Tình trạng mất việc làm đang cản trở sự bùng nổ mà Đông Nam Á đã trải qua trong những năm gần đây, khi các nền kinh tế có thể phải mất nhiều năm để hồi phục hoàn toàn.
Một cuộc khảo sát do WB và các cơ quan địa phương công bố vào ngày 6/10 cho thấy, tại Philippines – quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất Đông Nam Á, gần 1 nửa số doanh nghiệp đã đóng cửa đều không chắc khi nào họ có thể mở cửa trở lại. Sự dai dẳng của việc nền kinh tế ngừng hoạt động đã có tác động lớn đối với những người như Jenn Piñon (35 tuổi) – vốn mất nhiều năm để có tấm bằng cử nhân mỹ thuật và giúp chị có hy vọng về nguồn thu nhập được đảm bảo.
Dẫu vậy, Jenn đã mất hợp đồng mà chị có được với tư cách là nhà thiết kế đồ họa. Do đó, chị phải chuyển sang bán trứng và hummus (một món ăn Trung Đông và Ả Rập) trên mạng. Thậm chí, chị còn đang sống trong căn hộ chung cư của một người bạn, để duy trì chi phí sinh hoạt ở mức thấp. Jenn chia sẻ về công việc đã mất: "Tôi không thể lường trước tất cả những điều này. Thật may là tôi vẫn có đủ tiền tiết kiệm đến bây giờ."
Trong bối cảnh mức thu nhập của người lao động trên toàn thế giới đều sụt giảm, ảnh hưởng của đại dịch lại đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực mới nổi tại Đông Nam Á. Tại đây, làn sóng mất việc, cùng mạng lưới an sinh xã hội kém đồng nghĩa với việc hàng triệu người có nguy cơ bị tụt hạng trong "bậc thang" dịch chuyển xã hội. Ramesh Subramaniam – Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khu vực Đông Nam Á, cho biết khu vực này có thể đứng thứ sau tiểu lục địa Ấn Độ trong bảng xếp hạng về số lượng người nghèo mới tại châu Á trong năm nay.
Theo Priyanka Kishore – kinh tế gia tại Oxford Economics, việc nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các vụ phá sản gia tăng và các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường việc làm. Bà cho hay: "Nhìn chung, những yếu tố này cho thấy sự hồi phục sẽ diễn ra trong thời gian dài. Chúng tôi ước tính GDP của Đông Nam Á thấp hơn 2% so với mức trước Covid-19 kể cả vào năm 2022."
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên Hợp Quốc (DER), có tới 347,4 triệu người tại châu Á-Thái Bình Dương có thể rơi vào dạng nghèo, với thu nhập dưới 5,5 USD/ngày do đại dịch. Con số này chiếm khoảng 2/3 dự báo số người nghèo trên toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh dự báo của WB về số người nghèo tăng mạnh lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ.
Con số này thực sự gây khó khăn cho những người như Adi Muhammad Fachrezi tại Indonesia. Fachrezi là người đầu tiên trong gia đình đi học đại học vào năm 2014. Sau đó, anh làm hướng dẫn viên, đưa khách du lịch đến tham quan những ngọn núi lửa ở Java và bãi biển. Anh kiếm được khoảng 20 triệu rupiah (1.357 USD)/tháng và được trang trải học phí, chi phí ăn ở. Tuy nhiên, khoản thu nhập này đã mất đi vì dịch bệnh. Fachrezi không còn khách du lịch và cũng buộc phải nghỉ học. Chàng trai 24 tuổi chia sẻ: "Bây giờ, tài chính của tôi đang cạn kiệt."
Mức độ suy thoái ở 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là rất nghiêm trọng, đặc biệt là trong quý II. Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp, GDP của Indonesia giảm 5,3%, Malaysia giảm 17,1%, Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,3% và Thái Lan giảm 12,2%. Điểm sáng duy nhất là Việt Nam, khi là một trong số ít quốc gia là người chiến thắng trong thương chiến Mỹ-Trung, đạt mức tăng trưởng dương. HSBC nhận định, đà sụt giảm tại khu vực này có thể kéo dài đến đầu năm sau, trong bối cảnh ngành sản xuất và du lịch suy yếu.
Tăng trưởng GDP của các quốc gia Đông Nam Á trong năm nay.
Trải qua những biến động chính trị, khủng hoảng tài chính và thiên tai, Đông Nam Á từ trước vốn đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không như những sự kiện trước đây đã đẩy triệu người vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, thời điểm này thậm chí không có thị trường lao động hoặc xuất khẩu nào hoạt động.
Điều này báo hiệu cho tình trạng khó khăn về tài chính kéo dài tại Đông Nam Á. Subramaniam dự báo việc thu nhập sụt giảm và số người nghèo gia tăng sẽ kéo tụt đà hồi phục của nền kinh tế từ 2 đến 3 năm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng thời gian làm việc tương đương với ít nhất 48 triệu công việc toàn thời gian đã biến mất tại khu vực này trong quý II.
Trong nhiều tháng, Farah (28 tuổi) đã tìm việc ở Kuala Lumpur (Malaysia) trong vô vọng. Từng làm công việc giảng dạy tại 1 trung tâm gia sư, Farah đã bị sa thải hồi tháng 3. Cô phải sống dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng từ công việc tại một trung tâm dưỡng lão và một ít viện trợ từ chính phủ.
Cô chia sẻ: "Chúng tôi chỉ ăn những gì cần thiết để no bụng." Hoàn cảnh của Farah hoàn toàn trái ngược với quá trình lớn lên của tầng lớp trung lưu. Cuộc sống của Farah hiện tại không khác gì thời còn nhỏ của cha cô, sau đó ông đã nỗ lực để có được một vị trí trong chính phủ và đủ tiền cho cô đi học tại đại học tư.
Farah và chồng gần như trở thành người vô gia cư sau khi hợp đồng thuê nhà hết hạn trong thời gian thành phố bị phong tỏa. Họ phải vay tiền người thân để trả phí đặt cọc cho căn hộ.
5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ người lao động ứng phó với tác động của dịch bệnh. Christian Viegelahn – kinh tế gia tại ILO, cho biết dù các chính phủ (trừ Singapore) đã nỗ lực, đưa ra các biện pháp như trợ cấp thất nghiệp thì dường như kết quả vẫn không khả quan như mong đợi.
Quay trở lại Java, Fachrezi đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Anh muốn quay trở lại với công việc là hướng dẫn viên du lịch, hoàn thành khóa học truyền thông và là người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học.
Chàng trai chia sẻ: "Hy vọng lớn nhất của tôi là tôi có thể quay trở lại với công việc vào cuối năm, trùng với dịp nghỉ lễ." Dẫu vậy, đó lại là một điều rất mong manh, khi số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia vẫn tiếp tục gia tăng và ghi nhận một trong những đợt bùng phát lớn nhất của khu vực.
Tham khảo Bloomberg