United Airlines - một trong những hãng hàng không lớn nhất của Mỹ - báo lỗ lớn trong quý 3/2020, nhưng tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ hồi phục từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà ngành hàng không từng đối mặt.
Theo tin từ CNN Business, nếu không tính các khoản đặc biệt, United lỗ 2,4 tỷ USD trong quý vừa qua, ít hơn so với mức lỗ 2,6 tỷ USD trong quý 2 nhưng nhỉnh hơn dự báo của giới phân tích. Mức lỗ ròng quý 3 của United là 1,8 tỷ USD, lớn hơn mức lỗ ròng của quý trước.
Những khoản thua lỗ khổng lồ của hãng hàng không này là do hoạt động đi lại sụt giảm kỷ lục vì đại dịch Covid-19. Trận dịch đã khiến ngành hàng không toàn cầu rơi vào tình trạng kinh doanh thảm hại chưa từng có tiền lệ. Giới phân tích dự báo các hãng hàng không Mỹ thua lỗ tổng cộng khoảng 10 tỷ USD trong quý 3.
United là hãng bay thứ hai của Mỹ công bố kết quả kinh doanh quý 3, sau hãng Delta Airlines. Ngày 13/10, Delta báo lỗ 2,1 tỷ USD.
Tuy báo lỗ đậm, United tỏ ra khá lạc quan về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới.
"Cho dù ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, chúng tôi hiện đang tập trung vào công tác chuẩn bị để công ty đón một thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Khi đó, các nhân viên phải nghỉ việc tạm thời sẽ được quay trở lại làm việc, và United sẽ lại nổi lên là một hãng hàng không hàng đầu thế giới", Tổng giám đốc (CEO) Scott Kirby phát biểu khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý 3 vào ngày 14/10.
United cho biết lượng tiền mặt mà hãng "đốt" bình quân mỗi ngày trong quý 3 đã giảm còn 25 triệu USD, từ mức 40 triệu USD/ngày trong quý 2. Từ khi đại dịch nổ ra, United có 9.000 nhân viên tự nguyện thôi việc và hãng cho 13.000 nhân viên khác nghỉ việc tạm thời.
Doanh thu của United giảm 78% trong quý 2, còn 2,5 tỷ USD. Mức giảm này thấp hơn cú giảm 87% trong quý 2.
Từ tháng 3 đến nay, United đã huy động 22 tỷ USD tiền mặt thông qua phát hành cổ phiếu, vay thế chấp, vay vốn từ Chính phủ… Kết thúc quý 3, hãng còn trong tay 13 tỷ USD và hạn ngạch tín dụng 6 tỷ USD nữa.
Lượng hành khách đi máy bay ở Mỹ hiện đã hồi phục đạt mức khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mỗi hãng bay ở nước này vẫn tiếp tục phải "đốt" hàng chục triệu USD tiền mặt mỗi ngày.
Thua lỗ cũng là tình trạng chung của ngành hàng không tại các quốc gia khác.
Theo trang CNBC, công ty dữ liệu giao thông Cirium cho biết từ đầu năm đến nay đã có 43 hãng bay thương mại trên thế giới phải dừng hoạt động tạm thời hoặc vĩnh viễn, so với con số 46 hãng trong cả năm 2019 và 56 hãng trong 2018.
Hiệp hội Giao thông hàng không Quốc tế (IATA) mới đây dự báo ngành hàng không toàn cầu đã "đốt" tổng cộng 77 tỷ USD tiền mặt trong quý 2/2020 và sẽ tiếp tục "đốt" 5-6 tỷ USD mỗi tháng trong năm 2021 do phục hồi chậm.
Hồi tháng 7, IATA cho rằng phải đến năm 2024 thì lượng hành khách đi máy bay trên toàn cầu mới có thể trở lại mức của năm 2019.
Xem thêm: mth.53983741151010202-91-divoc-hcid-iad-iv-gnuhk-ol-oab-peit-neil-ym-gnohk-gnah-hnagn/nv.ymonocenv