Đứa con của hy vọng
Sinh ra trong một gia đình Anh thuộc tầng lớp lao động vào ngày 14/1/1946, Harold là đứa con được mẹ cưng nhất trong tất cả. Chính vì coi hắn ta là niềm hy vọng của của mình, người mẹ đã quyết định quản thúc tất cả các mối quan hệ xã hội, việc học tập, ăn uống hay thậm chí là chơi như nào.
Khi Vera, người mẹ của Harold được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi, hắn ta đã luôn túc trực và trò chuyện với bà trong suốt quãng thời gian bệnh tật dày vò bà. Harold sớm đã bị cuốn vào tác dụng của những mũi tiêm morphine, thứ giúp Vera làm dịu đi những cơn đau trong ngày tháng cuối đời. Ngày 21/6/1963, Vera qua đời, và đó cũng chính động lực khiến Harold quyết tâm thi đỗ trường đại học Y Leeds.
Harold đã mất 2 năm mới có thể trở thành sinh viên chính thức của trường y song hắn ta khiến mọi người xung quanh ngạc nhiên khi vội vã kết hôn ở tuổi 19. Vợ Harold, Primrose khi ấy mới 17 tuổi nhưng đã mang bầu 5 tháng.
Đến năm 1974, Harold trở thành người bố 2 con và xin được vào làm tại phòng khám tư nhân tại Todmorden, Yorkshire. Lúc này, tình cách của Harold đã trở nên thoải mái, cởi mở hơn trước nên vô cùng được lòng những người xung quanh.
Bác sĩ lạc lối
Một y tá trong bệnh viện phát hiện hắn kê quá liều thuốc giảm đau pethidine cho bệnh nhân. Cô y tá lập tức báo cho bác sĩ khác trong bệnh viện và họ vô cùng sốc khi phát hiện ra rằng những bệnh nhân được kê đơn không hề nhận thuốc và chính Harold đã sử dụng số thuốc pethidine này. Hắn đã tiêm trực tiếp rất nhiều thuốc pethidine vào tĩnh mạch của mình. Năm 1975, hắn bị buộc thôi việc tại bệnh viện và bị đưa tới trung tâm cai nghiện đồng thời phải nộp một khoản tiền phạt nhỏ vì tội kê đơn thuốc giả mạo.
Vài năm sau đó, Harold được đồng ý nhận vào làm nhân viên tại Trung tâm Y tế Donneybrook ở Hyde. Tại đây, Harold xây dựng cho mình hình ảnh 1 bác sĩ chăm chỉ, luôn được bệnh nhân và đồng nghiệp tin tưởng mặc cho những câu chuyện về tính cách kiêu ngạo với cấp dưới của hắn ta được lan truyền khắp nơi. Mặc dù vậy, trái với nụ cười hiền lành, Harold đã trở thành “con quỷ khát máu” trong suốt 2 thập kỷ mà không ai hay biết.
Năm 1998, một nhân viên địa phương nhận thấy số lượng bệnh nhân được bác sĩ Hảold điều trị bị tử vong ngày càng tăng với những đặc điểm tương đồng như mặc quần áo chỉnh tề nằm hoặc ngồi ngay ngắn trên ghế vào thời điểm được phát hiện. Người nhân viên đã bày tỏ sự thắc mắc với Harold nhưng chỉ nhận lại được câu trả lời “không cần lo lắng, mọi chuyện vẫn ổn”.
Sau này, Susan Booth, nữ đồng nghiệp với Harold cũng phát hiện những điểm nghi ngờ tương tự nhưng cô lựa chọn trình báo với hội đồng lãnh đạo của Trung tâm Y tế Donnybrook. Một cuộc điều tra được tiến hành nhưng không có bất cứ bằng chứng nào được đưa ra để chứng minh tội ác của hắn ta.
Cảm thấy không yên tâm về kết quả, cơ quan chức năng tiếp tục mở thêm 1 cuộc điều tra khác trong bí mật và họ phát hiện ra bí mật động trời: Harold đã làm giả hồ sơ bệnh án để chứng thực nguyên nhân tử vong cho bệnh nhân.
Ác quỷ lộ diện
Điều khiến cảnh sát cảm thấy rối đầu là khi ấy Harold đang làm bác sĩ gia đình. Họ không thể xác định được chính xác thời điểm hắn ta bắt đầu giết người từ khi nào hay số lượng nạn nhân chính xác. Không những vậy, Harold còn khăng khăng bác bỏ toàn bộ cáo buộc mà các công tố viên đưa ra cho hắn ta.
Tuy nhiên, không sự thật nào có thể bị vùi lấp mãi mãi, mọi chuyện được đưa ra ánh sáng nhờ sự quyết tâm của nữ luật sư đồng thời là con gái của một trong những nạn nhân đã tử vong dưới tay của tên sát nhân, Angela Woodruff.
Góa phụ 81 tuổi Kathleen Grundy được phát hiện tử vong tại nhà riêng vào ngày 24/6/1998, ngay sau khi Harold đến khám bệnh. Lúc này, Harold đã khuyên cô Angela không nên khám nghiệm tử thi nên người mẹ đã được chôn cất theo nghi lễ trang trọng nhất.
Tuy nhiên, sự nghi ngờ của Angela nổi lên khi phát hiện tờ di chúc của bà Kathleen. Trong di chúc, bà viết sẽ dành 386 ngàn bảng Anh cho bác sĩ riêng của mình, ông Harold Shipman. Là 1 nữ luật sư và cũng là người thân thiết với mẹ nhất, Angela nghi ngờ tài liệu là giả và Harold có liên quan ít nhiều đến cái chết của bà. Cô liên lạc với cảnh sát và yêu cầu khám nghiệm tử thi.
Để tìm kiếm bằng chứng, cơ quan chức năng đã khai quật tử thi bà Kathleen và kết quả cho thấy bà tử vong vì sử dụng quá liều thuốc morphine trong vòng 3 tiếng đồng hồ trước khi qua đời. Trùng hợp thay, đây cũng chính là thời điểm bác sĩ Harold đến khám cho bà Kathleen.
Cảnh sát được lệnh lập tức lục soát nhà của hắn và phát hiện các hồ sơ bệnh án, một bộ sưu tập trang sức kỳ lạ và một chiếc máy đánh chữ đã cũ, sau này được chứng minh là công cụ để hắn giả mạo hồ sơ rồi cả bản di chúc của bà Kathleen.
Sau đó, thi thể của tất cả nạn nhân qua đời sau khi được vị "bác sĩ tử thần" này thăm khám mà chưa bị hỏa táng đều được các cảnh sát khai quật để phục vụ điều tra.
Harold luôn thuyết phục người nhà hỏa táng bệnh nhân sau khi qua đời với lời khẳng định cái chết của họ là hoàn toàn bình thường, không cần khám nghiệm tử thi mặc cho nguyên nhân tử vong có thể là những căn bệnh họ chưa từng mắc bao giờ. Mỗi khi gặp ai đó muốn bằng chứng, Harold sẽ đưa ra bệnh án đã được sửa chữa vô cùng tinh vi để thuyết phục người nhà nhưng hắn không bao giờ biết rằng, mỗi lần chỉnh sửa bệnh án, máy tính đều lưu trữ lại kết quả và đó cũng chính là thứ vạch mặt vị bác sĩ tử thần này.
Y tế chuyển mình
Sau các cuộc điều tra mở rộng, bao gồm cả khai quật và khám nghiệm tử thi, cảnh sát đã có đầy đủ bằng chứng buộc tội Harold với nhiều tội danh bao gồm Giết người, Giả mạo thông tin vào ngày 7/9/1998.
Ngày 5/10/1999, phiên tòa xét xử đầu tiên diễn ra với sự có mặt của cô Angela Woodruff với tư cách là nhân chứng. Cách nói chuyện thẳng thắn và thái độ kiên quyết của cô đã thực sự gây ấn tượng cho bồi thẩm đoàn, bất chấp rằng tên bác sĩ cố đưa ra lời lẽ phản bác.
Kết quả phân tích dấu vân tay trên tờ di chúc cho thấy cô Angela Woodruff không hề chạm tới bản di chúc, và chữ ký trên đó là giả mạo.
Đến ngày 31/1/2000, thẩm phán tòa án tuyên án tù chung thân đối với Harold Shipman vì phạm tội giết 15 bệnh nhân và giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tài sản của bà Kathleen Grundy.
Một cuộc điều tra lâm sàng về số lượng và trạng thái tử vong được thực hiện bởi Giáo sư Richard Baker để so sánh, đối chiếu. Kết quả cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi cao nhất trong tất cả và dường như Harold chỉ giết người vào một số thời điểm nhất định trong ngày mà thôi. Bên cạnh đó, cuộc điều tra cũng ước tính rằng Harold có liên quan đến cái chết của ít nhất 236 bệnh nhân trong suốt 24 năm. Ngày 13/1/2004, Harold được phát hiện treo cổ trong phòng giam cá nhân ở Wakefield, trước ngày sinh nhật tuổi 58 một ngày.
Vụ “Bác sĩ tử thần” đã khiến hệ thống chăm sóc y tế Anh trở mình, tạo nên “Hiệu ứng Shipman”. Nhiều bác sĩ đã quyết định thay đổi đơn thuốc và thậm chí loại bỏ hẳn những loại thuốc có chất kích thích vì lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Không những vậy, vụ án đã khiến mô hình bác sĩ gia đình thay đổi từ mô hình 1 người sang nhiều người. Các đơn thuốc và bệnh tình của bệnh nhân sẽ được đội ngũ bác sĩ kiểm tra chéo rồi thảo luận, đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.
Han (theo Biography)