Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14-10 thông báo nước này có quyền điều các quan sát viên quân sự Nga tới dọc đường kiểm soát ở Karabakh nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, theo hãng tin Sputnik. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng tùy thuộc vào Armenia và Azerbaijan.
Binh sĩ Armenia gần thị trấn Martuni ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh nếu không có một giải pháp chính trị giữa hai nước thì bất kỳ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột đều sẽ không hiệu quả.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh rằng lực lượng canh giữ hòa bình có thể được triển khai tới khu vực chỉ khi cả Azerbaijan và Armenia bật đèn xanh cho quyết định này. Ông Aliyev cũng tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tham gia các cuộc đàm phán theo một cách nào đó.
Trước đó, Armenia tuyên bố quân đội Azerbaijan đã tấn công thiết bị quân sự Armenia trên đất Armenia và lực lượng nước này có quyền tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào trên lãnh thổ Azerbaijan.
Trong khi đó, Azerbaijan cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự của nước này sẽ dẫn tới trả đũa.
Cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên giữa Azerbaijan và Armenia bất ngờ bùng phát trở lại hôm 27-9, khi Azerbaijan và Armenia cáo buộc nhau thực hiện hành vi khiêu khích dọc khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabakh hay còn gọi Artsakh với phần lớn dân là người Armenia tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan năm 1991 sau khi Azerbaijan rút quy chế tự trị.
Động thái này đã dẫn tới một cuộc xung đột quân sự lớn giữa Baku và Yerevan gây tàn phá khu vực này trong hai năm, cướp đi sinh mạng của ít nhất 40.000 người. Tuy nhiên, năm 1994, các bên đồng ý hòa đàm với sự hòa giải của Nhóm Minsk do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập. Nga, Pháp và Mỹ đồng chủ tịch nhóm này.
Cuộc xung đột vẫn đóng băng từ đó với việc Nagorno-Karabakh tiếp tục là một quốc gia không được công nhận.