi phí, Đông Nam Á là một điểm đến thu hút đối với các công ty sản xuất. Tiền lương năm trung bình của một công nhân ngành sản xuất là 5.956 USD ở Indonesia và 4.041 USD ở Việt Nam, so với mức gần 10.000 USD ở Trung Quốc, theo số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Từ trước khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng tại một số quốc gia nhất định. Ông lấy dẫn chứng là việc các hãng sản xuất ô tô buộc phải đóng cửa nhà máy khi không thể mua được linh kiện từ Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19.
Theo Nikkei, Chính phủ Nhật Bản có thể dành ra một khoản đáng kể cho chương trình trên trong đợt bổ sung ngân sách lần thứ ba. Một động thái như vậy sẽ là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của chương trình với tư cách một sáng kiến chính sách.
Ngân sách bổ sung đầu tiên của Nhật Bản trong tài khóa 2020 đã cấp 23,5 tỷ Yên, tương đương 223 triệu USD, để giúp các doanh nghiệp nước này mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ Nhật đã phê chuẩn 30 dự án trong đợt nhận hồ sơ xin hỗ trợ đầu tiên kết thúc vào tháng 6.
Chương trình này được biết đến ít hơn một sáng kiến tương tự nhưng lớn hơn nhằm khuyến khích các công ty Nhật mở nhà máy trong nước. Chương trình kêu gọi mở nhà máy trong nước đã nhận được 1.700 hồ sơ và có ngân sách 2 tỷ USD. Trong đó 57 dự án với tổng vốn 544 triệu USD đã được phê chuẩn.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cũng như khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung khẩu trang và các vật dụng quan trọng khác trong đại dịch Covid-19, đã cho thấy những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào chuỗi cung ứng ở Trung Quôc.
Trong thương chiến, Mỹ đã "cấm cửa" các hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc và gây sức ép đòi các đồng minh như Nhật, Anh và Australia hành động tương tự. Trung Quốc đáp trả bằng những biện pháp nhằm vào hàng hóa Mỹ. Trong bối cảnh "ăn miếng trả miếng" giữa Washington và Bắc Kinh, doanh nghiệp Nhật có cơ sở tại Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị mắc kẹt hàng hóa.
Xem thêm: mth.37832028051010202-a-man-gnod-o-yam-ahn-om-peihgn-hnaod-ort-oh-hnam-yad-tahn/nv.ymonocenv