Một loạt yếu kém của các "ông lớn" dầu khí như PVOil, PVPower đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong báo cáo kết quả công tác kiểm toán gửi Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10 sẽ khai mạc vào ngày 20.10 tới.
Theo đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) còn tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty.
Đặc biệt, PVOil chưa bảo toàn được vốn tại các đơn vị thành viên như: PVOil Bạc Liêu, PVOil Bình Thuận, PVOil Tây Ninh, PVOil Phú Thọ, Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP , PVOil Thanh Hóa, PVOil Nam Định.
Ngoài ra, PVOil và một số đơn vị thành viên còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.
Riêng PVOil sử dụng 12,02ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu; PVOil Thái Bình có 5,8ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng.
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower) quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn 214,4 tỉ đồng.
KTNN đánh giá PVPower đầu tư không hiệu quả, có cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 chỉ đạt 0,2% tổng vốn đầu tư, trích lập dự phòng 100%/vốn đầu tư tương ứng 20,2 tỉ đồng.
Trước đó, KTNN đã công bố kế hoạch sẽ kiểm toán 4 tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong năm 2020, bao gồm: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) và Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans).
Trọng tâm kiểm toán tại các đơn vị này bao gồm đánh giá thực trạng công tác quản lí tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lí.
Bên cạnh đó, việc kiểm toán nhằm bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như đánh giá việc chấp hành các qui định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.