vĐồng tin tức tài chính 365

Coteccons - thuyền trưởng ra đi, nhưng rường cột vẫn ở lại

2020-10-15 20:04

Coteccons - thuyền trưởng ra đi, nhưng rường cột vẫn ở lại

Hải Lý

(TBKTSG) - Những ồn ào xung quanh việc thay đổi nhân sự hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) từ cuối tháng 5-2020 đến nay đã tạm lắng xuống với việc ông Nguyễn Bá Dương, một trong những người sáng lập và nguyên chủ tịch, không còn ở CTD. Công ty đã bổ nhiệm ông Bolat Duisenov, một đại diện của cổ đông tổ chức Kusto, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 5-10-2020.

 

Nhà đầu tư có quyền kỳ vọng ở một Coteccons mới. Ảnh: THÀNH HOA

Coteccons vì sao đến “nông nỗi” như ngày hôm nay và tương lai sẽ đi về đâu là điều mà hầu hết các cổ đông và nhà đầu tư quan tâm đến Coteccons trăn trở. Cho đến lúc này, nhìn vào báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét, Coteccons vẫn là một doanh nghiệp cơ bản tốt, nếu không muốn nói thuộc nhóm tốt nhất trên sàn Hose, nhưng thị giá cổ phiếu so với mức đỉnh tháng 10-2017 chỉ còn bằng 32,6%. Trong nửa năm qua, có lúc thị giá CTD chỉ còn chưa đầy 25% của mức đỉnh.

Đến ngày 30-6-2020, Coteccons không vay nợ ngân hàng, có 3.682 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, tính ra mỗi cổ phiếu CTD có hàm lượng tiền 46.450 đồng (chỉ sau D2D là cổ phiếu có hàm lượng tiền cao nhất nhì thị trường hiện nay 61.500 đồng/cổ phiếu trên thị giá 70.900 đồng - NV). Điều này có nghĩa là nếu đem số tiền đang sở hữu chia cho cổ đông, thì với mỗi cổ phiếu CTD nhà đầu tư nhận được ngay 46.450 đồng. Còn nếu so với giá trị sổ sách, thị giá CTD hiện thấp gần bằng 61%. Suốt bốn năm từ 2015-2018, Coteccons trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50%/năm; hai năm 2018-2019 trả 30% và năm nay theo kế hoạch công ty sẽ trả 30% cổ tức tiền mặt tiếp. Liệu trên sàn có được bao nhiêu doanh nghiệp khỏe mạnh như Coteccons?

Coteccons sẽ vẫn là một “cánh chim đầu đàn” trong số các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên sàn trong trường hợp dàn lãnh đạo, nhất là hội đồng quản trị, đồng lòng nhất trí trong điều hành, quản trị công ty. Thế nhưng trong vòng khoảng 5-6 năm trở lại đây, một hệ sinh thái các công ty xây dựng khác với cái tên viết tắt cũng có đuôi là ccons nổi lên. Một số người sáng lập, điều hành các công ty đó ít nhiều đã từng gắn bó với Coteccons. Không ít nhà đầu tư - những người đã hoặc vẫn còn nắm giữ cổ phiếu CTD - băn khoăn tự hỏi liệu những công ty trong hệ sinh thái kia có giữ vai trò các nhà thầu phụ, tham gia xây dựng các công trình với Coteccons. Nếu có, thì tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận được phân bổ giữa nhà thầu chính và các nhà thầu phụ diễn ra như thế nào? Không nhà đầu tư nào có thể trả lời chính xác.

Trên báo cáo tài chính quí và năm gần đây, cổ đông có thể dễ dàng nhận ra doanh thu của Coteccons giảm dần. Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán cho thấy tổng giá trị hợp đồng xây dựng/năm mà Coteccons nhận làm không còn cao như trước. Một doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực giữ vị thế đầu ngành như Coteccons sao bỗng dưng lại sụt giảm doanh thu? Phải chăng vì thị trường xây dựng không còn hấp dẫn, không còn duy trì tốc độ tăng trưởng như trước? Và tại sao những công ty xây dựng trong hệ sinh thái kia lại vẫn ăn nên làm ra? Coteccons kém đi, quá rõ rồi. Cổ đông Coteccons có quyền chất vấn ban điều hành Coteccons về điều đó.

Giữa lúc sóng gió, ông Nguyễn Bá Dương, người từng được ví như thuyền trưởng của “con tàu” Coteccons rời bỏ công ty. Ông cũng bán bớt cổ phần và không còn là cổ đông lớn ở Coteccons như thông tin đăng tải trên trang web của Hose ngày 9-10-2020.

Đã có thời điểm, thị trường đồn đoán nhóm nhà đầu tư nước ngoài có ý định thâu tóm Coteccons. Thực tế họ đã thương lượng và sẵn lòng chuyển nhượng cổ phần cho một số nhóm nhà đầu tư nội nếu bên nhận chuyển nhượng không thay đổi các cam kết. Họ, các cổ đông tổ chức nước ngoài, là các nhà đầu tư tài chính. Họ chú trọng đến lợi nhuận thu về sau một thời gian đầu tư nhất định. Đấy là mục tiêu chủ yếu của hầu hết các tổ chức đầu tư.

Những ngày gần đây Coteccons đã tuyển thêm nhân sự cấp cao, lấp vào các vị trí trống trong dàn lãnh đạo điều hành mà ban điều hành cũ để lại. Các cổ đông tổ chức của Coteccons có tiềm lực tài chính và quyết tâm lấy lại vị thế trên thương trường cho Coteccons. Đã có những cá nhân đại diện cho nhóm cổ đông ngoại, vì những lý do khác nhau cả khách quan và chủ quan, đã ở Việt Nam suốt cả năm trời để tháo gỡ các vấn đề nội bộ trong cơ cấu cổ đông tại Coteccons. Vậy thì không có lý do gì khiến họ không gắn bó với công ty trong thời gian tới.

Coteccons lên sàn vào đầu năm 2010 với vốn điều lệ khi ấy dưới 200 tỉ đồng. Trước đó trong cuộc tiếp xúc trên diện rộng lần đầu tiên với giới báo chí ở phòng họp khách sạn Equatorial, quận 5, TPHCM, ông Dương đã để lại nhiều ấn tượng. Ông nói Coteccons tập trung đấu thầu và thực hiện các công trình, dự án của dân doanh và nước ngoài. Khách hàng của Coteccons không phải là các dự án quốc doanh. Đấy là một định hướng đúng và có tầm nhìn. Những dự án Coteccons thi công trong mười năm qua đều theo định hướng này. Những lãnh đạo ở lại và những nhân sự cấp cao mới được tuyển dụng hẳn sẽ tiếp bước định hướng truyền thống đó.

Coteccons hiện còn hơn 1.900 nhân viên, kỹ sư và vẫn còn bộ máy rường cột ở các bộ phận bên dưới ban lãnh đạo. “Quan” ở Coteccons đã thay đổi, nhưng “dân” ở đây vẫn là nòng cốt chắc chắn. “Quan nhất thời, dân vạn đại” và người “thuyền trưởng” mới có lẽ không chỉ thể hiện là một “đầu tàu” có tài. Nhà đầu tư có quyền kỳ vọng ở một Coteccons mới.       

Xem thêm: lmth.-ial-o-nav-toc-gnour-gnuhn-id-ar-gnourt-neyuht--snoccetoc/193903/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Coteccons - thuyền trưởng ra đi, nhưng rường cột vẫn ở lại”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools