Vì sao lại là sữa đậu nành khi hợp tác cùng Walmart ở thị trường Trung Quốc?
Thế mạnh của NutiFood không phải là sữa đậu nành mà chính là sữa công thức cho trẻ em, sữa tươi hoặc nếu phải kể thêm có thể là cà phê. Có thể nói, sữa đậu nành khá ‘nhạt nhòa’ nếu so sánh với các thành viên khác trong gia đình NutiFood, nhất là ở mặt truyền thông. Tuy nhiên, chính sữa đậu nành mới là ‘kẻ được chọn’ khi NutiFood tìm đến hợp tác cùng Walmart.
Có thể nói, cơ duyên của NutiFood với Walmart bắt đầu tư năm 2018. Đầu năm 2018, NutiFood chinh phục thành công tấm "visa" vào Mỹ khi được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cấp giấy chứng nhận cho dòng sản phẩm sữa đặc trị cho trẻ Pedia Plus. Đây là bước đi quan trọng giúp NutiFood chuẩn hóa toàn bộ hệ thống vận hành và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất những yêu cầu nghiêm ngặt của bộ tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới từ FDA.
Sau Pedia Plus, họ được cấp phép xuất khẩu tiếp sữa chua uống tiệt trùng, sữa đậu nành…sang thị trường Mỹ. NutiFood đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu tại xứ sở cờ hoa năm 2018 khoảng 20 triệu USD và lên 100 triệu USD 5 năm tới. Các sản phẩm của NutiFood đã bày bán ở rất nhiều hệ thống siêu thị tại Mỹ, như Delori.
Tuy nhiên, khi tìm đến với Walmart, ‘ông lớn’ này có chiến lược khác cho những sản phẩm của NutiFood. Theo thông tin từ NutiFood, thì dường như Walmart mới chọn sữa đậu nành của NutiFood để phân phối ở thị trường Trung Quốc, còn họ chưa phân phối sản phẩm của NutiFood ở các thị trường khác, ví dụ như ở ‘đại bản doanh’ Mỹ. Còn trong tương lai, chúng ta chưa biết.
Sở dĩ Walmart chọn sữa đậu nành để phân phối tại Trung Quốc, bởi thị trường sữa đậu nành Trung Quốc rất màu mỡ và còn nhiều dư địa để phát triển.
Sữa đậu nành của NutiFood đã được chính thức lên kệ ở hệ thống Walmart Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily
Tại châu Á, Trung Quốc nói riêng và người Hoa nói chung, rất thích uống sữa đậu nành hoặc ăn các sản phẩm làm từ nậu nành, như tào phớ hay đậu phụ. Đây là một phần trong văn hóa của họ. Ngoài ra, người Trung Quốc có khuynh hướng di truyền với sự thiếu hụt lactase (có trong sữa động vật), trên thực tế, khoảng 85% người dân mắc chứng không dung nạp lactose ở Trung Quốc, đặc biệt là các thế hệ lớn tuổi.
Thế nên, Trung Quốc được đánh giá là thị trường khổng lồ có mức sử dụng sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Tổng sản lượng tiêu thụ tại đây lên đến 15 tỷ lít/ năm. Còn, theo Euromonitor, thị trường sữa làm từ thực vật chiếm 1/3 thị trường sữa nói chung – trị giá tầm 38,4 tỷ USD năm 2020, trong đó sữa đậu nành chiếm thị phần rất lớn.
Con đường gian khó
Ở khía cạnh khác, dù trước khi tìm đến với Walmart, NutiFood đã có giấy chứng nhận FDA, song từng đó vẫn chưa đủ với "ông lớn" này. Chia sẻ từ NutiFood, để có thể hợp tác thành công với "gã khổng lồ của ngành bán lẻ", NutiFood đã phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe do Walmart đề ra. Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao; họ còn phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách công ty dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội...
Nói về cột mốc này, bác sĩ Trần Thị Lệ - Tổng Giám đốc NutiFood, cho biết: "Đáp ứng được tốt nhất tất cả các điều kiện khắt khe mà Walmart đề ra là một thành quả tự hào cho những nỗ lực không ngừng của tập thể CBNV NutiFood tại Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ và Thụy Điển.
Đây là bước tiếp nối quan trọng của NutiFood trên hành trình thực hiện chiến lược nâng chuẩn dinh dưỡng cao cho người Việt và vươn ra thế giới, mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho người Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng ở nhiều nước khác nói chung".
Mặt khác, do sữa đậu nành là thức uống yêu thích của hàng triệu người, nên Trung Quốc có những yêu cầu rất cao về mặt chất lượng. Yếu tố tiềm năng kinh tế của "miếng bánh lớn" này cũng khiến các công ty nội địa cũng như các tập đoàn dinh dưỡng nước ngoài "để mắt" đến, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt.
Con đường đi của NutiFood ở thị trường hơn 1 tỷ dân có thể sẽ không dễ dàng.
Hiểu được điều đó, trước khi gia nhập thị trường Trung Quốc, NutiFood đã có một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu cũng như có chiến lược truyền thông tiếp cận đến người tiêu dùng. Sản phẩm sữa đậu nành Nuti phân phối trên hệ thống còn có bao bì phù hợp với thị hiếu khách hàng ở nước sở tại.
Ngoài ra, NutiFood đã đầu tư, nâng cấp nhà máy sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất như: công nghệ trích ly 2 lần giúp giữ trọn hương vị tươi ngon, giá trị dinh dưỡng trong từng hạt đậu,... Nguyên vật liệu để sản xuất cũng được NutiFood tuyển chọn từ những hạt đậu nành chất lượng nhất.
Dù đã chuẩn bị kỹ càng như thế, song với sự phức tạp và đặc thù riêng, chắc chắn hành trình chinh phục thị trường hơn 1 tỷ dân này của sữa đậu nành NutiFood sẽ không dễ dàng.
Những nghiên cứu gần đây của marketingtochina.com cho thấy, dù sữa đậu nành vẫn dẫn đầu thị trường sữa thực vật với tỷ suất lợi nhuận lớn, tuy nhiên thị phần của nó đang bị những loại sữa thực vật khác như sữa dừa, óc chó và hạnh nhân xâm chiếm.
Trong những năm gần đây, thị trường sữa hạnh nhân ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng với những lợi ích được truyền thông như: giảm tỷ lệ bệnh tim, ít calo hơn sữa đầu nành, có nhiều vitamin D… Ngoài ra, loại sữa óc chó cũng đang dần được ưa chuộng hơn tại đây. Công ty Yangyuan – chuyên sản xuất sữa óc chó, vừa thành công thu hút được được 630 triệu USD tiền đầu tư. Mặt khác, có không ít ông bố bà mẹ tại đây đã chuyển sang mua sữa chua cho con thay vì sữa thực vật vì ngại có nhiều chất bảo quản.
Đặc biệt, việc PR – marketing ở Trung Quốc, ngoài đổ nhiều tiền, doanh nghiệp cần phải kiên nhẫn, nhất là digital marketing. Rất khó để doanh nghiệp ngoại vào thị trường Trung Quốc quảng bá ‘một phát ăn ngay’. Dù bán sản phẩm đặc sản, xong Vinamit đã mất rất nhiều năm bám trụ mới có được như ngày hôm nay ở thị trường Trung Quốc.
Các công ty sản xuất sữa thực vật lớn tại Trung Quốc bao gồm: Yangyuan, Vitasoy, Dali Foods, Lulu, Coconut Palm…
Ngoài sữa đậu nành, năm 2019, NutiFood cũng từng được cấp phép xuất khẩu các loại sữa khác vào thị trường Trung Quốc.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ